50 năm trước (15/9/1973), ông Fidel Castro đến thăm Quảng Trị. Ông trở thành vị lãnh tụ nước ngoài đầu tiên và duy nhất đến nơi này, sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Chuyến thăm lịch sử bất chấp khó khăn, nguy hiểm của lãnh tụ Fidel Castro mãi mãi trở thành biểu tượng của tình đoàn kết đặc biệt, thủy chung hai nước.

Tổ bay từng lái chuyên cơ chở ông Fidel Castro vào tuyến lửa giờ đây người còn, người mất. Họ gồm: Phi công Nguyễn Oanh - Cơ trưởng, Đoàn Minh Hội dẫn đường, Nguyễn Văn Hợi cơ giới trên không, Hồ A thông tin, Phan Hồng Tâm lái phụ và hai nữ tiếp viên. 

Tổ bay chụp ảnh cùng lãnh tụ Cuba Fidel Castro, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu

Cơ giới trên không Nguyễn Văn Hợi nhớ lại chuyến bay đặc biệt này:

Lãnh tụ Fidel nói với Đại sứ Cuba Valdes Vivo - trong mọi trường hợp, nếu khó khăn chúng ta vẫn đi, dù phải đi bộ. Đáp ứng nguyện vọng của bạn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng yêu cầu Lữ đoàn 919 (nay là Đoàn 919) thực hiện chuyến bay đưa đoàn vào tuyến lửa, với yêu cầu tuyệt đối bí mật, đảm bảo an toàn.

Vào một ngày tháng 9/1973, chúng tôi nhận lệnh đưa máy bay về nước. Tuy hiệp định Paris đã được ký kết nhưng đa phần máy bay vận tải của chúng ta vẫn ở nơi sơ tán tại Tường Vân (Trung Quốc). Khi nhận lệnh, anh em chúng tôi được biết rằng sẽ thực hiện chuyến bay chuyên cơ, nhưng không ai rõ nhiệm vụ cụ thể.

Đầu giờ chiều chúng tôi cất cánh bay về Nam Ninh (Trung Quốc) tiếp dầu, kiểm tra kỹ thuật chờ tối bay về Gia Lâm.

Ngày hôm sau, sau khi đại đội thợ máy kiểm tra kỹ lưỡng, bộ phận xăng dầu làm công tác hóa nghiệm nhiên liệu, chúng tôi tiến hành bay thử. Tất cả vẫn không được biết mình sẽ thực hiện chuyến bay đi đâu, phục vụ ai.... Qua công tác kiểm tra, chuẩn bị chỉ đoán rằng sẽ thực hiện chuyến bay chuyên cơ A, tức là chuyến bay đặc biệt nhất.

Cuối cùng tổ bay cũng được chỉ định, bao gồm: Nguyễn Oanh - Cơ trưởng, Đoàn Minh Hội dẫn đường, Nguyễn Văn Hợi cơ giới trên không, Hồ A thông tin, Phan Hồng Tâm lái phụ và hai tiếp viên.  

Nhận nhiệm vụ từ Lữ trưởng Nguyễn Phúc Trạch, tổ bay hào hứng hẳn lên, không ngờ lại được thực hiện chuyến bay đưa lãnh tụ Fidel - người bạn lớn của nhân dân Việt Nam - về thăm vùng đất mới giải phóng.

Hạ cánh xuống sân bay dã chiến bằng mắt thường

Lái phụ Phan Hồng Tâm thì chia sẻ sự lo lắng bấy giờ, khi biết phải thực hiện nhiệm vụ vô cùng nặng nề:

Phấn chấn nhanh chóng qua đi, trước mắt chúng tôi là nhiệm vụ vô cùng nặng nề, bởi đất nước vừa mới tạm yên khói lửa, kẻ thù luôn tìm cách phá hoại, và hơn nữa với Fidel - nhân vật đã bao lần bị kẻ địch âm mưu sát hại mà không thành - thì nhiệm vụ bảo vệ ông càng phải đảm bảo ở mức cao nhất.

Lãnh tụ Cuba Fidel Castro cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong cuộc mít tinh của nhân dân Quảng Trị chào mừng đoàn đến thăm vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 15/9/1973. Ảnh: TTXVN

Hơn nữa, máy bay phải hạ cánh xuống Đồng Hới, một sân bay dã chiến, gần như không có thiết bị dẫn đường nào, tất cả chỉ bằng mắt thường và kinh nghiệm. Tuy vậy, với giọng nói rắn rỏi, cơ trưởng Oanh thay mặt toàn bộ tổ lái hứa quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện chuyến bay tuyệt đối an toàn.

Ngay sau đó, tất cả chúng tôi họp lại, bàn phương án thực thi nhiệm vụ và được lãnh đạo Lữ đoàn chấp thuận. Thời gian gấp, lại có tin một cơn bão sắp đổ bộ vào miền Trung nên anh em chúng tôi không có điều kiện để bay thử vào Đồng Hới như đã dự định.

Sáng 15/9/1973, tổ lái đưa chiếc AN 24 mang số hiệu VN-1094 thực hiện chuyến chuyên cơ đặc biệt đưa Chủ tịch Fidel cùng đoàn đại biểu Chính phủ Cuba và Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào tuyến lửa. 9h40, máy bay cất cánh. Theo đúng lịch trình, 10h55, đoàn đến Đồng Hới. Rất may, thời tiết hôm ấy thật đẹp, điều kiện lý tưởng để tổ bay thực hiện cú hạ cánh nhẹ nhàng xuống sân bay dã chiến với đường băng ngắn và hẹp.

Máy bay dừng hẳn, ô tô đón đoàn đi vào Quảng Trị, tổ lái được cán bộ tháp tùng chuyển lời cảm ơn đã đưa đoàn bạn vào tới nơi an toàn.

Lời chúc Việt Nam sớm được thống nhất

Nhớ lại chuyến bay chở lãnh tụ Cuba Fidel Castro, ông Đoàn Minh Hội (dẫn đường) luôn cảm thấy tự hào. Ông kể lại:

Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra tận cầu thang máy bay đón đoàn và chúc mừng tổ lái hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ảnh tư liệu

Tổ lái được thông báo sẽ ở lại một số ngày, chờ đoàn thực hiện xong chuyến thăm và hội đàm với Chính phủ cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam rồi sẽ bay ra.

Đột nhiên chỉ ngày sau đó, chúng tôi nhận lệnh đưa đoàn trở ra Hà Nội. Với tư thế sẵn sàng, anh em nhanh chóng trở lại sân bay, tra nạp nhiên liệu, kiểm tra kỹ thuật cho chuyến bay trở ra. Sau này, chúng tôi mới biết, do tình hình Chile căng thẳng, nên ông Fidel phải về nước sớm, khiến cho chuyến thăm tuyến lửa của ông cũng không trọn vẹn.

Hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm, chúng tôi lại có được bất ngờ khác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra tận cầu thang máy bay đón đoàn và chúc mừng tổ lái hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đại tướng đưa ông Fidel lần lượt bắt tay từng thành viên tổ bay. Nhà lãnh đạo Cuba cảm ơn anh em đã vượt qua mọi khó khăn để thực hiện chuyến bay an toàn, để Ông và đoàn đại biểu của nhân dân Cuba được vào tuyến lửa, được trực tiếp đến vùng đất mới giải phóng của Việt Nam, Ông chúc chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ, giành nhiều thắng lợi, chúc đất nước Việt Nam sớm được thống nhất.

Theo đề nghị của tổ bay, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Fidel vui vẻ đứng chụp ảnh lưu niệm cùng anh em chúng tôi, bức ảnh chụp ngay chân cầu thang chiếc chuyên cơ AN 24 mang số hiệu VN - 1094, ghi rõ nét mặt rạng rỡ của tất cả mọi người.

Bức ảnh ngày đó vẫn được treo trang trọng trong phòng truyền thống của Đoàn 919, như nhắc nhở mọi người nhớ về những lần thực hiện những chuyến bay chuyên cơ trong tháng ngày gian khó…

Trong chuyến thăm năm 1973, lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã quyết định tặng Việt Nam 5 công trình kinh tế quan trọng gồm:

Khách sạn Thắng Lợi (Hồ Tây, Hà Nội); Bệnh viện Việt Nam - Cuba tại Đồng Hới (Quảng Bình), trại bò Mộc Châu, trại gà Lương Mỹ và đường Xuân Mai; tặng bò giống, gà giống và chi hơn 6 triệu USD để mua thiết bị hiện đại.

Đồng thời cử chuyên gia về cầu đường sang Việt Nam tham gia cùng bộ đội Trường Sơn mở rộng đường mòn Hồ Chí Minh; giúp đào tạo trên 1.000 sinh viên Việt Nam ở trình độ đại học và cao học và vận động ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc…

An Nhiên, Ngô Thị Huyền, Hoàng Tư Giang