Chính phủ cho rằng việc kéo dài thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, chưa được tham gia ý kiến của chủ sử dụng và người lao động nên chưa đưa vào dự thảo luật Lao động sửa đổi.

TIN BÀI KHÁC


Nằm trong khuôn khổ kì họp thứ 2, Quốc hội khóa VIII, chiều ngày 4/11, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã trình bày trước Quốc hội dự án Bộ luật lao động sửa đổi. Theo đó, Bộ trưởng đưa ra 2 luồng ý kiến khác nhau về thời gian nghỉ tết Nguyên Đán.

Thời gian nghỉ Tết cổ truyền vẫn giữ nguyên do chưa nghiên cứu kỹ lưỡng

Ý kiến thứ nhất cho rằng nên giữ nguyên như quy định hiện hành, người lao động được nghỉ 4 ngày vào dịp tết Nguyên Đán.

Ý kiến thứ hai ủng hộ quan điểm tăng thời gian nghỉ tết Âm lịch lên thêm 1ngày mà Chủ  tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đề xuất tại UB Thường vụ ngày 5/10. Nghĩa là người lao động sẽ được nghỉ 5 ngày trong dịp Tết cổ truyền, nâng số ngày nghỉ lễ, Tết trong năm lên thành 10, thay vì 9 ngày như quy định hiện hành.

Lý giải cho đề nghị tăng thêm 1 ngày, Bộ Lao động cho rằng, việc quy định nghỉ 4 ngày trong khi tuần làm việc 5 ngày như hiện nay dẫn đến tình trạng người lao động sau khi nghỉ 4 ngày, đến nơi làm việc chỉ làm có một ngày sau đó lại được nghỉ cuối tuần. Về mặt kinh tế và về tổ chức lao động thì không hiệu quả.

Hơn nữa, cũng tại UB Thường vụ tháng trước Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Số ngày nghỉ của người lao động Việt Nam hiện vẫn thấp hơn mức bình quân trong khu vực Đông Nam Á, nên việc nghỉ Tết thêm một ngày có thể chấp nhận được.

Dù nhận định việc tăng thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán và nghỉ lễ hàng năm là chủ trương đúng đắn nhưng Chính phủ cho rằng vấn đề này chưa được nghiên cứu, trao đổi kỹ trong quá trình sửa đổi Bộ luật lao động, chưa được sự tham gia ý kiến của chủ sử dụng lao động và người lao động. “Vì vậy, Chính phủ đề nghị cho tiếp tục nghiên cứu, trước mắt chưa đưa vào dự thảo Luật lần này” – Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho hay.

Hoàng Thủy (tổng hợp)