Tại huyện vùng cao núi đá Đồng Văn (Hà Giang), những năm gần đây, nhờ sự đồng hành của Nhà nước thông qua các chương trình mục tiêu giúp giảm nghèo đa chiều, bền vững, chính quyền và người dân tích cực chuyển đổi diện canh tác nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhiều mô hình mang lại thu nhập ổn định, giúp người dân vươn lên thoát nghèo, bên cạnh đó, huyện từng bước hướng tới phát triển nền nông nghiệp bền vững.

W-Giảm nghèo (111).jpg
Trẻ em trên cánh đồng hoa tam giác mạch ở Hà Giang. 

Từ sự hỗ trợ nguồn vốn vay có thu hồi số tiền 30 triệu đồng, gia đình anh Vàng Mí Gió, thôn Séo Lủng, xã Phố Cáo (huyện Đồng Văn) đã mua thêm 2 con bò nuôi vỗ béo, nâng tổng số lên 5 con bò kết hợp với nuôi sinh sản. Đây là điều kiện thuận lợi để gia đình anh tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, cung cấp sản phẩm cho thị trường.

Cũng ở huyện Đồng Văn, những năm gần đây người dân tại thôn Séo Lủng, xã Sảng Tủng đã tích cực chuyển đổi diện canh tác từ trồng ngô sang trồng rau bắp cải chuyên canh. Nhờ sự cần cù chịu khó của người dân, cùng với điều kiện khí hậu thuận lợi, sản phẩm bắp cải của xã Sảng Tùng đạt hàm lượng dinh dưỡng ở mức cao, được nhiều thương lái ưa thích.

Với giá bán tại vườn dao động từ 7.000 đến 12.000 đồng/kg, mỗi một vụ rau, bình quân người dân trong thôn Séo Lủng có thu nhập rất tốt so với mặt bằng chung. Những vườn rau bắp cải đã mang lại thu nhập cao, ổn định cho người nông dân, đặc biệt là những hộ nghèo. 

Gia đình anh Ly Mí Pó hiện sở hữu hơn 1,5 ha cây bắp cải. Nhờ kinh nghiệm trồng trọt, gia đình anh luôn đảm bảo bắp cải đạt độ xanh tốt, to tròn, cuộn đều. Ngay từ giữa vụ đã có rất nhiều thương lái tìm đến đây đặt vấn đề thu mua. Sau khi trừ các chi phí, gia đình anh Pó thu về trên 120 triệu đồng/vụ.

Với sự hiệu quả từ cây bắp cải chuyên canh, năm 2023, xã Sảng Tủng tiếp tục tuyên truyền người dân nhân rộng diện tích trồng rau bắp cải. Để đồng hành cùng người dân cấp ủy, chính quyền xã, huyện cũng lồng ghép kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia như hỗ trợ giống, kĩ thuật. Nhờ đó, đến nay, diện tích rau bắp cải của xã được nhân rộng đến 12 thôn, bản với trên 29 ha. Đặc biệt, giá trị sử dụng đất đã tăng gấp 4-5 lần so với trước đây.

Trong khi đó ở xã Tả Lủng, hai năm nay, người dân chuyển đổi từ cây ngô hay các cây trồng khác sang trồng cây sâm khoai, bước đầu cho thấy quá trình sinh trưởng và phát triển tốt. Cây sâm khoai là cây dễ trồng và dễ chăm sóc, từ khi trồng cho đến lúc thu hoạch người dân chỉ cần chăm bón từ 1 đến 2 lần. Ngoài ra, loài cây này phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại xã Tả Lủng, vì thế năng suất cây trồng gấp 10-15 lần so với những cây trồng khác.

Ghi nhận hiệu quả từ cây sâm khoai mang lại, năm 2023 xã Tả Lủng đã nhân rộng trồng tại các thôn Đề Đay, Há Súng, Há Đề A, Há Đề B với diện tích trên 10 ha. Nhiều gia đình dù mới bước vào đầu mùa thu hoạch, song vườn sâm khoai đã được khách hàng đặt mua hết ngay tại vườn. Với giá bán bình quân đầu vụ dao động từ 17.000-20.000/kg, không ít gia đình thu về tiền trăm triệu đồng.

Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo huyện Đồng Văn còn 54,5%. Tốc độ giảm tỷ lệ hộ nghèo trong 3 năm qua liên tục tăng, cụ thể: năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 6%, năm 2022 giảm 6,2%, năm 2023 giảm 7%. Năm 2024, huyện phấn đấu giảm 11% tương đương với 1.879 hộ thoát nghèo, chỉ còn 9.329 hộ nghèo đa chiều.

Huyện Đồng Văn xác định chuyển nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần giúp người dân thoát nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đến nay, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm của huyện đạt gần 14 nghìn ha; tổng sản lượng lương thực đạt 28.000 tấn; tổng đàn gia súc đạt gần 79.000 con…

Tới đây, huyện tiếp tục có các chính sách hỗ trợ phù hợp để người dân phát triển nông nghiệp bền vững. Trong đó, huyện tích cực ưu tiên để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là chuyển đổi cây ngô sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; thúc đẩy phát triển các cây, con đặc trưng, thế mạnh.