Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu năm 2024 với chủ đề “Về với những đỉnh núi Lai Châu kỳ vĩ” được tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 22 - 24/11, nhằm quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số vùng cao với người dân, du khách tại Đà Nẵng.
Chương trình nghệ thuật khai mạc với chủ đề “Hoa núi” do Nghệ sỹ ưu tú Lê Minh Cừ làm Tổng đạo diễn đã diễn ra trong tối 22/11 tại Công viên phía Bắc bờ Đông cầu Rồng, với mong muốn lan tỏa vẻ đẹp của các loài hoa rừng dung dị trên những ngọn núi cao hùng vĩ của Lai Châu. Những chàng trai, cô gái là những “bông hoa của núi rừng” đã đưa du khách và người dân Đà Nẵng hòa mình vào không khí sôi động, hấp dẫn của sắc màu thổ cẩm, của trống, của chiêng và những vũ điệu đặc trưng…
Ngày 23/11, tại Công viên phía Bắc bờ Đông cầu Rồng diễn ra đa dạng hoạt động giao lưu, trình diễn văn hóa, văn nghệ như xoè chiêng, múa xoè, múa sạp, hát then - đàn tính dân tộc Thái, múa khèn, làm khèn dân tộc Mông…
Tối 23/11, Đêm giao lưu văn nghệ “Sắc màu Lai Châu” tiếp tục mang đến cho người dân Đà Nẵng và du khách những khám phá thú vị thông qua chương trình trình diễn trang phục 13 dân tộc tỉnh Lai Châu; chương trình văn nghệ mang đậm bản sắc của các dân tộc thiểu số và phần giao lưu “Vòng xòe đoàn kết”, nhảy sạp.
Trong suốt 3 ngày diễn ra sự kiện, cũng tại Công viên phía Bắc Cầu Rồng, không gian trưng bày, giới thiệu văn hoá, du lịch, sản phẩm OCOP liên tục mở cửa đón du khách trong và ngoài nước tới tìm hiểu và trải nghiệm những nét đặc sắc của văn hóa, du lịch Lai Châu.
Không gian văn hóa dân tộc là nơi tái hiện chân thực đời sống sinh hoạt và phong tục của người dân vùng cao. Tại đây, du khách được tham gia nhiều hoạt động hấp dẫn, thú vị gồm: Kỹ năng dệt trang phục truyền thống của dân tộc Lự; Tạo hình trang phục của dân tộc Hà Nhì; Kỹ thuật tạo hoa văn trên vải bằng sáp ong; Chế tác đàn tính; làm khèn dân tộc Mông...
6 không gian văn hóa các dân tộc Mông, Thái, Lự, Hà Nhì; không gian giới thiệu trang phục truyền thống, vật dụng, tài liệu của 20 dân tộc tỉnh Lai Châu… đã giúp người dân thành phố Đà Nẵng và khách du lịch cảm nhận rõ hơn về đời sống tinh thần, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Rất nhiều nghệ nhân người dân tộc Mông, Thái, Hà Nhì, cùng hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên quần chúng các bản du lịch cộng đồng đã hào hứng trình diễn, giao lưu, giới thiệu văn hóa truyền thống của dân tộc mình đến du khách trong nước và quốc tế.
Tối 24/11, Lễ bế mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu tại Thành phố Đà Nẵng năm 2024 đã diễn ra với chương trình nghệ thuật chủ đề “Núi đợi -Hoa chờ”. Nội dung gồm: màn khai từ Cảm xúc sơn ca và 3 chương (Chương I - Những đỉnh núi trong mây; Chương II - Sắc màu yêu thương; Chương III - Núi đợi - Hoa chờ). Trong không gian văn hóa đậm bản sắc dân tộc thiểu số, các nghệ nhân, diễn viên Lai Châu nhiệt tình giao lưu văn nghệ với du khách và người dân Đà Nẵng.
Lai Châu là tỉnh biên giới phía Bắc của Tổ quốc, là nơi giao thoa sắc màu văn hóa của 20 dân tộc. Mỗi dân tộc đều có những giá trị văn hóa đặc sắc riêng, từ trang phục, kiến trúc nhà, lễ hội, làng nghề, văn hóa ẩm thực đến tâm linh. Toàn tỉnh có 31 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng, cùng một số phiên chợ vùng cao thu hút sự quan tâm của du khách như: Chợ phiên San Thàng, chợ phiên Sìn Hồ, chợ phiên Dào San... Chuỗi hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu tại Đà Nẵng năm 2024 được kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra sự bùng nổ cho du lịch Lai Châu trong dịp cuối năm 2024 và đầu năm 2025. |
Bình Minh