Doanh nghiệp niêm yết

* VN-Index: Kết thúc phiên giao dịch 7/3, nhiều cổ phiếu trụ cột trên HOSE tăng giá trong bối cảnh quỹ Fubon của Đài Loan (Trung Quốc) được Ủy ban Chứng khoán nước này cấp phép tăng thêm khoảng 4.000 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam.

Chỉ số VN-Index tăng 10,66 điểm lên 1.037,84 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 0,94 điểm lên 207,5 điểm. Upcom-Index tăng 0,17 điểm lên 76,174 điểm. 

* Thanh khoản: Thanh khoản trên 3 sàn nhích lên chút ít nhưng vẫn quanh mức thấp nhất nhiều năm, đạt 9.100 tỷ đồng, trong đó có 8.250 tỷ đồng trên sàn HOSE.

* Khối ngoại: Các nhà đầu tư nước ngoài bất ngờ quay đầu mua ròng gần 206 tỷ đồng trên 3 sàn sau khi bán ròng trong nhiều phiên trước đó.

* Tự doanh: Trong phiên 7/3, tự doanh công ty chứng khoán mua ròng gần 150 tỷ đồng, tập trung vào HPG, VNM, STB…

* Nhóm bất động sản: Nhiều cổ phiếu bất động sản quay đầu giảm nhẹ sau khi bật tăng mạnh trong phiên liền trước (6/3) sau thông tin Nghị định 08 sửa đổi bổ sung Nghị định 65 về trái phiếu Chính phủ theo hướng giải tỏa bớt áp lực về gánh nợ trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản.

Khối ngoại và tự doanh các công ty chứng khoán quay đầu mua ròng cổ phiếu. (Ảnh: Nam Khánh)

Tuy nhiên, Nghị định 08 chỉ được xem là giải pháp tạm thời và giúp các doanh nghiệp bất động sản có thêm thời gian để tái cấu trúc. Về dài hạn, chỉ những doanh nghiệp tốt mới bứt phá được.

Nhóm cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, gồm Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE) tăng điểm. Bất động sản Phát Đạt (PDR) cũng tăng nhẹ sau 1 phiên tăng trần. Trong khi đó, Novaland (NVL) của ông Bùi Thành Nhơn giảm nhẹ sau một phiên tăng hết biên độ.

* Ngân hàng: Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng. Đây là nhóm cổ phiếu được kỳ vọng sẽ nằm trong danh mục mua vào của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Fubon. Về dài hạn, nhóm ngân hàng vẫn được đánh giá tích cực.

Trong nhóm VN30, chỉ có Techcombank (TCB) của tỷ phú Hồ Hùng Anh và VIBank của ông Đặng Khắc Vỹ chịu áp lực bán cao hơn. Ở chiều ngược lại, các mã ngân hàng khác đều tăng giá. BIDV (BID) tăng 1.100 đồng lên 46.900 đồng/cp; VietinBank (CTG) tăng 650 đồng lên 29.000 đồng/cp; Vietcombank (VCB) tăng 900 đồng lên 91.900 đồng/cp.

* VIC: Tỷ phú Phạm Nhật Vượng liên tục rót vài chục nghìn tỷ thành lập mới doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản và cho thuê xe điện. CTCP Di chuyển xanh và thông minh GSM ra đời với mục đích kinh doanh các sản phẩm xe điện của VinFast.

* EIB: Cổ phiếu của Eximbank tăng kịch trần trong phiên 7/3 lên 19.500 đồng/cp với gần 4,9 triệu đơn vị được khớp lệnh, trị giá khoảng 93 tỷ đồng.

* HDB: HDBank ghi nhận 3 triệu cổ phiếu HDB được giao dịch thông qua thỏa thuận, với tổng trị giá hơn 56 tỷ đồng. Đáng chú ý, HDB tiếp tục được khối ngoại mua ròng phiên thứ 6 liên tiếp (gần 2 triệu đơn vị, giá trị 37 tỷ đồng).

Ngoài ra, theo phương thức thỏa thuận có hơn 3 triệu cp HDB được trao tay với giá trị hơn 56 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng cổ phiếu HDB phiên thứ 6 liên tiếp, tổng gần 2 triệu đơn vị.

* VIB: Ông Đỗ Xuân Thụ, cha đẻ Thành viên HĐQT VIB Đỗ Xuân Hoàng, bán ra 27 triệu cổ phiếu VIB từ 3/2-2/3. Cùng thời gian trên, Đỗ Xuân Việt, con trai ông Đỗ Xuân Hoàng và là cháu nội ông Đỗ Xuân Thụ đã mua vào 27 triệu cổ phiếu VIB theo phương thức thỏa thuận.

* DIG: Con trai Chủ tịch DIC Corp đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu DIG trong khoảng từ 15/3-13/4. Trong nhiều lần đăng ký trước, cá nhân này không lần nào mua đủ lượng đăng ký.

* HPG: VNDirect dự báo Hòa Phát của ông Trần Đình Long có thể lỗ tiếp quý I/2023 do giá nguyên liệu vẫn ở mức cao, sức cầu thép yếu và 3/4 lò cao của Hòa Phát vẫn đang ngừng hoạt động. Lợi nhuận của HPG sẽ cải thiện trong quý III/2023.

* PDR: Phó Chủ tịch Phát Đạt bán xong hơn 1,2 triệu cổ phiếu PDR từ 1-6/3, giảm số lượng cổ phiếu PDR còn nắm giữ xuống 1,42 triệu đơn vị.

* VHC: VCBS dự báo lợi nhuận Thủy sản Vĩnh Hoàn tăng trưởng âm trong năm 2023 do giá cá tra hạ nhiệt trong nửa đầu năm 2023, trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. 

* KFL: Cổ phiếu cuối cùng “họ FLC” bị đình chỉ giao dịch. Hơn 165 triệu cổ phiếu KFL của CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS bị đình chỉ giao dịch từ ngày 14/3 do chậm nộp BCTC soát xét bán niên 2022 quá 6 tháng so với thời hạn quy định.

Sự kiện trong nước và quốc tế tác động tới TTCK

* Sau đợt giảm đồng loạt ngày 6/3, tới 7/3 chỉ còn 4 ngân hàng niêm yết lãi suất huy động 12 tháng trên 9%/năm là: KienLong Bank và SCB (9,5%); VietBank và ABBank. Bốn ngân hàng áp dụng mức lãi suất 9% là Bao Viet Bank, IVB, OceanBank và VietABank.

* Theo VNDirect, Nghị định 08 sẽ tạo ra hành lang pháp lý cần thiết để xử lý một vài điểm nghẽn hiện nay trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). 

* Đến 5/3, có khoảng 46 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN theo thông báo của HNX. Ước tính, tổng dư nợ TPDN của các doanh nghiệp này vào khoảng 121,1 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 12% dư nợ TPDN toàn thị trường. Khoảng gần 38,5 nghìn tỷ đồng TPDN của các DN trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm 15% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.

* VNDirect dự báo nhu cầu thép xây dựng Việt Nam năm 2023 được kỳ vọng sẽ giảm 9% so với năm trước cho dù đầu tư công mạnh mẽ, nhưng bất động sản trầm lắng.

* Đà tăng hiện tại của giá thép ở cả Trung Quốc và Việt Nam được đánh giá không bền vững do nhu cầu yếu.

* Giá kim loại lithium đã hạ nhiệt. Iran vừa công bố phát hiện mỏ có trữ lượng 8,5 triệu tấn lithium, là mỏ lớn thứ 2 thế giới, chỉ xếp sau mỏ có trữ lượng 9,2 triệu tấn lithium ở Chile. Đây là tin tốt đối với nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô điện.

* Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell sẽ phải điều trần trước quốc hội Mỹ ngày 7-8/3. Nhiều khả năng Fed sẽ phải tính tới nhiều hơn tới nguy cơ “hạ cánh cứng” của nền kinh tế Mỹ. Không ít chuyên gia tin rằng, Fed sẽ khó tăng lãi suất thêm 50 điểm phần trăm trong cuộc họp cuối tháng 3 sau 8 lần tăng trước đó (với tổng cộng 450 điểm phần trăm).