Theo nguồn tin của PV. VietNamNet, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Công ty CP Xăng dầu Thái Sơn B.Q.P, (phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM), Công ty CP Dương Đông Hòa Phú (xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) đôn đốc nộp số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách nhà nước.
Lý do là các doanh nghiệp này không còn tiếp tục hoạt động với vai trò là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Theo quy định tại Thông tư số 103/2021/TT-BTC hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu, các doanh nghiệp này có nghĩa vụ chuyển, nộp toàn bộ số dư Quỹ bình ổn giá vào ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.
Thế nhưng, qua nhiều lần đôn đốc bằng văn bản, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính chưa nhận được báo cáo, chứng từ của Công ty CP Xăng dầu Thái Sơn B.Q.P về việc nộp số tiền hơn 21,76 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước; còn công ty CP Dương Đông Hòa Phú không nộp số tiền hơn 3,76 tỷ đồng.
Nhằm đảm bảo việc tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, Bộ Công Thương đã đề nghị hai công ty này khẩn trương chuyển nộp toàn bộ số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại công ty vào ngân sách nhà nước, đồng thời gửi báo cáo, bản sao chứng từ nộp tiền về Bộ Tài Chính (Cục Quản lý giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) trước ngày 10/7.
Khi đó, Bộ Công Thương đã cảnh báo: Sau thời hạn nêu trên, nếu công ty không thực hiện chuyển nộp số dư Quỹ bình ổn giá tại công ty vào ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ chuyển hồ sơ liên quan của công ty sang Bộ Công an để xử lý theo quy định của pháp luật.
Thế nhưng, tới giữa tháng 10, phía Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đều xác nhận hai công ty này vẫn chưa nộp tiền vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Trả lời PV. VietNamNet, Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Theo quy định, Bộ Tài chính là đơn vị chủ trì quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát Quỹ bình ổn giá; là đơn vị chủ trì thực hiện kiểm tra, kiểm soát các nguồn thu của ngân sách nhà nước, việc chấp hành các quy định của pháp luật về thu, nộp ngân sách nhà nước và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
“Thời gian qua, để phối hợp trong công tác quản lý Quỹ bình ổn giá, Bộ Công Thương đã gửi Bộ Tài chính thông tin các thương nhân đầu mối không còn hoạt động kinh doanh xăng dầu để biết, có biện pháp xử lý hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định”, Vụ Thị trường trong nước cho hay.
Theo tìm hiểu, sau khi không chấp hành nộp tiền vào ngân sách nhà nước, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã trao đổi và thống nhất chuyển hồ sơ của hai công ty trên sang Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định.
Bên lề cuộc họp báo mới đây, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng xác nhận với VietNamNet sự việc trên.
Thông tư số 103/2021/TT-BTC quy định, Quỹ bình ổn giá xăng dầu lập tại doanh nghiệp, khi được Bộ Công Thương cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm trích lập, chi sử dụng, báo cáo, công khai về Quỹ bình ổn giá xăng dầu và quản lý Quỹ theo quy định. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm lựa chọn, mở tài khoản theo dõi riêng về Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tên, địa chỉ, thông tin liên lạc của ngân hàng nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) và công bố thông tin theo quy định. Theo Thông tư quy định, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể là 300 đồng/lít đối với các loại xăng, các loại dầu diesel, dầu hỏa và 300 đồng/kg đối với các loại dầu mazut. Việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện đồng thời với kỳ điều hành giá cơ sở. |