Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010.

Theo đó, mục tiêu chung của Chương trình nhằm: Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chương trình cũng đề ra mục tiêu cụ thể như: đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới và năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới (theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới). 

{keywords}
Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” đã trở thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trên phạm vi cả nước.

Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” đã trở thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trên phạm vi cả nước. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp và toàn xã hội, đặc biệt là sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã triển khai hiệu quả vai trò giám sát và phản biện xã hội, phát huy dân chủ, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM.

Sau 10 năm triển khai, Chương trình nông thôn mới đã đạt được những kết quả quan trọng, theo như đánh giá của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước là “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử” song trong quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Khoảng cách chênh lệch khá lớn về kết quả giữa các địa phương; người dân còn chú trọng tăng quy mô, sản lượng mà chưa quan tâm nhiều đến nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến tiêu chí môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống…

Với nguyên tắc “Nông thôn mới là nền tảng, cơ cấu lại nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể,” Chương trình giai đoạn 2021-2025 tập trung ưu tiên hỗ trợ cho các xã, huyện để đạt chuẩn nông thôn mới, khuyến khích các địa phương có điều kiện chủ động xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng cần chú trọng nâng cao hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, cụ thể là nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi giá trị; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển du lịch nông thôn, thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường, chất lượng hoạt động văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy bình đẳng giới, cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân nông thôn.

“Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực của cộng đồng, chuyển đổi tư duy của người dân về phát triển kinh tế nông thôn,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện các nội dung trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ triển khai 6 đề án, chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng nông thôn mới gồm: Chương trình khoa học, công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Đề án về phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống trong xây dựng nông thôn mới; Đề án môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; Đề án chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh; Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới.

Bộ trưởng cho hay vốn ngân sách Trung ưng hỗ trợ trực tiếp để thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 khoảng 39.632 tỷ đồng, trong đó ngân sách cho 6 đề án này là khoảng 4.300 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, Chính phủ sẽ tiếp tục cân đối ngân sách, ưu tiên hỗ trợ thêm để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của Chương trình.

Hồng Hạnh