Chuyển đổi số toàn diện trong cải cách hành chính

Thực hiện cam kết, Quảng Ninh nỗ lực đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong cải cải cách hành chính (CCHC). 

Đến hết tháng 5, tỉnh đã kết nối chính thức hệ thống giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gồm: dịch vụ xác nhận định danh cá nhân và chứng minh thư nhân dân; dịch vụ xác nhận thông tin hộ gia đình; dịch vụ chia sẻ thông tin. 

Tỉnh chỉ đạo địa phương rà soát thực hiện chuẩn hóa, tái cơ cấu quy trình, đơn giản hóa TTHC theo hướng không yêu cầu công dân phải khai báo lại thông tin đã khai báo.

Từ đầu tháng 6, Quảng Ninh đã đưa vào thử nghiệm nền tảng số hóa và bóc tách dữ liệu tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh với ngành tư pháp, lao động-thương binh và xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, thông tin và truyền thông. 

Đặc biệt, từ đầu tháng 9, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã thí điểm triển khai phần mềm trợ lý ảo iSee trong giải quyết TTHC. Đến nay đã cập nhật 450/1.612 thông tin về TTHC; tạo lập 4.080 câu hỏi mẫu, trong đó có 600 câu hỏi mẫu đã được phân tích, tùy biến; đã cập nhật 720 câu trả lời lên iSee. 

Đến thời điểm này, Quảng Ninh đã đưa 1.222 TTHC của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 75%. Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công mức độ 3 của tỉnh hiện là 57,36%; dịch vụ công mức độ 4 là 29,45%. 

Từ đầu năm 2022 đến nay, Quảng Ninh đã có 168.380 hồ sơ trực tuyến được nộp trên tổng số 252.108 hồ sơ. Đáng chú ý, trong các chỉ số điểm thành phần thì chỉ số dịch vụ trực tuyến của Quảng Ninh đạt 10,5 điểm, cao hơn nhiều tỉnh, thành trong cả nước và khu vực, hiện UBND tỉnh đang được chấm số điểm là 61,52, mức điểm cao nhất toàn quốc về cung cấp dịch vụ công trên Cổng quốc gia. 

Hiện nay, Quảng Ninh là 1 trong 6 tỉnh, thành phố đầu tiên triển khai thực hiện thành công hệ thống hóa đơn điện tử giai đoạn 1. Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước gửi-nhận được văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số liên thông bốn cấp và là địa phương sớm tích hợp Cổng dịch vụ công của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Điểm sáng hút đầu tư

Nhờ đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong CCHC, trong 9 tháng đầu năm, tổng thu hút vốn ngoài ngân sách tại Quảng Ninh đạt 43.746 tỷ đồng. Quảng Ninh đã cấp mới và điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 13 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 186,2 triệu USD. Trên địa bàn tỉnh hiện có 153 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 10,33 tỷ USD. Riêng khu vực doanh nghiệp FDI đóng góp ngân sách Nhà nước trên 1.270 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 9 tháng, toàn tỉnh Quảng Ninh có 1.909 đơn vị thành lập mới (có 1310 doanh nghiệp và 599 đơn vị phụ thuộc), tăng 20% cùng kỳ với số vốn đăng ký 16.825 tỷ đồng; có 899 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 17% so với cùng kỳ. Tính đến 30/9, trên địa bàn tỉnh có 10.705 doanh nghiệp đang hoạt động có kê khai thuế với tổng số lao động trên 243.000 người.

Năm 2021, Quảng Ninh đứng vị trí thứ nhất trên bảng xếp hạng các chỉ số: năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS); đứng thứ hai về chỉ số CCHC (PAR index). Quảng Ninh 5 năm liên tiếp là quán quân về PCI (2017-2021), tỉnh có chỉ số SIPAS 3 năm liên tiếp dẫn đầu toàn quốc và 9 năm liền trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước (2013-2021) .

Trên đà phát triển, Quảng Ninh tiếp tục mục tiêu giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về chỉ số PCI, PAR index, SIPAS nhằm trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện, từng bước thúc đẩy tăng trưởng và cơ cấu kinh tế, hướng đến là một những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước.

Ngọc Minh