Ngày 7/6, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết số máu này được Viện xét nghiệm sàng lọc, điều chế thành các chế phẩm máu an toàn từ 1.000 đơn vị máu thu nhận tại chương trình hiến máu Hành trình Đỏ lần thứ XI ở Bạc Liêu hôm 5/6. Nguồn máu sau điều chế được cung cấp ngược trở lại từ Hà Nội vào cho khu vực Tây Nam bộ.

Trước đó, toàn bộ túi máu và vật tư phục vụ tiếp nhận máu đã được Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chuyển từ Hà Nội vào. Viện cũng cử nhân viên phối hợp với Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ tiếp nhận máu.

Quá trình vận chuyển 1.000 đơn vị máu trên (tương đương hơn 800kg hàng hóa) bằng đường hàng không được đảm bảo an toàn, chất lượng, đúng quy định.

Hai tuần gần đây, Viện Huyết học cung cấp 3.200 đơn vị máu cho Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ. Ảnh: Thảo Nguyên

Tình trạng thiếu máu cho cấp cứu, điều trị xảy ra ở các bệnh viện miền Tây từ đầu năm 2023 do Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ khó khăn trong đấu thầu, mua sắm túi máu, hóa chất, vật tư y tế cho tiếp nhận, sàng lọc và cung cấp chế phẩm máu.

Từ tháng 3 đến hết ngày 6/6, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM, Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy đã điều phối, hỗ trợ cung cấp 20.205 đơn vị khối hồng cầu cho Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ. Riêng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã cung cấp gần 11.500 đơn vị máu; 2 tuần gần đây cung cấp 1.600 đơn vị máu mỗi tuần.

BSCKII Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ, cho biết là cơ sở này là trung tâm truyền máu lớn thứ 3 trong cả nước. So với nhu cầu sử dụng mỗi tháng từ 12.000-15.000 đơn vị máu, các nguồn hỗ trợ chỉ đáp ứng được hơn 60% nhu cầu cấp cứu và điều trị của các bệnh viện ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Khó khăn chung này đã ảnh hưởng đến 74 bệnh viện thuộc 11 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. BSCKII Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ trung bình mỗi tháng, các bệnh viện tại tỉnh này cần 800-1.000 đơn vị máu. Nửa tháng nay, nguồn cung cấp máu bị gián đoạn, có thể sẽ thiếu hụt nghiêm trọng nếu không được cung cấp kịp thời từ Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP.Cần Thơ.

Ngày 3/6, Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế có công văn yêu cầu lãnh đạo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Trung tâm Máu Quốc gia, làm đầu mối điều phối, phối hợp với các trung tâm truyền máu bảo đảm cung cấp máu và chế phẩm để hỗ trợ các bệnh viện thuộc phạm vi cung cấp máu của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP.Cần Thơ.

PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết trong tháng 6 và các tháng tiếp theo, Viện cùng với Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, cam kết tiếp tục duy trì cung cấp chế phẩm máu nhất định cho Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ.

"Chúng tôi cũng tăng cường các lịch tiếp nhận máu để có thể thêm nguồn máu tại các tỉnh miền Bắc, miền Nam, từ đó hỗ trợ cho khu vực Tây Nam bộ”, ông Thanh nói.