Chuyển đổi số là cần thiết và cấp bách
Ngày 11/6, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) - Đại học Quốc gia Hà Nội, phối hợp với Tạp chí Thông tin và Truyền thông - Bộ TT&TT tổ chức Hội thảo khoa học "Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn".
Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân dân cho rằng, khi mà hiện nay quảng cáo báo in đang ngày một sụt giảm thì việc chuyển đổi số (CĐS) báo chí là cần thiết và cấp bách. Việc CĐS sẽ đa dạng được các nguồn thu, đa dạng việc kinh doanh dịch vụ dữ liệu, PR, truyền thông…
Ông cho biết, trên thế giới cứ 6 -7 nhà báo thì sẽ có 1 nhân viên công nghệ. Đây là một giải pháp tốt để tạo ra những quản trị lâu dài. Báo Nhân dân cũng đang áp dụng mô hình này, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
"Chúng ta cũng không nên lệ thuộc vào các nền tảng. Báo chí phải nắm dữ liệu. Cần khuyến khích đối tác bằng những nội dung hay, hấp dẫn. Đồng thời chia sẻ dữ liệu bằng cách tất cả các báo chí hợp tác cùng nhau. Hiện, Báo Nhân dân đang hợp tác phát hành báo trên nhiều nền tảng phi báo chí. Mục tiêu cố gắng trở thành Trung tâm kết nối dữ liệu và công nghệ cho hệ thống báo Đảng thuộc 63 tỉnh thành với slogan "Nơi nào có nhân dân nơi đó có Báo Nhân dân", nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Lâm , Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cũng chia sẻ, CĐS là một xu thế ảnh hưởng đến tất cả mọi mặt của đời sống xã hội. Báo chí phải đi đầu, vì muốn truyền thông CĐS cho toàn bộ xã hội thì báo chí đóng một vai trò rất quan trọng.
Theo ông, để hỗ trợ cho các cơ quan báo chí CĐS, Bộ TT&TT đã có những chính sách trao đổi với các nhà mạng, các nhà quảng cáo Việt Nam để nâng giá trị quảng cáo. Đồng thời cũng kiện toàn các văn bản quy phạm pháp luật như sửa đổi Luật Báo chí để phù hợp với thực tiễn.
"Quan trọng nhất là lãnh đạo các cơ quan báo chí cần phải thay đổi tư duy về CĐS và chúng ta phải có ý thức làm cùng nhau, làm như thế nào thì mỗi người một việc. Nhà nước sẽ cùng làm với các đơn vị báo chí"- Ông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định.
Xác định là vấn đề cấp bách, nhưng theo nhà báo Lê Tân, Đài truyền hình VTC Now, mỗi đơn vị báo chí nên chọn cách thực dụng hơn phù hợp với mình vì mỗi đơn vị có nguồn tài chính khác nhau, con người, đặc thù khác nhau. Đồng thời cần thay đổi tư duy của người làm gắn với tư duy đổi mới sáng tạo.
Cần có những lớp tập huấn về CĐS báo chí
Theo ông Trần Anh Tú, Báo Đại Đoàn kết, để các báo CĐS thành công, cần chú ý đến công tác đào tạo. Ông đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ mở các lớp tập huấn CĐS cho các lãnh đạo cơ quan báo chí và cơ quan chủ quản. Bởi lãnh đạo phải có tư duy thì mới thực hiện tốt CĐS được.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng các phóng viên, những người làm báo trực tiếp cũng cần phải được đào tạo bồi dưỡng để tạo ra các bài báo được lập trình một cách nghiêm túc. Bởi CĐS là sự chuyên nghiệp của các nhà báo và ứng dụng công nghệ sẽ mang đến cho độc giả một tác phẩm báo chí toàn diện.
Ngoài ra, theo ông Tú, có một thực tế các báo đang gặp phải, đó là để tuyển một nhân viên kỹ thuật rất khó bởi lương trả cho nhân viên này là rất cao mà một tờ báo khó có thể đáp ứng được.
Đồng quan điểm, tại hội thảo, đại diện Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh, đơn vị được sáp nhập 4 cơ quan truyền thông của tỉnh này, cũng cho rằng, việc đào tạo về CĐS ở các đơn vị liên quan thực tế gặp nhiều khó khăn, bởi đa số là các cán bộ đã công tác lâu năm, họ không như các bạn trẻ đã quen với công nghệ và các phương tiện truyền thông hiện đại.
Nhìn chung chuyển đổi số báo chí vẫn còn nhiều vướng mắc và khó khăn, nhưng theo ông Trần Kim Trung, Giám đốc Đài Truyền hình Hà Nội, dù có vất vả, khó khăn thì các cơ quan báo chí đều có thể vượt qua và CĐS thành công. Thực tế báo chí đã làm được các sản phẩm CĐS và cũng mang lại nguồn thu, gia tăng lượng công chúng. Nhưng báo chí cũng cần xác định mục tiêu lâu dài sau quá trình CĐS thành công.
Lê Mỹ