Qua 05 năm triển khai thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, huyện Tây Hòa đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với chủ thể là người dân đã đạt được những kết quả nổi bật: Diện mạo nông thôn được đổi mới, ngày càng khang trang, sạch, đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định;…
Một trong những thành tựu đáng chú ý là địa phương đã làm tốt tiêu chí môi trường huyện nông thôn mới nâng cao, với một số kết quả như: Tiêu chí số 7 – Môi trường, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn không nguy hại được thu gom và xử lý theo quy định đạt 95%; chất thải rắn nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường đạt 100%; các chỉ tiêu hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn, nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý bằng các biện pháp, công trình phù hợp và không có làng nghề ô nhiễm môi trường đều đạt; riêng chỉ tiêu 7.8 tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định chưa đạt; Tiêu chí số 8 – Chất lượng môi trường sống, đạt 02 chỉ tiêu có mô hình xử lý nước mặt (ao, hồ) đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường và cảnh quan, không gian sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn.
Bên cạnh đó, Tây Hoà còn chú trọng thúc đẩy sản phẩm đạt OCOP. Đơn cử, trong đợt công bố Quyết định và trao giấy chứng nhận đạt OCOP 3 sao vừa tổ chức hồi đầu năm nay, huyện Tây Hòa có 9 sản phẩm của 6 chủ thể được UBND huyện công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện gồm: Coffee Dạ Thảo loại 1 và Coffee Dạ Thảo hạt rang của Doanh nghiệp tư nhân đại chúng – Dạ Thảo; Tinh bột nghệ Mai Thu, Hạt Tiêu đen Mai Thu của Hộ kinh doanh Trương Văn Thu; Yến sào cao cấp - Cang Hóa của Hộ kinh doanh Lê Thị Thanh Hóa; Bánh tráng gạo Yến Huy của Hộ kinh doanh Lê Văn Bi; Bánh bông lan cuộn, Bánh socola cookie của Hộ kinh doanh Bùi Hữu Nghĩa; Lươn Vàng Khánh Thy Bàu hương của Hộ kinh doanh Lươn Vàng Khánh Thy. Như vậy, đến nay tổng số sản phẩm OCOP 3 sao trên địa bàn huyện là 30 sản phẩm.
Theo ông Mai Ne, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện cho hay, việc xây dựng Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã đóng góp vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới nâng cao; việc thực hiện quy trình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, thể hiện được bản sắc văn hóa, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, làm tăng giá trị của sản phẩm cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Mai Ne đề nghị trong thời gian đến, phòng Kinh tế và Hạ tầng thực hiện tốt việc hỗ trợ sản phẩm OCOP thông qua các chương trình khuyến công và xúc tiến thương mại, tăng cường quảng bá, giới thiệu nâng cao giá trị sản phẩm OCOP tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, giới thiệu sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh; UBND các xã, thị trấn có sản phẩm OCOP quan tâm hơn nữa, hỗ trợ các chủ thể tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến mục tiêu xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.