Xây dựng những miền quê đáng sống

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được đánh giá mang lại những hiệu quả thiết thực, giúp nâng cao thu nhập cho người dân, khiến diện mạo nông thôn có những thay đổi tích cực. Trong đó việc linh hoạt ứng dụng chuyển đổi số, đã tạo ra những điểm sáng trong bức tranh NTM.

Tại huyện Phú Lương, nhờ việc xây dựng chính quyền điện tử, mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của huyện ở mức khá; tỷ lệ UBND cấp xã có điểm cầu trực tuyến đạt 100%. Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong xây dựng NTM đã góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. 100% các xã đã có cáp quang đến trung tâm; tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt 99,53%. Người dân chủ động tham gia vào các loại hình dịch vụ của xã hội số, từng bước hình thành văn hóa trên môi trường số.

Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: 11/13 xã đạt chuẩn NTM, xã Tức Tranh đạt NTM nâng cao; toàn huyện có 11 sản phẩm OCOP (4 sản phẩm 4 sao, 7 sản phẩm 3 sao). 

Sản xuất chè theo hướng hữu cơ 

Được biết, huyện Phú Lương đã cấp trên 100 sản phẩm có mã QR để truy xuất nguồn gốc nông sản. Nhiều doanh nghiệp, trang trại, HTX cài đặt phần mềm, tem nhãn truy xuất nguồn gốc, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo việc làm cho người lao động và đưa sản phẩm nông sản ngày càng vươn xa. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại địa phương chuyển dịch tích cực, chú trọng đầu tư cho nông nghiệp sạch, an toàn theo hướng hữu cơ, góp phần tăng thu nhập cho người dân một cách bền vững.

Huyện Phú Lương là một điểm sáng trong bức tranh NTM tại Thái Nguyên. Chương trình xây dựng NTM vẫn đang được đẩy mạnh thực hiện khắp các địa phương trong tỉnh, đem đến bộ mặt NTM có nhiều khởi sắc, tạo sức bật cho phát triển kinh tế xã hội. Hiện toàn tỉnh Thái Nguyên có 109/137 xã về đích nông thôn mới (NTM), 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó huyện Phú Bình có 100% số xã đạt chuẩn NTM.

Thái Nguyên cũng đã có 11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 63 xóm được UBND cấp huyện công nhận đạt xóm NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, các thành phố Thái Nguyên, Phổ Yên và Sông Công đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. 

Hướng tới nông thôn mới thông minh

Nhằm thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025 hiệu quả, tỉnh Thái Nguyên đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể để từng bước hình thành NTM thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển chính quyền số trong xây dựng NTM, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% các địa phương, đơn vị quản lý điều hành trên môi trường điện tử.

Đại diện các xóm trên địa bàn xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) ký cam kết thi đua thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng Nông thôn mới

Thái Nguyên hướng đến phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn với ít nhất 70% xã có hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.

Về xã hội số trong xây dựng NTM, tỉnh đặt mục tiêu có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa…) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng NTM thông qua ứng dụng trực tuyến.

Ngoài ra, Thái Nguyên cũng phấn đấu có ít nhất 1 mô hình thí điểm xã NTM thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hóa, y tế, giáo dục, an ninh trật tự…).

Trình diễn sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật

Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Thái Nguyên đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể như: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức; đào tạo tập huấn kiến thức về chuyển đổi số trong xây dựng NTM. Xây dựng chính quyền số trong xây dựng NTM. Thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn. Tập trung phát triển xã hội số trong xây dựng NTM. Triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số trong xây dựng NTM…

Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM sẽ phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là vai trò trung tâm của người dân tham gia thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng NTM. Chương trình khuyến khích người dân nông thôn chủ động áp dụng chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng tiếp cận dịch vụ và đời sống của người dân.

Ngọc Minh