Với lợi thế không gian bao phủ rộng, kịp thời, tiết kiệm chí phí và cung cấp thông tin chính thống, hệ thống truyền thanh cơ sở giữ vai trò quan trọng trong chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh đến với người dân, là phương tiện của cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị…  Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở, cùng với xu hướng tất yếu của chuyển đổi số, thời gian qua, thành phố Hưng Yên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước nâng cấp, chuyển đổi đài truyền thanh có dây/không dây FM sang truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông (còn gọi là truyền thanh thông minh IP).
Cán bộ truyền thanh phường An Tảo (thành phố Hưng Yên) quản lý bản tin phát thanh trên máy tính kết nối mạng Internet
Cán bộ truyền thanh phường An Tảo (thành phố Hưng Yên) quản lý bản tin phát thanh trên máy tính kết nối mạng Internet

Từ tháng 1/2021, Đài truyền thanh thành phố được đầu tư lắp đặt hệ thống truyền thanh thông minh IP để truyền và nhận bản tin phát thanh qua mạng Internet, sóng 3G/4G, thay vì phát thanh thông qua sóng FM truyền thống. Trang thiết bị được đầu tư bao gồm: 1 bộ điều khiển thu phát thanh thông minh dùng để kết nối Internet gửi, nhận lệnh từ trung tâm điều khiển và thông tin cần phát; 1 bộ thu tích hợp số hóa truyền thanh IP; 7 cụm loa truyền thanh IP và 1 máy tính để quản lý, giám sát tin, bài phát sóng. 

Bà Bùi Thị Hồng Thái, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Truyền thanh thành phố Hưng Yên cho biết: đến nay, sau hơn hai năm rưỡi vận hành, nền tảng truyền thanh thông minh IP thể hiện rõ nhiều ưu điểm vượt trội. Hệ thống thiết bị gọn nhẹ, đơn giản, lắp đặt sử dụng dễ dàng, thuận lợi cho nhân viên điều khiển, nhân sự vận hành cần ít hơn so với hệ thống truyền thống; giúp lưu trữ và quản lý tốt các nội dung đã phát, điều khiển hoàn toàn trên máy tính và các thiết bị di động.

Các cấp có thẩm quyền dễ dàng kiểm soát thông tin, quản lý chương trình, lịch phát thanh với độ bảo mật cao. Việc phát các bản tin linh hoạt, có thể lựa chọn phát tin tới từng cụm loa hoặc từng khu vực, lịch phát thanh được đặt theo giờ, ngày hoặc tuần. Chất lượng âm thanh tốt, chấm dứt hoàn toàn tình trạng chèn sóng, nhiễu sóng… Nhờ đó nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền tại cơ sở, giảm thời gian làm việc ngoài giờ cho cán bộ phát thanh. 

Anh Đỗ Ngọc Đại, kỹ thuật viên Đài truyền thanh thành phố phấn khởi cho biết: Phần mềm của hệ thống này được cài đặt đồng bộ trên điện thoại thông minh có kết nối internet rất thuận tiện giúp tôi điều khiển phát sóng, tiếp âm đài trung ương và đài tỉnh đúng khung giờ quy định ở bất cứ đâu, không phụ thuộc nhiều vào yếu tố không gian, thời tiết. 

Ghi nhận những hiệu quả tích cực từ nền tảng truyền thanh thông minh IP tại Đài truyền thanh thành phố, tháng 8/2022,  Hưng Yên tiếp tục đầu tư lắp đặt tại 17 xã, phường mỗi đơn vị 1 bộ thu tích hợp số hóa truyền thanh không dây. Nhờ vậy, hoạt động tiếp sóng từ các đài trung ương, đài tỉnh, đài thành phố của các đài truyền thanh cơ sở được dễ dàng và chính xác.

Chị Nguyễn Thị Thùy Linh, Trưởng Đài truyền thanh phường An Tảo cho biết: Hiện tại phường có tổng cộng 35 cụm loa được nâng cấp ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Các cụm loa “thông minh” mang lại những tiện ích như: có thể phát sóng theo từng cụm khu dân cư, không ảnh hưởng những vùng lân cận, những cụm nào cần phát có thể điều khiển phát bằng điện thoại hoặc máy tính, có thể kiểm tra được cụm nào hư hỏng mà không cần phải mở máy trực tiếp như phát sóng hệ thống truyền thanh FM. 

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên, thực hiện Kế hoạch số 172/KH-UBND ngày 16/11/2021 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, UBND thành phố chủ động rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống đài truyền thanh xã, phường trên địa bàn; đồng thời xây dựng kế hoạch chuyển đổi đài truyền thanh hữu tuyến (có dây)/vô tuyến (không dây) đã hư hỏng, xuống cấp sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông theo tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với các quy định hiện hành với mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu 100% đài truyền thanh các xã, phường của thành phố được chuyển đổi sang hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Sau khi hoàn thành đề án sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở, góp phần xây dựng chính quyền số, xã hội số ở cơ sở.

(Theo Dương Miền/Báo Hưng Yên)