Các doanh nghiệp FDI lĩnh vực điện tử chiếm gần 50% FDI toàn tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đó, gần 1/2 là những doanh nghiệp có quy mô lớn, như Patron Vina, Haesung Vina, Jahwa Vina, Young Poong Vina, Nanos...
Hầu như toàn bộ sản phẩm của các doanh nghiệp này được xuất khẩu, hoặc cung ứng cho các tập đoàn điện tử tại Việt Nam như Samsung, LG. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 70% xuất khẩu trên 50% doanh thu, trong đó gần ½ là xuất trên 80% doanh thu, chỉ có 8% FDI điện tử Vĩnh Phúc xuất khẩu dưới 20%. Rất nhiều công ty xuất khẩu 100% sản lượng sản xuất.
Đa số các FDI điện tử này nhập khẩu hầu hết linh kiện, vật liệu. Việc cung ứng tại Việt Nam, nếu có, đều là các Công ty FDI Hàn Quốc tại Vĩnh Phúc hoặc lân cận. VD: Nanos Vina (Vĩnh Phúc) cung cấp thấu kính quang học/mắt camera cho Haesung Vina (Vĩnh Phúc)- là nhà cung cấp lớp 1 độc quyền sản xuất camera cho Samsung Bắc Ninh và toàn cầu, để sản xuất điện thoại di động/máy tính bảng Samsung; Young Poong Vina (Vĩnh Phúc) cung cấp bản mạch dẻo FPCB và mạch dán SMT cho Samsung Bắc Ninh/Thái Nguyên, Công ty này có các nhà cung cấp lớp 2 như DST Hàn Quốc tại Bắc Ninh cung cấp các cuộn vật liệu dán cho bản mạch, HitTech Hàn Quốc (Bắc Giang) cung cấp insert sticker cho công nghệ dán. Đây cũng là đặc thù của ngành điện tử.
Trừ điện tử gia dụng với các sản phẩm dùng tại gia đình, hầu hết các sản phẩm điện tử nghe nhìn đều có kích thước nhỏ, trọng lượng nhẹ, đặc biệt là linh kiện điện tử chuyên dụng, có thể sản xuất tại một quốc gia và xuất khẩu đi khắp thế giới.
Vì vậy, cơ hội nội địa hóa tại các quốc gia đầu tư thấp hơn nhiều so với các ngành cơ khí như ô tô, xe máy, máy móc công nghiệp nông nghiệp; do đó, chuỗi cung ứng của FDI điện tử tại Vĩnh Phúc có rất ít cơ hội cho DN nội địa tham gia. ...
Số lượng DN đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN điện tử Vĩnh Phúc, trong đó phần nguyên vật liệu đều do các công ty thương mại nhập khẩu. Các linh kiện còn lại là do các Công ty FDI cung cấp. Chưa có công ty trong nước tại Vĩnh Phúc tham gia vào chuỗi cung ứng lĩnh vực chế tạo cho các DN điện tử trên địa bàn tỉnh.
Có thể nói, các doanh nghiệp điện tử Hàn Quốc tại Vĩnh Phúc nằm trong các chuỗi cung ứng loại này chiếm khoảng hơn 80% tổng số FDI điện tử tại đây. Các DN khác cũng là nhà cung cấp tương tự, nhưng chỉ dành cho thị trường xuất khẩu, như Compal Vietnam (lắp ráp máy tính cho Apple, Dell...). Cơ hội của DN Việt Nam để tham gia vào chuỗi cung ứng các Công ty này là rất thấp, vì toàn bộ linh kiện phụ tùng phục vụ cho lắp ráp cụm linh kiện thành phẩm đã có nguồn nhập khẩu, được xác định rõ từ khi Công ty có ý định đầu tư tại Việt Nam. Ngay cả linh kiện thay thế cho máy móc thiết bị phục vụ dây chuyền lắp ráp cũng đều được nhập khẩu chính hãng.
Mặc dù vậy, trong lĩnh vực cung ứng cho ngành điện tử gia dụng, Công ty Thiện Mỹ đã cung cấp xi mạ linh kiện nhựa cho tủ lạnh của LG và Panasonic tại Việt Nam; Thuận An đã cung cấp linh kiện đúc cho máy giặt Panasonic và LG; Accuracy đã cung cấp tấm kim loại dập cho máy giặt và tủ lạnh Panasonic.
Trong công nghiệp điện tử, các linh kiện cồng kềnh hơn trong sản phẩm điện tử gia dụng sẽ là cơ hội cho nhà cung cấp nội địa tham gia được vào chuỗi cung ứng của các công ty FDI. Đây là cơ hội của Việt Nam để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu ngành điện tử, do các sản phẩm điện tử gia dụng này đòi hỏi nhiều linh kiện có kích thước lớn bằng cơ khí, nhựa - cao su, dây điện, hơn các sản phẩm nghe nhìn cao cấp như điện thoại di động.
Kim Duyên