Đồng hành không chỉ là triển lãm chung của những đồng nghiệp thân thiết mà còn là mục đích sáng tạo chung của họ, những người muốn phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống, khẳng định tiếng nói riêng trong dòng chảy văn hoá thời đại.
5 tác phẩm sơn mài của Nguyễn Nghĩa Dậu là 5 hình tròn nội tiếp trong hình vuông mỗi chiều 1m, ẩn hiện trong đó là suối tóc uốn lượn của dáng nữ, vài đường cong tinh tế đủ gợi vẻ căng tròn thanh xuân. Bố cục tròn trong vuông, 5 hoà sắc đủ biên độ nóng lạnh, đủ chắt lọc và ẩn dụ tế nhị để tôn vinh cái trọn vẹn muôn đời sinh sôi của mẹ đất.
Phong cách tạo hình quen thuộc trong tranh sơn mài của Trần Văn Đức từ lâu luôn là những nón quai thao, mớ ba mớ bảy, vân mây, đầu đao mái đình, sen, phượng cùng xoắn xuýt, bung tràn từ giữa tranh ra cả 4 hướng.
Dù không sinh ra ở Hà Nội nhưng Đỗ Đức Khải có nhiều năm tháng gắn bó qua lại Long Biên, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn ổn định sự nghiệp. Ông vẽ cầu Long Biên với nhiều sắc thái hoài niệm, trở thành hình tượng tần tảo, ấm áp tình thương. Loạt tác phẩm mới thể nghiệm theo xu hướng trừu tượng cho thấy rõ ưu thế chất liệu và kỹ thuật sơn mài điêu luyện của Đỗ Đức Khải.
Lê Văn Khuy trình bày loạt phù điêu chất liệu tổng hợp, vừa sử dụng vật liệu composite, vừa phối hợp sơn đắp, kỹ thuật trang trí sơn mài. Phù điêu của Lê Văn Khuy có hình khối giản lược khăng khít, hoặc mơ màng bay bổng, hoặc tràn ngập hạnh phúc trong những cảnh sinh hoạt ngày thường.
Tranh của Nguyễn Văn Thuật luôn có phong cách đồng nhất vẻ đẹp hình thể thiếu nữ và các loài hoa, trong một không gian sơn mài ước lệ không trục phân chia bầu trời - mặt đất. Một không gian tràn ngập hoa lá tung hứng cùng các vũ nữ uốn mình bay bổng, cả hoa và người đều phô diễn vẻ đẹp, cùng căng tràn say mê trong các điệu vũ 4 mùa bất tận.
Đồng hành trưng bày từ ngày 28/11 tới hết ngày 4/12/2024 tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật Nhiếp ảnh, 29 Hàng Bài, Hà Nội.
Ảnh: NVCC