Trong những năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, sự chung sức đồng lòng quyết tâm của người dân, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn từ năm 2021 – 2025 (Chương trình MTQG 1719) ở tỉnh An Giang đã đem lại hiệu quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể so với trước đây.

Thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh An Giang triển khai 7 dự án và 11 tiểu dự án, với tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giai đoạn 2021 – 2025 là 827 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương trên 733 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 73 tỷ đồng (gồm vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp), còn lại huy động các nguồn hợp pháp khác.

anh man hinh 2024 01 02 luc 093143.png
Chương trình MTQG 1719 góp phần nâng cao đời sống, thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Để triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719, tỉnh An Giang đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số về nghĩa vụ và quyền lợi công dân, ý thức chấp hành chính sách pháp luật, chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững, xoá dần khoảng cách chênh lệch về đời sống giữa vùng đặc biệt khó khăn với các vùng khác trong tỉnh.

Đại diện UBND tỉnh An Giang cho biết, thực hiện Kế hoạch triển khai Chương trình MTQG 1719, tỉnh đã hỗ trợ đất ở cho 317 hộ; hỗ trợ nhà ở cho 1.092 hộ; chuyển đổi nghề cho 358 hộ; đầu tư cơ sở hạ tầng ở xã, ấp đặc biệt khó khăn là 59 công trình...

Theo đó, tỉnh An Giang đang nỗ lực phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân theo chuẩn đa chiều từ 1 – 1,2%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 3 – 4%/năm. Dự kiến hộ nghèo đa chiều cuối năm 2023 giảm 1% và hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3%.

Thời gian tới, An Giang sẽ hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất – kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống ở các huyện nghèo.

Đặc biệt, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội, nhất là người dân, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động Chương trình MTQG 1719. 

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần phát huy hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở An Giang. Đây là động lực, là niềm tin để An Giang đồng lòng phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao đời sống, thay đổi diện mạo vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Khánh Vy