Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông" để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Cúi lạy hồn sông của tác giả Trần Văn Thiên.

1. Tôi muốn mở đầu những dòng hồi tưởng của mình bằng một giấc chiêm bao, giấc chiêm bao ngay trước lúc tôi rời quê hoà vào những cuộc thiên di mải miết. Khởi đầu từ những niềm thôi thúc từ sâu thẳm, giữa muôn con sóng vỗ từ nguồn cội, trong chiêm bao tôi đã thấy mình chạy mãi trên bờ đê đất lở, một bên là nhánh sông quê nhà cùng minh mang vuông hồ sóng nước, một bên ngang dọc những mảnh ruộng bàu cỏ, và tiếng chim tìm vịt cứ sống động, thổn thức rót đầy cơn mơ. Rồi khi chuyến xe vừa chạm ngõ thành phố, tiếng chim dọc triền sông tâm tưởng ấy lại mơ màng vang vọng quanh tôi, như lạ như quen, như chưa từng có cách chia nào giữa nhân gian muôn ngả.

Nhánh sông đã bền bỉ chảy từ ký ức đến hiện tại, từ đời thực vào chiêm bao ấy mang tên Hà Dơi, thuộc quãng cuối của dòng sông Côn trước lúc an trú trong vòng tay đầm Thị Nại, rồi hóa thành biển sóng vô cùng. Sông Côn, dòng xanh quanh co 171 cây số dọc dài xứ võ Bình Định quê nhà, đã bồi lắng lớp lớp trầm tích thời cuộc, dâu bể, bao nhiêu kiếp người bao nhiêu số phận, nỗi đau, vọng ước, biệt ly, đoàn tụ, lụi tàn, tái sinh, sự sống và cái chết, tất cả tồn tại như một lẽ bất diệt của đời sông, đời người. 

Nhưng lúc này, khi đứng trước Hà Dơi lồng lộng gió, tôi chỉ muốn thật thà kể cùng sông những câu chuyện ruột rà và riêng tư, mà có lẽ tôi sẽ dành cả đời mình để thương nhớ và cậy nhờ những con chữ để gói ghém giữ gìn.

anh1donghadoi.jpeg
Dòng Hà Dơi đã vỗ về nỗi mất mát đầu tiên trong đời ngoại. Ảnh: Trần Văn Thiên

Nhà cố ngoại tôi ở thôn nam, bên này dòng Hà Dơi loang loáng trải dài tựa những áng ca dao xứ sở. Bà ngoại tôi được sinh ra bên sông, lớn lên cùng sông, và cũng đã bắt rễ đời mình vào sông đậm sâu trong từng nếp nghĩ, nếp sống. Núm nhau, cuống rốn và tiếng khóc đầu đời của ngoại được hồn sông bao dung giữ lại, dẫu có qua ghềnh thác muôn trùng thì trong hình hài của ngoại vẫn luôn đượm đà hình hài của sông. 

Những ngấn phù sa tháng ngày hằn in tựa dấu vân ký ức, in vào miền tâm tưởng bên trong ngoại tôi, má tôi. Ngoại đã chi chút đặt từng mảnh ký ức hồn hậu vào lòng má, rồi đến lượt má lại nâng niu gửi lại chúng vào lòng chị em tôi, như một lẽ tự nhiên và chân thật. Được má kể lại bằng lời của trái tim mang nhịp đập sông nước, nên chúng như có một thứ ánh sáng tựa ngọn đèn trên thuyền vặn nhỏ liu riu mà bền bỉ cháy, đủ sức chỉ hướng cho tâm trí tôi vượt qua bao vùng tối của lòng người, của biển đời nông sâu.

Chính dòng Hà Dơi đã vỗ về nỗi mất mát đầu tiên trong đời ngoại, nước sông mặn niềm đau mồ côi mẹ năm ngoại 12 tuổi. Bà cố tôi về miền mây trắng, ông cố ở lại trọn lòng chung thủy tựa con đò cũ neo mãi bến ca dao. Thời tao loạn, ông cố là cán bộ xã, nhà ở bên sông hoa rụng nước chảy thao thiết bốn mùa đã bồi lắng nên một tâm hồn thơ phú. Hồi còn nhỏ, tôi thường ngồi bên cánh võng, nghe ngoại đọc lại bài thơ ông cố viết cho đàn con mình những ngày vợ mất, bốn vách nhà quá đỗi thênh thang. Tôi nhớ bài lục bát mở đầu bằng câu thơ “Nam nhân chi chí ở đời…” được ông viết lại trên một manh giấy ngang dọc những nếp gấp thời gian, nét mực đã loang màu dâu bể. 

Sau này, ngoại không chỉ cất những dòng lục bát ấy trong ngăn tủ như thể một báu vật, mà người còn tỉ mỉ tạc chúng vào tâm khảm của mình trong niềm xốn xang hồi nhớ. Dưới màu trăng tỏ, mở manh giấy ra nhưng chỉ hướng ánh nhìn bàng bạc về phía những ngọn lân tinh, ngoại chầm chậm đọc từng câu thơ, và bắt đầu hoà điệu vào hồn sông khoáng đạt, sống lại quãng đời trên bến dưới thuyền trọn đầy bóng mẹ, bóng cha.  

anh2donghadoi.jpeg
Những ngấn phù sa tháng ngày hằn in tựa dấu vân ký ức, in vào miền tâm tưởng bên trong ngoại tôi, má tôi. Ảnh: Trần Văn Thiên

Cũng chỉ vài năm sau ngày bà cố tôi mất, ngoại lại lặng lẽ tiễn ông cố tôi về với sóng nước Hà Dơi. Chỉ còn lại mấy anh em chia ngọt sẻ bùi, ngoại về sống trong nhà anh cả làm nghề hàng xáo, xuôi theo sông dài bán gạo dọc những xóm làng nghiêng bóng xuống dòng xanh. Giấc mơ của thời thiếu nữ ngút ngàn những ngọn gió sông đằm đẫm mùi phù sa theo bao lần ngoại nhổ sào đưa thuyền rời bến, bao con nước lớn ròng ngoại dầm sương cặm cụi trên sông.

Tôi còn được mộng mơ theo nhiều câu chuyện về những lần ngoại rẽ nước ngược lên thôn bắc, nơi bao la ruộng đồng và miên man bờ bãi. Bà gặp ông từ một buổi theo mấy chị em trong xóm chống thuyền đi mót lúa, giữa lúc thôn bắc đương vào vụ gặt. 

Ngoại mót lúa ở mảnh ruộng của nhà ông và hai người đã phải lòng nhau ngay từ lần gặp ấy. Thầm để ý người con gái xóm dưới bì bõm lội bùn nhặt từng nhành lúa sót, ông tôi đã cắt một ôm lúa to cho ngoại mang về. Rồi sau đó, ông thường chống thuyền qua những nhánh sông, con lạch quanh co của dòng Hà Dơi, xuôi từ thôn bắc vào thôn nam để gặp bà. Bờ sông dài gối đầu lên bóng hình quê xứ trở thành nơi hò hẹn, những nhánh sông dẫu thế nào cũng chảy về chung hướng tựa lòng người từ lâu đã nghiêng về phía nhau. 

Trên chiếc thuyền ngược dòng Hà Dơi dập dềnh những đóa hoa tra tựa vạt áo cô dâu, ngoại đã theo ông về thôn bắc năm 19 tuổi. Nhẫn nại và tha thiết như một tri kỷ, sông đã lặng im lắng nghe tất cả thổn thức cất lên từ bao giọt nước mắt đời ngoại, khi đăm đắm thương đau, khi run rẩy hạnh phúc. Và giữ lại cả bóng ngoại in xuống mặt nước trong ngày đẹp nhất của người con gái – ngày khoác áo hoa sang sông, vành mi ngời nắng lụa.

Mười đứa con của ngoại lần lượt được sinh ra, cũng nhờ vào bao hậu đãi của sông mà lớn lên, người còn người mất, rồi lại bền bỉ neo đời mình vào sông như ngoại đã từng. Má kể ngày ba má ra riêng, dẫn theo anh hai tôi về quê ngoại, cả nhà chỉ có một chiếc nồi nhôm, vài cái chén đất úp vào nhau tạm bợ, và một chiếc thuyền nan do ba tôi đan. Dẫu thế nào cũng không thể thiếu một chiếc thuyền đơn sơ để trở về, dìu dặt xuôi vào giấc mơ sông bát ngát. Những ao cá, vuông tôm ven bờ, những quãng đồng được dưỡng nuôi từ phù sa đẫm đầy con nước, những ngọn gió sông xao xác đồng dao mở cánh cửa tâm hồn, tất cả đã định hình thế hệ nối tiếp là chúng tôi. Và như thế, như một mạch nguồn xuyên suốt từng thế hệ, chúng tôi đến cuối đời vẫn chịu ơn dòng Hà Dơi tựa vòng tay ôm trọn mảnh đất xứ sở. 

2. Như một lệ thường của riêng tôi, mỗi khi viết về sông, bóng hình anh hai tôi lại đầy lên trong tâm trí. Anh là người của sông nước, và mãi mãi thuộc về sông nước. Tôi nhớ những tờ tiền lẻ anh chắt chiu từ sớm chiều lặn ngụp mò cua thả lưới, được anh cẩn thận kẹp vào cuốn sách bợt bạt ố vàng đặt trên đầu giường anh ngủ. Tôi nhớ ánh nhìn của anh hoen buồn như màu con nước buổi chạng vạng, những khi bắt gặp chuyến đò qua sông chở bè bạn từ trường học về nhà. Ánh nhìn mang mang như niềm khao khát được tiếp tục con đường chữ nghĩa. Anh thường tìm ra sông. 

anh3donghadoi.jpeg
Nhánh sông đã bền bỉ chảy từ ký ức đến hiện tại, từ đời thực vào chiêm bao. Ảnh: Trần Văn Thiên

Có phải khi đứng trước sông, soi mình xuống dòng Hà Dơi chảy mãi, anh sẽ được những ngọn sóng ru ngủ nỗi canh cánh khôn nguôi về căn bệnh bẩm sinh, mỗi ngày vẫn xoáy lên trong anh hệt một dòng nước dữ. Có phải khi đứng trước sông, tiếng nước chảy bất tận cùng những bè hoa trôi lênh đênh sẽ khiến anh quên những điều không muốn nhớ. Bao ngột ngạt của đời sống này liệu anh có từng gửi hết cho sông?  

Anh bất ngờ phát bệnh ngay giữa lúc đưa thuyền qua sông vắng. Thuyền lật, và anh đã cô độc nằm lại dưới bốn bề sông sâu. Không ai hay biết, không ai xuất hiện ngay ở khoảnh khắc ấy. Chỉ mình anh bất lực trước tử thần. Những lời kinh trôi trên sông giữa màu nắng võ vàng tháng Bảy đưa linh hồn anh trở về nhà. Đôi mắt má tôi hóa thành đáy vực. 

Anh về trong chiêm bao của má, vẫn chiếc áo thun xám như dạo nào anh thường mặc ra sông, vẫn nước da ram rám ngấm phèn chua nước mặn, đứng tựa cửa thật lâu với ánh nhìn lặng thinh buồn hơn ngàn tiếng khóc. Còn tôi, đôi khi ngồi lại xòe bàn tay đếm những buồn vui sấp ngửa, sao tôi cứ hoài canh cánh tự hỏi, rằng ngày ấy là anh không may phát bệnh giữa sông dài, hay anh đã chọn tự giải thoát mình khỏi những lẻ loi cùng tận?

3. Tôi về đứng trước dòng Hà Dơi, trên gò đất ven sông có ngôi miếu làng nép mình bên rặng dừa nước. Trước mắt tôi như hiện ra ở quãng sông này chiếc thuyền đưa dâu vừa cập bến thời gian, và ngoại tôi quay về thuở con gái tóc xanh má hồng môi thắm. Ngoảnh mặt nhìn phía bờ đê, lại thấy trong thâm thẫm sương chiều thấp thoáng dáng anh tôi vác cần ra sông câu cá, vừa đi vừa ngẫm ngợi điều gì rất xa xôi. 

Và cớ sao cứ khôn khuây nhói ran lồng ngực một chạng vạng đã cũ trong đời, tiếng má khản buốt gọi anh tôi suốt triền sông thẳm tối, rồi gục khóc bên sông giữa từng cơn bão lòng cứ xoáy riết, vò nát trái tim người mẹ. Những tiếng gọi “Tình ơi!”, “Tình ơi!” run rẩy vô vọng của má cứ mất hút vào choáng ngợp lặng câm.

Có phải mọi dòng sông chảy qua nhân gian đều mang một linh hồn, linh hồn của nước, của phù sa, và của những người đã ở lại cùng sông giữa vời vợi lời ru ngọn sóng? Linh hồn của sông đôi khi cuồn cuộn hoan ca, đôi khi rứt ruột nằm đau bao phận người trôi dạt. Đứng bên bờ tịch liêu, tôi trầm mặc nghe những vọng âm từ hư vô, như sông vẫn hằng cất giữ muôn câu chuyện giữa cõi đời này. Bao kiếp người cũng nhờ sông mà trở thành vĩnh cửu. Giữa những tà gió vắt ngang chạng vạng sương trầm, mặt nước in bóng tôi chầm chậm cúi lạy hồn sông xứ sở, cúi lạy bao hồn người chìm nổi suốt trăm năm.

Trần Văn Thiên

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng:  01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. 

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TPHCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TPHCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

BOXtaitro_Dongsong.jpg