Theo chuyên gia nông nghiệp PGS.TS Vũ Trọng Khải, lợi thế của xuất khẩu nông sản Việt Nam hiện tại đến từ việc chúng ta đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, RCEP hay UKVFTA… Chính “lực đẩy” từ các FTA này đã khiến mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có thêm nhiều ưu đãi ở các nước. Bên cạnh đó, các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc… vẫn tiếp tục ưa chuộng nông sản Việt.

Giải pháp đưa nông sản vươn xa trên thị trường quốc tế chính là chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đây là con đường tất yếu và doanh nghiệp Việt có thừa khả năng để làm điều này nếu có đủ quyết tâm. Bên cạnh đó, cũng cần có những chính sách khuyến khích từ phía nhà nước, có ưu tiên đối với việc thúc đẩy người nông dân và doanh nghiệp tiếp cận với những công nghệ mới.

{keywords}
Chuyển đổi số trong nông nghiệp là yêu cầu cấp thiết

“Phải tạo ra một thế hệ nông dân số từ đó mới có nền nông nghiệp số. Trong bối cảnh mới, nông nghiệp vẫn sẽ tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, chính vì vậy, thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp chính là một yêu cầu cấp thiết”, ông Khải nhấn mạnh.

Để đa dạng mặt hàng nông nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường chất lượng cao như Mỹ, EU, Nhật Bản... điều tiên quyết vẫn là nâng cao chất lượng sản phẩm trên cơ sở áp dụng thực hành nông nghiệp tốt để đạt các chứng nhận VietGAP, GlobalGAP... cũng như các chứng nhận mang tính riêng biệt của từng quốc gia nhập khẩu. Thời gian vừa qua, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, tạo ra lợi thế cạnh tranh rõ nét về thuế quan cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu. Việc tập trung thực hiện các tiêu chí chất lượng, mẫu mã, an toàn vệ sinh thực phẩm chắc chắn là sự đầu tư đáng giá để ngành nông nghiệp sinh lời hơn nữa trong tương lai.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Hữu Ninh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, mục tiêu của Bộ trong thời gian tới là chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xác định đây là giải pháp đột phá để nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững, hướng tới nông nghiệp chính xác, nông nghiệp thông minh.

Vĩnh Sang