Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, chuyển đổi số trong giáo dục và y tế là hai lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 6/2020. “Vì đây là 2 lĩnh vực động chạm đến nhiều người dân nhất, độ bao phủ rộng khắp nhất, tiêu tốn nhiều ngân sách nhất, là 2 lĩnh vực nền tảng của một quốc gia phát triển”. Do vậy, chuyển đổi số trong hai lĩnh vực này sẽ phát huy hiệu quả lớn nhất. 

Bộ trưởng cho rằng, chuyển đổi số là sự phát triển tiếp theo của ứng dụng CNTT, nhưng là sự phát triển mang tính đột phá. Đột phá ở chỗ, nó đưa mọi hoạt động lên môi trường số, toàn dân và toàn diện, tạo ra một không gian hoạt động hoàn toàn mới. Đột phá ở chỗ, nó thay đổi cách chúng ta vận hành công việc và cuộc sống. Đột phá ở chỗ, càng nhiều người dùng thì càng rẻ, càng dùng thì càng giỏi lên, công nghệ càng phát triển. Đột phá ở chỗ, việc dám thay đổi và áp dụng mô hình mới quyết định hơn việc phát triển công nghệ. Đột phá ở chỗ, các nước đi sau thì ứng dụng mạnh mẽ hơn, nhanh hơn và vì vậy thành người đi trước. Đột phá ở chỗ, nó làm cho những người nghèo nhất tiếp cận được những dịch vụ tốt nhất, nhưng với giá rất rẻ. Đột phá ở chỗ, mỗi người, mỗi doanh nghiệp nhỏ có thể tiếp cận thị trường toàn quốc và toàn cầu, và vì thế thúc đẩy tất cả mọi người sáng tạo, kinh doanh. Đột phá ở chỗ, nó không bắt buộc chúng ta phải đi qua giai đoạn bắt kịp, rồi đến tiến cùng và sau đó mới là vượt lên, mà có thể đi đầu ngay từ đầu và qua đó mà bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng. Đột phá ở chỗ, thay vì làm dần dần, làm từng phần, từng bước thì có thể làm ngay, làm toàn diện, đặt mục tiêu cao và làm nhanh.

Chuyển đổi số y tế, hay y tế số, là sự phát triển tiếp theo của y tế điện tử, nhưng có tính đột phá. Y tế điện tử thì sử dụng CNTT và trọng tâm là nâng cao hiệu quả của các nhà cung cấp dịch vụ y tế, như bệnh viện, nhưng cách thức vận hành cơ bản vẫn như cũ. Y tế số thì dùng công nghệ số là chính và trọng tâm là tập trung vào người bệnh, thay đổi mô hình, cách thức cung cấp dịch vụ y tế. Bệnh nhân nay sẽ trở thành khách hàng. Dữ liệu y tế vốn bị bỏ quên thì nay sẽ trở thành tài sản lớn nhất, tạo ra sự khác biệt lớn nhất trong chăm sóc sức khoẻ. Y tế vốn do nhà nước đầu tư là chính thì nay sẽ có thêm nguồn lực là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực y tế, riêng quý 3/2020 thì vốn đổ vào đây đã gần 7 tỷ USD. 

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và các vị đại biểu khai trương ba nền tảng y tế: Mạng kết nối y tế Việt Nam, Nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở V20 và Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử

Giải quyết bài toán quá tải của ngành y

Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, hiện nay, Việt Nam mới chỉ có 8 bác sĩ trên một vạn dân. Nhưng chỉ bằng cách triển khai phần mềm tư vấn khám chữa bệnh từ xa, người dân ở một xã của Ninh Bình đã có thể tiếp cận được hàng ngàn bác sĩ giỏi trên toàn quốc để tư vấn 24/24h. “Đây có phải cách để chúng ta giải quyết một phần vấn đề thiếu bác sĩ, nhất là ở vùng sâu vùng xa không?” Bộ trưởng đặt câu hỏi.

Quá tải bệnh viện tuyến trên cũng là vấn đề kéo dài của ngành Y tế. Tuyến trên quá tải, bệnh nhân đi xa tốn kém, đầu tư của nhà nước cho tuyến dưới không hiệu quả. Vừa qua, 1.000 bệnh viện tuyến dưới đã được kết nối với các bệnh viện Trung ương. Qua đó, các bác sĩ tuyến trên đã có thể chuẩn đoán hình ảnh từ xa, tư vấn mổ từ xa. Bà con đã không phải tập trung về Hà Nội, TP HCM và các thành phố lớn khác.

Nền tảng số kết nối hàng trăm ngàn bác sĩ tới hơn 25 triệu hộ gia đình

Theo người đứng đầu ngành TT&TT, chúng ta có hàng trăm ngàn bác sĩ, nếu có thể kết nối họ với các hộ gia đình, mỗi bác sĩ 200-300 hộ, thì mỗi hộ gia đình đều có thể kết nối với bác sĩ của mình, có thể tư vấn khám bệnh từ xa, và như vậy, sẽ dần tiến tới mô hình bác sĩ gia đình kiểu mới.

Kết nối hàng trăm ngàn bác sĩ tới hơn 25 triệu hộ gia đình thì phải sử dụng nền tảng công nghệ số. Mô hình hoạt động ở đây là, nền tảng chỉ cung cấp dịch vụ kết nối và quản lý, không cung cấp dịch vụ tư vấn khám bệnh. Các bác sĩ mới là người cung cấp và chịu trách nhiệm về dịch vụ tư vấn khám bệnh. Nền tảng tạo ra công cụ, giúp hàng ngàn bác sĩ có thể kết nối để tận dụng thời gian, tri thức và kinh nghiệm của mình cho việc tư vấn người bệnh.  

Dữ liệu- tài sản quý giá của ngành y 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích, nếu như dữ liệu khám bệnh mấy chục năm qua của bệnh nhân được lưu trữ, được phân tích thì sẽ hỗ trợ rất nhiều cho bác sĩ mỗi lần thăm khám, rất hữu hiệu trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tư vấn cho người bệnh trong sinh hoạt, giữ gìn sức khoẻ. Như vậy, chuyển đổi số y tế sẽ góp phần hình thành con người số y học của mỗi chúng ta. Trên những con người số y học này, việc khám chữa bệnh, dự báo trước, quản lý y tế quốc gia, chăm sóc y tế cá nhân hoá ... sẽ có thay đổi căn bản. Những giá trị mới mà nó mang lại sẽ là vô cùng to lớn cho người dân.

Chuyển đổi số sẽ sáng tạo ra các tài sản vô hình. Tài sản vô hình thì vô hạn. Tài sản vô hình càng dùng càng sinh ra và càng dùng càng rẻ đi. Càng dùng thì càng thúc đẩy sinh ra những tài sản mới, giá trị mới. Đối với các quốc gia phát triển, tài sản vô hình đồng vai trò chính yếu. Đối với Việt Nam chúng ta, khi các nguồn lực vật chất còn rất hạn chế, việc phát triển và sáng tạo các tài sản vô hình để phát triển nhanh và bền vững đất nước sẽ là con đường đúng nhất, thậm chí là duy nhất. Chuyển đổi số y tế mà chúng ta đang làm là hướng đi vô cùng tích cực để phát triển và sáng tạo các tài sản vô hình trong lĩnh vực y tế. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cam kết Bộ TT&TT sẽ đồng hành cùng Bộ Y tế trong hành trình chuyển đổi số. Bộ Y tế hãy giao nhiệm vụ cho Bộ TT&TT chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách của lĩnh vực y tế. Việt Nam có một lực lượng các DN công nghệ số hùng hậu, với gần 60.000 doanh nghiệp và trên 1 triệu lao động, sẵn sàng giải được hầu hết các bài toán của ngành y tế, Bộ trưởng tin tưởng.

Thanh Tùng