Theo kết luận điều tra, CDC Hải Dương do ông Phạm Duy Tuyến làm giám đốc đã ứng trước test xét nghiệm, vật tư sinh phẩm y tế của Công ty Việt Á để sử dụng phục vụ phòng, chống dịch từ đầu tháng 2/2021; sau đó mới hợp thức hồ sơ đấu thầu, ký hợp đồng để thanh toán tiền cho Công ty Việt Á.
Công ty Việt Á được thanh toán 147 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước trái quy định tại Khoản 2, Điều 89 Luật Đấu thầu và Khoản 1, Điều 56 Nghị định số 63/2014/NĐ- CP của Chính phủ.
Trong đó, có việc thanh toán tiền 226.176 test xét nghiệm, trị giá 106 tỷ đồng, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước 73,8 tỉ đồng.
Trong sai phạm ở Hải Dương, CQĐT cho rằng, ông Phạm Mạnh Cường là Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh Hải Dương, phải chịu trách nhiệm tham mưu toàn diện cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh về lĩnh vực y tế.
Ông Cường biết trên địa bàn tỉnh Hải Dương có nhiều đơn vị cung cấp test xét nghiệm với giá thấp hơn giá của Công ty Việt Á; nhiều đơn vị, cơ sở y tế có năng lực xét nghiệm, có nhu cầu tham gia xét nghiệm.
Nhưng cựu Giám đốc Sở Y tế không những không tham mưu báo cáo với UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy mà còn thực hành tích cực, trực tiếp chỉ đạo CDC Hải Dương phối hợp với Công ty Việt Á thực hiện xét nghiệm, tiêu thụ test xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất.
Theo lời khai của ông Cường tại CQĐT, ông biết việc CDC Hải Dương ứng trước test xét nghiệm, vật tư sinh phẩm y tế của Công ty Việt Á để sử dụng phục vụ phòng, chống dịch từ đầu tháng 2/2021, sau đó mới hợp thức hồ sơ đấu thầu.
Ông Cường thừa nhận việc đã ký các công văn của Sở Y tế gửi Sở Tài chính đề nghị thẩm định, bố trí nguồn kinh phí thực hiện phòng, chống dịch Covid- 19 với tổng số tiền hơn 230 tỷ đồng và đề xuất UBND tỉnh cấp dự toán kinh phí bổ sung cho CDC Hải Dương.
Ông Cường cũng báo cáo thẩm định và đề nghị UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hình thức chỉ định thầu rút gọn, làm căn cứ để CDC Hải Dương hoàn thiện hồ sơ đấu thầu, ký hợp đồng và thanh toán hơn 147 tỷ đồng cho Công ty Việt Á từ nguồn ngân sách Nhà nước trái quy định.
Trong đó đã thanh toán tiền 226.176 test xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất, trị giá hơn 106 tỷ đồng, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.
Chia tiền hoa hồng
Trước khi CDC Hải Dương hợp thức hồ sơ đấu thầu, thanh toán tiền cho Công ty Việt Á, ông Tuyến và Chủ tịch Việt Á Phan Quốc Việt đã thỏa thuận, thống nhất việc Công ty Việt Á sẽ chi cho ông Tuyến và một số lãnh đạo tỉnh Hải Dương số tiền từ 20- 25% giá trị hợp đồng, để CDC Hải Dương ưu tiên sử dụng test xét nghiệm của Việt Á (hạn chế sử dụng test xét nghiệm của các đơn vị cung cấp khác) và tạo điều kiện ký hợp đồng, thanh toán tiền cho Công ty Việt Á theo đơn giá mà công ty đưa ra.
CQĐT làm rõ, ông Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC Hải Dương đã nhận 27 tỷ đồng tiền phần trăm ngoài hợp đồng của Công ty Việt Á. Nhận tiền xong, ông Tuyến đã đưa tiền cho nhiều người, trong đó có ông Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư tỉnh ủy Hải Dương (600 triệu đồng và 50.000 USD, tương đương hơn 1,1 tỷ đồng).
Ngoài ra, ông Tuyến đã 6 lần đến phòng làm việc, đưa cho ông Phạm Mạnh Cường 7 tỷ đồng. CQĐT xác định, khi đưa tiền, ông Tuyến và ông Cường không bàn bạc, thỏa thuận hoặc thống nhất nội dung gì. Ông Cường cũng không gây khó khăn, gợi ý ông Tuyến phải đưa tiền.
Ngoài ra, ông Tuyến còn đưa tiền cho một số lãnh đạo, cán bộ CDC Hải Dương gồm: đưa ông Nguyễn Phúc Thiện, Phó giám đốc 500 triệu đồng; đưa ông Hoàng Văn Huỳnh, Phó giám đốc 300 triệu đồng, đưa ông Nguyễn Văn Trọng, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính 100 triệu; đưa cho ông Nguyễn Mạnh Cường, Kế toán trưởng 300 triệu đồng; đưa Nguyễn Văn Tuấn, cán bộ CDC 20 triệu đồng.
Khi đưa tiền, ông Tuyến nói là tiền ông Tuyến cho, cho vay, không bàn bạc thỏa thuận hoặc thống nhất nội dung gì. Các cá nhân nêu trên đã khai nhận và nộp khắc phục toàn bộ số tiền đã nhận từ ông Tuyến.
CQĐT có xét đến hành vi của các cá nhân liên quan thuộc Tỉnh ủy Hải Dương, gồm các ông: Lê Huy Hiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Quang Phúc, Trưởng ban Tuyên giáo; Nguyễn Viết Hải, nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy; Hoàng Quốc Thưởng, Bí thư Thành ủy Chí Linh; Nguyễn Tá Duân, Thư ký bí thư Tỉnh ủy và một số cá nhân khác là lãnh đạo UBND, lãnh đạo các sở, ban, ngành thuộc Tỉnh ủy, UBND Tỉnh và Bí thư, Chủ tịch của các TP, thị xã, huyện thuộc tỉnh Hải Dương.
CQĐT cho rằng, các cá nhân trên có tham dự cuộc họp Ban Thường vụ và Thường trực tỉnh ủy Hải Dương, nhưng không có ý kiến về việc đưa Công ty Việt Á tham gia xét nghiệm, mở rộng phạm vi xét nghiệm.
Những người này cũng không biết, không có quan hệ hay thông đồng với Chủ tịch Việt Á để được nhận lợi ích vật chất của các cá nhân liên quan trong quá trình thực hiện chống dịch tại tỉnh Hải Dương hoặc có động cơ cá nhân khác.
Vì vậy CQĐT cho rằng, không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với những người trên.