Bài viết lược dịch của anh Sam Rutherford tại Gizmodo
Trong khi chúng ta chờ những thông báo của Motorola về chiếc smartphone gập Razr với màn hình dẻo, tôi cũng muốn dành đôi chút thời gian để 'tưởng nhớ' sản phẩm tiền nhiệm của nó, chiếc điện thoại Motorola Razr thế hệ đầu tiên. Đây có thể coi là chiếc điện thoại gập cuối cùng mà người dùng còn quan tâm và hào hứng mua!
Tháng này 15 năm trước, chiếc Motorola Razr được ra mắt, và những năm sau đó toàn bộ smartphone trên thị trường đều chuyển sang một hướng mới: một 'cục' kính phẳng và không có các thành phần chuyển động. Thế nhưng đến nay, vòng tuần hoàn công nghệ có vẻ như đã quay lại vị trí đầu khi các smartphone thế hệ mới nhất đều trang bị màn hình dẻo, nên có thể gập được giống như chiếc Razr.
Mặc dù không có độ bền 'huyền thoại' như chiếc Nokia 3310, Razr vẫn được người dùng đánh giá cao, và là chiếc điện thoại 'tâm điểm' trước khi Apple ra mắt iPhone. Vào những năm đầu 2000, gần như ai cũng sở hữu một chiếc Motorola Razr. Đây là một chiếc điện thoại thời thượng, với thiết kế mỏng và những đường nét cứng cáp.
Nó có tới 2 màn hình, một chiếc phụ ở bên ngoài với độ phân giải lên tới... 96 x 80 điểm ảnh để kiểm tra thông báo, và màn hình chính ở bên trong chứa các yếu tố giao diện thông thường với độ phân giải cũng chả khá hơn là 176 x 220.
Máy chỉ có 1 camera duy nhất, nhưng nhờ thiết kế gập nên vừa có thể dùng làm camera sau hoặc để chụp ảnh selfie. Để so sánh, thì phải mất tới 3 năm iPhone mới có camera trước, sau khi chiếc iPhone 4 được ra mắt vào 2010. Hãy thử tưởng tượng xem Motorola sẽ nổi tiếng đến mức nào nếu như hãng đầu tư nhiều hơn vào công nghệ hình ảnh để đón trước được sự bùng nổ của trào lưu ảnh tự sướng.
Máy còn có hệ thống phím bấm có đèn nền, đối với thời bấy giờ thì như được lấy ra từ những cuốn truyện khoa học viễn tưởng vậy. Các phím không được chia lẻ ra, mà chia ra từng vùng khác nhau, với mỗi vùng đều có các tính năng kèm theo. Máy thậm chí còn đẩy giới hạn màu sắc của Thế giới công nghệ, khi được bán ra với các màu như đỏ, tím, xanh và tất nhiên là màu hồng kim loại đặc trưng.
Giao điện của Razr nếu nhìn lại thì sẽ thấy rất lỗi thời, nhưng ở thời điểm đó thì lại là một giao diện tốt, nhìn đơn giản và cũng rất dễ dùng. Và cuối cùng, máy chỉ mỏng có nửa inch nhưng vẫn có khả năng tháo rời pin, một thứ mà các smartphone cao cấp hiện này đều không làm được.
Ngược lại, nhược điểm của máy nằm ở độ bền. Tôi có 3 chiếc Razr trong thời kì 2005 đến 2008 trước khi nâng cấp lên chiếc iPhone 3G. Chiếc đầu tiên chết sau khi bị rơi ra khỏi thuyền ca nô, chiếc thứ 2 cũng đã 'ra đi' sau khi rơi khỏi túi quần của tôi. Chiếc thứ 3 thì vẫn sống sót tới hiện nay, nên có lẽ là chiếc Razr 'hên' nhất trong bộ 3.
Máy cũng rất hay gặp lỗi vặt về thiết kế, khi thường bị rơi pin mặc dù không va đập, một vài chiếc cũng gặp hiện tượng vỡ màn hình. Nhưng đây cũng là cái giá phải trả khi người dùng bỏ tiền để mua một chiếc điện thoại 'thời trang', mỏng và nhẹ.
Tôi vẫn còn rất nhiều kỉ niệm được lưu giữ trong chiếc Razr: ảnh của chú chó thời thơ ấu, những dòng tin nhắn đầy xấu hổ và cả trò chơi xếp hình Tetris. Và mặc dù Razr nổi tiếng là không bền bỉ, nhưng chiếc của tôi vẫn sống sót sau khi bị rơi ra từ chiếc Ford Explorer của gia đình, bay 30 feet trên đường cao tốc trong một ngày trời giông bão.
Nhìn lại Razr, ta cũng hiểu được lý do tại sao Motorola bán được tới 130 triệu chiếc trong vòng 5 năm. Nó có những chi tiết thiết kế đặc biệt, làm người dùng phải ngạc nhiên (ít nhất là ở thời điểm 15 năm về trước). Và giờ Motorola được cho là sẽ tái sinh sản phẩm này, với hệ thống màn hình gập giống chiếc Galaxy Fold, và ta có thể chờ đợi những thứ 'ma thuật' 15 năm trước sẽ được đưa trở lại.
Tôi vẫn cảm thấy hơi nghi ngờ về tính khả thi của một chiếc smartphone gập của Motorola với giá trên 1000 USD, nhưng nếu hỏi bất cứ điện thoại nào xứng đáng có cơ hội hồi sinh với công nghệ hiện đại, thì chắc chắn đó sẽ là chiếc Razr này.
Theo GenK