Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược phát triển kinh tế, xã hội. Từ khi triển khai Đề án 06 - Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tại Vĩnh Phúc, chuyển đổi số đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Đề án 06 của Chính phủ với mục tiêu phục vụ 5 nhóm tiện ích về giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp, đóng vai trò quan trọng và mang ý nghĩa thiết thực đối với đời sống người dân.

Công an phường Hội Hợp (Vĩnh Yên) hướng dẫn, hỗ trợ người dân kích hoạt tài khoản định danh mức độ 2, phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: Trường Khanh

Để đảm bảo triển khai Đề án toàn diện, hiệu quả, Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh đã xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, giao nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở.

Đến nay, quá trình triển khai đạt nhiều kết quả tích cực, Vĩnh Phúc là một trong số ít các tỉnh, thành phố của cả nước được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao.

Trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ người dân đủ điều kiện, tiêu chuẩn cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử đạt 100%; gần 800.000 công dân được cấp định danh điện tử; hơn 80% công dân từ 14 tuổi trở lên kích hoạt tài khoản định danh mức độ 2; tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến liên tục tăng cao, một số lĩnh vực đạt 100%...

Đối với nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến được triển khai hoàn toàn trên môi trường Internet, nhất là việc đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng, đăng ký cấp biển số mô tô, xe gắn máy, thu tiền nộp xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, cấp phiếu lý lịch tư pháp…

Người dân, doanh nghiệp không cần phải đến tận cơ quan tiếp nhận để nộp hồ sơ, nhờ đó, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.

Bà Nguyễn Thị Vân, chủ một nhà nghỉ ở thành phố Vĩnh Yên cho biết: Trước đây, khi có khách đến lưu trú, tôi phải trực tiếp đến cơ quan công an để khai báo nhưng nay chỉ cần ngồi ở nhà và khai báo qua phần mềm ASM là hoàn thành xong thủ tục.

Thông qua phần mềm này, tôi cũng có thể quản lý được số lượng khách đến nhận phòng, trả phòng từ xa. Cơ quan công an cắt giảm thời gian, chi phí cho việc lưu trữ hồ sơ, giấy tờ, rất thuận lợi và minh bạch.

Trong nhóm tiện ích phục vụ công dân số, thẻ CCCD gắn chíp điện tử hiện đã tích hợp nhiều loại giấy tờ về bảo hiểm y tế, đăng ký xe, bảo hiểm xã hội, mang lại tiện ích cho người dân.

Điển hình, ở lĩnh vực y tế, chỉ với một chiếc thẻ CCCD, người dân chỉ mất vài phút là thực hiện xong các thủ tục khám, chữa bệnh, nhập viện, xuất viện, không cần phải chờ đợi lâu và mang theo nhiều loại giấy tờ như trước đây.

Một trong những nhóm tiện ích được đánh giá cao đó là nhóm phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Các tính năng của chíp điện tử gắn trên thẻ CCCD cũng như ứng dụng VNeID đang phát huy hiệu quả tối đa ở tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.

Nổi bật, công dân có thể sử dụng ứng dụng VNeID để tố giác tội phạm mà không cần đến trực tiếp hay gọi điện cho cơ quan chức năng.

Công chức Bộ phận một cửa phường Xuân Hòa (Phúc Yên) hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến qua VNeID. Ảnh: Trường Khanh

Đánh giá về ứng dụng này, chị Nguyễn Thanh Hảo, thành phố Phúc Yên cho biết: Việc đến tố giác tội phạm tại cơ quan công an khiến chúng tôi rất e ngại.

Tuy nhiên từ khi được lực lượng công an tuyên truyền về tiện ích của ứng dụng VNeID, không chỉ có thể tố giác tội phạm qua điện thoại mà còn có tính bảo mật cao nên tôi rất yên tâm.

Ứng dụng này thực sự là bước đột phá, góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Bên cạnh đó, đối với các nhóm tiện ích hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; nhóm tiện ích phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp đã và đang tiếp tục được kết nối, chia sẻ, phục vụ hiệu quả việc điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoạch định chính sách kinh tế, xã hội, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng công an nhân dân và nhu cầu của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước.

Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định, việc triển khai Đề án 06 đã giúp quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh, mạnh trên tất cả các lĩnh vực.

Mọi thông tin, thủ tục hành chính thực hiện hiệu quả, minh bạch, hạn chế, triệt tiêu yếu tố tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình thực thi công vụ tại một số đơn vị cung cấp dịch vụ hoặc cơ quan nhà nước, đồng thời giúp người dân thụ hưởng tối đa thành quả của sự phát triển trong xã hội hiện đại.

 Theo Lê Minh (Báo Vĩnh Phúc)