Mấy năm gần đây, xu hướng chụp ảnh kỷ yếu trở nên phổ biến đối với học sinh, sinh viên cuối cấp. Với mục đích lưu giữ kỷ niệm đẹp bên bạn bè, thầy cô trước khi rời xa mái trường, chụp kỷ yếu được xem như trào lưu ý nghĩa.
Tuy nhiên, ngoài những bộ ảnh đẹp, được dân mạng nhiệt tình chia sẻ và khen ngợi, nhiều bức hình từng bị lên án vì quá phản cảm, dung tục.
Không ít người băn khoăn liệu mục đích của việc chụp kỷ yếu có đang bị hiểu sai để rồi các bộ ảnh chẳng còn mang ý nghĩa ban đầu, vượt qua ranh giới sáng tạo và trở nên kệch cỡm.
Nhóm nữ sinh mặc áo dài tạo dáng phản cảm bên bạn nam. Ảnh: Davids Sơn. |
Ảnh kỷ yếu nên sáng tạo nhưng phải có ý nghĩa
Thử gõ cụm từ "ảnh kỷ yếu" trên thanh công cụ tìm kiếm, sau chưa đầy một giây đã có hơn 50 triệu kết quả được trả về. Chỉ với thao tác đơn giản, có thể thấy chụp kỷ yếu đang là trào lưu nở rộ trong giới trẻ.
Trong vô vàn bộ ảnh, nhiều tập thể lớp không ngại đầu tư từ tiền bạc đến chất xám để có được các bức hình nổi bật, "để đời". Nếu như một số ảnh kỷ yếu của học sinh, sinh viên nhận được sự tán dương, không ít lại chịu "gạch đá" vì mải mê chạy theo yếu tố độc lạ, không đụng hàng.
Mới đây, bức hình kỷ yếu mặc áo dài với quần ngắn tạo dáng phản cảm của hai nữ sinh ĐH Sư phạm TP.HCM lan truyền trên mạng, nhanh chóng vấp phải sự chỉ trích.
Hai nữ sinh ĐH Sư phạm TP.HCM bị chỉ trích vì mặc áo dài với quần đùi, chụp ảnh phản cảm. Ảnh: HCMUPer's Confessions. |
Đây không phải lần đầu tiên các bức ảnh kỷ yếu gây tranh cãi trên mạng xã hội. Trước đó, bộ ảnh xếp hình phản cảm tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) hay tạo dáng thô tục khi mặc áo dài, đồng phục của nhiều bạn trẻ từng khiến dư luận "dậy sóng".
Ngoài việc bị chỉ trích vì phản cảm trong trang phục hay tạo dáng, các bộ ảnh trên cũng gây nghi ngại khi không thực sự mang ý nghĩa lưu giữ kỷ niệm đẹp bên thầy cô, bạn bè.
"Ảnh kỷ yếu cũng như cuốn nhật ký để lưu lại những gì đẹp nhất trong đời học sinh của mỗi người. Trang phục hay ý tưởng chỉ như lớp vỏ thôi, điều quan trọng là kỷ niệm ở trong đó. Sáng tạo là cần thiết, nhưng nếu chẳng mang lại ý nghĩa gì thì không phải ảnh kỷ yếu", Nguyễn Thị Thảo - sinh viên năm 3, ĐH Công Nghệ TP.HCM - nói.
Ảnh kỷ yếu phản cảm từng gây tranh cãi. Ảnh: Davids Sơn, FB. |
Lưu giữ kỷ niệm đâu cần lố lăng, phản cảm
Sau gần 5 năm tốt nghiệp cấp 3, Thảo Quyên (23 tuổi, Đồng Nai) còn giữ lại nhiều hình chụp chung với lớp và hài hước nhận mình là một trong những thế hệ đầu tiên biết chụp ảnh kỷ yếu.
"Hồi đó, ảnh kỷ yếu chưa phổ biến như bây giờ. Chỉ đơn giản là thuê thợ ảnh tới, mọi người đều mặc đồng phục chụp vài kiểu theo hàng hoặc xếp thành tên lớp", cô chia sẻ.
Các tấm ảnh chụp cùng bạn bè, thầy cô của nhiều năm trước giờ đây hơi nhòe. Nhưng với Thảo Quyên, đó là tài sản vô giá vì nó chứa đựng những kỷ niệm vẫn còn chân thật như mới ngày hôm qua.
Bộ ảnh kỷ yếu sau 20 năm ra trường của cực học sinh trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (Cần Thơ) từng được nhiều người ngưỡng mộ. Ảnh: Phạm Huy Khánh. |
Hiện nay, với sự phát triển của mạng xã hội, chụp ảnh kỷ yếu dường như trở thành trào lưu bị tác động bởi lối "sống ảo" của một bộ phận giới trẻ. Nhiều người đầu tư công phu về chất lượng, trang phục và có ý tưởng độc đáo phác họa lên bức tranh sống động về tuổi trẻ, quãng đời học sinh, sinh viên.
Tuy nhiên, không ít ý tưởng lại chỉ gây phản cảm, lãng phí. Một số ý kiến cho rằng chụp kỷ yếu mà sáng tạo quá mức, vượt qua khuôn khổ trường lớp chỉ để lại kỷ niệm giả tạo, thậm chí trở nên kệch cỡm, phản cảm.
"Nếu thực sự muốn lưu giữ kỷ niệm thì nên chọn cách đơn giản và chân thực nhất. Nhiều bộ ảnh kỷ yếu hiện nay chỉ như chạy theo phong trào, muốn chơi trội, không giống ai", Phạm Anh - sinh viên năm cuối, ĐH Luật TP.HCM - cho biết.
Còn Tú Uyên (22 tuổi) bày tỏ: "Nhiều bạn nghĩ chụp kỷ yếu cuối cấp muốn làm gì thì làm, miễn sao vui. Nhưng khoảng vài năm sau khi ra trường, các bạn nhìn lại sẽ thấy chúng không thực sự có ý nghĩa".