“Nỗi oan” của nữ nhân viên bưu điện
7 giờ tối, vừa ngồi vào mâm cơm do chồng chuẩn bị, một người khách gõ cửa yêu cầu gửi hàng, chị Lò Thị Giang (SN 1981) lại tất tả đi bộ từ nhà ra bưu điện.
Chị bắt đầu làm các thủ tục cho khách hàng. Khi trở về nhà, mâm cơm cũng đã nguội.
“Đó là đặc thù công việc của tôi - không có giờ giấc cố định”, người phụ nữ có 13 năm gắn bó với công việc tại Bưu điện văn hóa xã Chà Cang (huyện Nậm Pồ, Điện Biên) nói.
Chị Lò Thị Giang, Trưởng Bưu điện văn hóa xã Chà Cang |
Chà Cang là xã nghèo biên giới, đất rộng dân cư thưa thớt. Muốn đến bưu điện, người dân phải trải qua một quãng đường không hề dễ đi.
Vì vậy, nếu như họ không đến đúng giờ hành chính (7-11h trưa và 2-5h chiều), chị Giang vẫn phải thông cảm, giúp họ thực hiện giao dịch.
“Nhiều hôm, tôi chưa dậy đã thấy người dân đến rồi. Họ không nắm rõ quy định giờ giấc nên cứ đến giờ nào là yêu cầu mình làm việc luôn. Thương họ đi xa, nếu phải đợi sẽ về nhà rất muộn, tôi vẫn cố gắng giải quyết công việc”, chị Giang nói.
Bưu điện Văn hóa xã Chà Cang có 4 thành viên. Ngoài chị Giang - Trưởng bưu điện, còn 1 người bưu tá và 2 người giao thư, hàng (đi xe máy giao hàng ở các vùng sâu, vùng xa nơi xe ô tô không thể vào).
Họ phải đảm bảo vận chuyển đơn thư, hàng hóa, giao dịch chuyển tiền… cho người dân ở 4 xã miền núi là Nậm Khăn, Pa Tần, Chà Cang và Chà Tở của huyện Nậm Pồ.
Công việc của họ nhiều nhất là sau 5h chiều. Giờ này - theo quy định các giao dịch sẽ dừng nhưng đây lại là lúc các công chức, viên chức mới kết thúc giờ làm, đến bưu điện xã để gửi hàng hóa. Vì vậy chị Giang lại phải ở lại làm thêm. Sau 7h tối, chị mới trở về nhà.
Không chỉ công việc quá tải, chị và các đồng nghiệp cũng gặp nhiều áp lực khi người dân ở đây còn chưa hiểu hết các quy định trong ngành.
13 năm làm việc, chị ấn tượng nhất với một vị khách nữ, khoảng 60 tuổi.
Đó là một ngày thứ Bảy, cách đây 2 năm. Một người dân tộc H'Mông, đi xe máy hơn 80km đến bưu điện xã Chà Cang để gửi 10 triệu đồng tiền mặt cho con trai ở Hà Nội đóng học phí.
Sau khi hoàn tất công việc, chị Giang đã in biên lai để đưa cho người phụ nữ này và bà về nhà.
Tuy nhiên ngày Chủ nhật, ngân hàng không thực hiện giao dịch nên con trai bà chưa nhận được tiền. Bà quay lại bưu điện xã và bắt chị Giang phải giải quyết.
Người dân giao dịch tại điểm Bưu điện văn hóa xã Chà Cang |
Nữ trưởng bưu điện văn hóa xã giải thích nhưng người phụ nữ trên không chấp nhận. Bà cho rằng, bưu điện đã lừa tiền của mình vì vậy bà làm ầm ĩ, đòi chị Giang trả lại 10 triệu đồng. Vị khách này còn viết đơn tố cáo, yêu cầu chị kí vào để mang đến cơ quan công an.
Gặp oan ức, không còn cách nào khác, chị Giang đành điềm tĩnh để giải thích, trấn an khách. Đến 11h ngày thứ Hai, con trai bà từ Hà Nội gọi điện về báo tin đã nhận được tiền, vị khách mới thôi lời trách cứ.
“Những lần sau đó, bà vẫn tiếp tục gửi tiền tại bưu điện xã nhưng thay vào đó là thái độ vui vẻ, tin tưởng hơn”, chị Giang kể thêm.
Người đến bưu điện gửi hàng cũng khó, nhân viên bưu điện chuyển hàng đến các làng, bản cũng không hề dễ dàng.
“Nơi đây chủ yếu là đường đồi núi, dân trí chưa phát triển, dân cư sống không tập trung nên việc giao hàng rất khó khăn”, chị nói thêm.
Khó nhất với họ là chuyến hàng đến những xã cách Chà Cang gần hàng chục km đường đồi núi.
Mỗi quả đồi chỉ có 2, 3 nhà, sóng điện thoại lúc có lúc không. Vì vậy nhiều lần bưu tá đưa hàng vào nhưng khách đi làm nương, gọi điện không được lại đành mang hàng quay trở ra.
‘Có gia đình chỉ đường cho người bưu tá: “Nhà em ở quả đồi này, quả đồi kia…” nhưng bưu tá bảo: “Anh không thể tìm được. Em ra đường lớn anh sẽ giao”. Khi bưu tá ra đến điểm hẹn lại gọi điện không được, đành phải quay về”, chị kể thêm.
Đêm ngủ tại bưu điện xã của con gái người nữ nhân viên
Chị Lò Thị Giang đến với công việc của ngành bưu điện khá tình cờ.
Học hết lớp 12, vô tình bắt gặp mẩu thông tin tuyển sinh ngành truyền thông của một trường sơ cấp, chị đăng ký và xuống Hà Nội học.
Tốt nghiệp, chị về làm ở bưu điện xã Chà Cang từ năm 2007, nơi cách nhà chị gần 100km.
Để theo được nghề, chị Giang thừa nhận phải có đam mê rất lớn. Bởi ngày đó, đồng lương của nhân viên bưu điện rất thấp.
Năm 2008, chị gặp và kết hôn với chồng khi anh từ Nghệ An lên nhận công trình xây dựng ở Điện Biên.
Những năm tháng chồng xa nhà theo công trình, chị Giang rất vất vả khi vừa lo công việc vừa chăm sóc 2 con.
“Khi đó, mẹ đẻ tôi còn phải gửi thóc, gạo lên hỗ trợ các con. Những ngày bận việc, tôi phải nhờ hàng xóm đón con về hộ.
Vất vả và thu nhập thấp, nhiều đồng nghiệp của tôi đã chuyển sang công việc khác nhưng vì đam mê tôi vẫn gắn bó đến giờ”, chị nói.
“Tôi nhớ nhất tháng 9/2019- đó là mùa măng ở đây. Công việc làm suốt ngày đêm vẫn không xuể.
Hôm đó hàng (măng) về, tôi phải làm để mai xe đến đưa đi sớm. Vì vậy mà mẹ con tôi đã có kỷ niệm rất vui”, chị Giang kể thêm.
11h đêm, chị Giang vẫn ở bưu điện, các con chị gọi cho mẹ, trách: “Hàng xóm tắt điện, ngủ hết rồi, sao mẹ vẫn làm? Không có mẹ, con sợ không dám ngủ”.
Chị Giang đang hướng dẫn người dân làm các giao dịch |
Nhà gần nên chị Giang đành bảo các con đưa chăn, chiếu sang chỗ mẹ làm. 2 đứa trẻ trải chiếu ra giữa trung tâm bưu điện ngủ trong khi mẹ chúng vẫn mải mê làm việc.
Gần 2h sáng, công việc kết thúc. Chị Giang gọi con trai lớn dậy. Sau đó, người mẹ bế con gái nhỏ, 3 mẹ con ôm chăn, chiếu đội sương đêm trở về nhà.
Không chỉ dừng lại với các dịch vụ bưu chính truyền thống, từ năm 2017 bưu điện văn hóa xã Chà Cang chuyển sang hoạt động đa dịch vụ.
Đây là nơi chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội, chuyển phát các dịch vụ hành chính công, các ấn phẩm truyền thông.
Đồng thời, cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích, như huy động tiết kiệm bưu điện, chuyển tiền bưu điện, bảo hiểm bưu điện; phân phối hàng tiêu dùng về nông thôn, cung cấp sản phẩm sách, vở, lịch…
Vì vậy công việc của chị bận hơn. Với trách nhiệm là Trưởng Bưu điện văn hóa xã Chà Cang, chị đã điều hành, xây dựng phương án, các hoạt động cung cấp dịch vụ, phát triển kinh doanh, thu gom, chuyển phát các bưu gửi, hàng hóa.
Chị Giang cũng chủ trì tổ chức các hội nghị khách hàng, hội chợ bán hàng, bán hàng lưu động và chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh, chất lượng chuyển phát trên địa bàn xã.
Nhờ vậy, nữ trưởng bưu điện xã đã nhận bằng khen bán hàng giỏi quý 4/2017 của Giám đốc bưu điện tỉnh. Quý 2 năm 2018, chị được Tổng công ty khen thưởng là lao động bán hàng giỏi…
“Không ít lần tôi có ý định tìm một công việc đơn giản hơn nhưng quá nhiều kỷ niệm, những lời cảm ơn, động viên của khách hàng đã giúp tôi gắn bó đến giờ này”, chị nói.
Quý 3/2017, quý 2/2018 và quý 3/2019, chị Lò Thị Giang được Tổng công ty khen tặng là nhân viên điểm Bưu điện văn hóa xã tiêu biểu. Năm 2018, chị nhận bằng khen của Bộ Thông tin và Truyền thông trong xây dựng và phát triển Bưu điện văn hóa xã. Với những nỗ lực không mệt mỏi, tháng 10/2020, chị Lò Thị Giang được đề cử là một trong 41 cá nhân điển hình tiên tiến dự Đại hội thi đua yêu nước Bộ Thông tin và Truyền thông lần thứ IV. Đại hội được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 12/10. |
Chị bán đậu phụ và tâm huyết với những suất cơm đặc biệt cho bệnh nhân nghèo
Bốn năm qua, chị Lý cùng những người phụ nữ ở thôn Yến Vĩ đã cung cấp miễn phí thực phẩm để nấu cơm tặng các bệnh nhân nghèo.
Ngọc Trang