Thị trường chứng khoán Mỹ đảo chiều giảm mạnh, xóa sạch toàn bộ thành quả có được trong phiên trước đó.

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch 5/5 (rạng sáng 6/5 giờ Việt Nam), chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 1.063 điểm (tương đương giảm 3,12%). Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite sụt giảm 4,99% và xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020.

Cả hai chỉ số này đều ghi nhận phiên lao dốc mạnh nhất kể từ năm 2020.

Trong khi đó, chỉ số tầm rộng S&P 500 rớt 3,56%.

Trong phiên liền trước, cả 3 chỉ số này đều có một phiên hồi phục sau một chuỗi ngày giảm, mất tổng cộng 10-13% từ đầu năm. Giới đầu tư phấn khích với sự không quyết liệt của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ.

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh.

Trong cuộc họp chính sách tiền tệ diễn ra hôm 3-4/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có quyết định lịch sử trong 20 năm qua: nâng lãi suất 50 điểm phần trăm trong một phiên họp.

Đây là một quyết định nâng lãi suất rất mạnh, nhưng vẫn thấp hơn kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư trên thị trường với niềm tin cho rằng Fed sẽ nâng 75 điểm phần trăm. Trước đó, trong phiên họp giữa tháng 3, Fed đã tăng lãi suất 25 điểm phần trăm từ mức 0-0,25% lên 0,25-0,5%. Sau cuộc họp 4/5 lần này, mức lãi suất cơ bản hiện tại của Fed là 0,75-1%.

Bên cạnh đó, mức độ cắt giảm quy mô tài sản trên bảng cân đối kế toán sẽ diễn ra ở mức chậm. Theo kế hoạch, từ đầu tháng 6, Fed sẽ giảm 30 tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ và 17,5 tỷ USD chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp (MBS) mỗi tháng. Sau 3 tháng, nhịp độ sẽ nâng lên tương ứng thành 60 tỷ USD và 35 tỷ USD.

Hiện quy mô tài sản trên bảng cân đối kế toán đang ở mức cao kỷ lục: 9.000 tỷ USD. Với tốc độ cắt giảm như trên, trong năm 2022, Fed chỉ cắt giảm được vài trăm tỷ USD.

Ngay sau khi phấn khích, thị trường tỏ ra thận trọng trước nguy cơ suy giảm kinh tế không hề nhỏ của kinh tế Mỹ, trong khi lạm phát vẫn có thể tiếp tục tăng cao cho dù đã ở mức đỉnh lịch sử trong 40 năm.

Bộ Lao động Mỹ cho biết, người nộp đơn bảo trợ thất nghiệp trong báo cáo tuần gần nhất tăng lên mức 200 nghìn người, tăng 19 nghìn trường hợp so với tuần trước đó.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng, lạm phát sẽ không sớm suy giảm. Fed cũng sẽ xem xét khả năng tăng 50 điểm phần trong trong mỗi cuộc họp sắp tới nhưng chưa tính tới khả năng tăng 75 điểm phần trăm.

Lạm phát có dấu gia tăng trên phạm vi toàn thế giới. Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) nâng dự báo lạm phát lên mức 10,25%.

Các cổ phiếu công nghệ tầm trung và cả một số doanh nghiệp lớn của Mỹ giảm mạnh nhất sau khi đã tăng mạnh trong năm 2021 trong khi tăng trưởng lợi nhuận không tương xứng. Meta Platforms - công ty mẹ của Facebook - và Amazon cũng như Salesforce đêm qua giảm 7-8%. Apple giảm 5,6%, trong khi Microsoft mất 4,4%.

Etsy và eBay giảm tương ứng gần 17% và 12% sau khi công bố dự báo doanh thu thấp hơn kỳ vọng. Shopify rớt gần 15% sau khi công bố kết quả kinh doanh không như kỳ vọng.

Thị trường ghi nhận làn sóng bán mạnh với hơn 90% cổ phiếu thuộc S&P 500 đều chìm trong sắc đỏ.

Đại diện Horizon Investments, cho rằng Fed vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất lên mức trung bình để kiềm chế lạm phát. Thực tế cho thấy, Fed vẫn muốn siết chặt hơn nữa khi mà lạm phát vượt xa tầm kiểm soát.

M. Hà

Chứng khoán Mỹ lao dốc: Bốn tỷ phú công nghệ “bốc hơi” 25 tỷ USD chỉ sau một đêm

Chứng khoán Mỹ lao dốc: Bốn tỷ phú công nghệ “bốc hơi” 25 tỷ USD chỉ sau một đêm

Hôm thứ Năm, giờ địa phương, cổ phiếu công nghệ Mỹ giảm mạnh, dẫn đến việc Jeff Bezos, Bill Gates và 4 tỷ phú khác đã mất giá trị 25 tỷ USD chỉ sau một đêm.