Theo thống kê mới nhất, đến nay huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh có 53 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, góp phần giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, củng cố các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được huyện xem là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, phát huy lợi thế của địa phương. Đồng thời, tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, hình thành nhiều mô hình, vùng sản xuất nông sản sạch… Đây chính là đòn bẩy để Hương Sơn thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng văn minh và phát triển bền vững. 

Triển khai từ năm 2019, Chương trình OCOP đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện Hương Sơn tham gia. Trong đó có nhiều sản phẩm tiêu biểu như: nem chua Ý Bình, giò lụa Bình Sơn, thị trấn Phố Châu; tinh bột nghệ Thu Hằng, xã Sơn Trà; mật ong Cường Nga, xã Quang Diệm; nhung hươu Việt, xã Sơn Châu…

Ảnh màn hình 2024 08 28 lúc 15.05.11.png
Huyện Hương Sơn hiện có 53 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Đơn cử tại xã Sơn Giang, hiện có 8 sản phẩm đạt chất lượng OCOP được chế biến từ nhung hươu. Trong đó, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nhung hươu Hiền Ngọc (thôn 7) có 4 sản phẩm OCOP; Hợp tác xã nhung hươu Ngọc Linh (thôn 8) có 2 sản phẩm và Doanh nghiệp tư nhân nhung hươu Thuận Hà (thôn 2) có 2 sản phẩm. 

Chương trình OCOP đã mang đến làn gió mới làm thay đổi tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân xã Sơn Giang. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người xã Sơn Giang đạt hơn 51 triệu đồng/người/năm. 

Tại xã Quang Diệm, sản phẩm của Hợp tác xã Mật ong Cường Nga cũng được công nhận đạt chuẩn OCOP. Đây là sự khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm mật ong. Điều này không chỉ đem lại lợi nhuận cho các thành viên hợp tác xã mà còn giúp duy trì, phát triển nghề nuôi ong ở địa bàn.

Hợp tác xã Mật ong Cường Nga có 18 thành viên với gần 1.500 đàn ong. Với sự đầu tư bài bản từ khâu sản xuất đến chế biến và quảng bá sản phẩm, thương hiệu mật ong Cường Nga đã được thị trường đón nhận. Nhờ vậy, các thành viên hợp tác xã có mức thu nhập trung bình từ 150 - 200 triệu đồng/năm. 

Hiện nay, các cơ sở có sản phẩm đạt chuẩn OCOP trên địa bàn huyện Hương Sơn từng bước nâng cao năng lực điều hành kinh doanh, thực hiện tốt các quy trình sản xuất. Vì vậy, sản lượng, doanh thu của các doanh nghiệp, hợp tác xã ngày càng tăng và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.