Thành quả ấn tượng

Tỉnh Yên Bái xác định chuyển đổi số (CĐS) là một trong những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, là cơ hội để một tỉnh nghèo dù “đi sau” nhưng có thể “đuổi kịp, tiến cùng”, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. 

Theo lãnh đạo tỉnh, thời gian qua Yên Bái đã đặt quyết tâm chính trị cao độ, tích cực, chủ động, mạnh dạn tìm hướng đi mới, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ CĐS.

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đề ra 22 mục tiêu về CĐS gồm: 15 mục tiêu phát triển chính quyền số, 2 mục tiêu phát triển kinh tế số và 5 mục tiêu phát triển xã hội số. Tính đến hết năm 2022, có 11/22 mục tiêu đạt và vượt chỉ tiêu; trong đó chính quyền số 7 mục tiêu, kinh tế số 1 mục tiêu, xã hội số 3 mục tiêu.

Thực hiện xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, đến nay, tỷ lệ dịch vụ công đủ điều kiện mức độ 4 được cung cấp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh là 100%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt 70%; toàn bộ hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan Nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất; 20% hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Cổng dịch vụ công tỉnh Yên Bái

Theo đó, 100% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC tại 3 cấp chính quyền; tỷ lệ hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đã được giải quyết thành công được tạo, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định đạt 95%. 

Kinh tế số bước đầu được hình thành và ngày càng phát triển. Yên Bái đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố về số sản phẩm được đưa lên các sàn thương mại điện tử, trong đó gần 300 sản phẩm thế mạnh, chủ lực của tỉnh và 138/138 sản phẩm OCOP của tỉnh được đăng tải. Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán tiền điện đạt trên 66%, tiền nước đạt 40%; thanh toán không dùng tiền mặt của người dân qua tài khoản ngân hàng tăng gấp chục lần so với những năm trước.

Triển khai xã hội số, Tổ CĐS cộng đồng là mô hình nổi bật. Yên Bái là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên trên cả nước (cùng Lạng Sơn, Thái Nguyên) thành lập được 100% Tổ CĐS cộng đồng cấp xã, cấp thôn gồm 100% các cơ quan, đơn vị và 1.356 khu dân cư, thôn bản trên toàn tỉnh với hơn 10.800 người tham gia. 

Đến nay, 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý và 40% cán bộ, công chức trên toàn tỉnh đã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cơ bản về CĐS. Trên 70% người dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái lập hồ sơ sức khỏe điện tử trong khám bệnh, chữa bệnh; 100% các xã triển khai phần mềm quản lý trạm y tế; 100% đơn vị từ tuyến xã, tuyến huyện và tuyến tỉnh triển khai hệ thống thống kê y tế điện tử; 100% cơ sở giáo dục các cấp sử dụng phần mềm quản lý trường học... 

Lan toả sâu rộng công cuộc chuyển đổi số

Theo lãnh đạo tỉnh Yên Bái, để CĐS trở thành “phong trào” thi đua sâu rộng, là một “làn sóng” lan tỏa mạnh mẽ ở khắp các địa phương trong tỉnh, Yên Bái đã chọn cách làm mới, đặc trưng riêng, lựa chọn việc dễ làm trước, việc khó làm sau; lựa chọn làm CĐS song song từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên, cùng phương châm “vết dầu loang”.

Xác định CĐS là 1 trong 3 nhiệm vụ chính trị trọng tâm, bên cạnh phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư, tỉnh đã tập trung đầu tư hạ tầng số dùng chung, phục vụ các nhiệm vụ CĐS trong toàn tỉnh và đã đưa vào sử dụng Trung tâm dữ liệu tập trung của tỉnh (DC); Mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp III đến 100% các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã; Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng của tỉnh (SOC); hệ thống camera giám sát đô thị thông minh; và hệ thống Hội nghị giao ban điện tử đa tương tiện tới 100% các cơ quan đảng, sở, ngành và UBND cấp xã.

Đẩy mạnh hoạt động các tổ CĐS cộng đồng

Yên Bái đưa CĐS từ nhận thức thành hành động theo cách làm từ dưới lên thông qua việc triển khai các mô hình CĐS, tập trung vào các công việc, địa điểm có tương tác nhiều với người dân, doanh nghiệp và những việc mang tính thay đổi căn bản nhận thức, thói quen trong hoạt động của các tổ chức đảng, cơ quan Nhà nước. Các tầng lớp nhân dân đang dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình CĐS.

Năm 2023 được tỉnh Yên Bái chọn là năm "bứt phá trong CĐS”. Theo ông Hoàng Minh Tiến - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Yên Bái, ngành đang tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách thúc đẩy CĐS; Tích cực đổi mới cách thức, nội dung tuyên truyền và đào tạo để đưa nhận thức, kỹ năng về CĐS vào thực chất; Bên cạnh đó, tham mưu ban hành "quy hoạch” dữ liệu số và thiết lập, vận hành Cổng dữ liệu mở của tỉnh Yên Bái.

Giải pháp CĐS quan trọng nhất của năm 2023 tại Yên Bái là "Tổ CĐS cộng đồng”. Nhiệm vụ CĐS đột phá nhất của năm 2023 của tỉnh là "Nền tảng công dân số tỉnh Yên Bái”. Tỉnh quyết tâm đạt mục tiêu năm 2023, đưa Yên Bái lọt vào nhóm 25 tỉnh, thành dẫn đầu về CĐS.

Ngọc Minh