Ngày 26/12, lãnh đạo trường Tiểu học Mũi Né 2 (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) có văn bản báo cáo gửi Phòng GD&ĐT TP. Phan Thiết về việc có người lạ tiếp cận học sinh.

Theo đó, chiều 25/12, trong lúc ngồi chờ người thân đến đón, em Phan Thành P. (học sinh lớp 1C, trường tiểu học Mũi Né 2) nói chuyện với một người đàn ông đeo khẩu trang, đi xe máy BKS 86B1-662.77 ở sân trường.

Sau khoảng 2 - 3 phút, người đàn ông lạ mặt bế em P. lên xe và rồ máy chạy. Ngay sau khi phát hiện người đàn ông đưa em P. lên xe, bảo vệ trường học đã nhanh chóng chạy đến kiên quyết chặn đầu xe không cho người đàn ông di chuyển. Bị phát giác, người đàn ông rồ ga bỏ chạy.

Hiện tại, nhà trường đã thông tin vụ việc đến chính quyền và công an địa phương để làm rõ vụ việc. Đồng thời, nhà trường đề nghị thầy cô tăng cường cảnh giác, nhắc phụ huynh đưa đón con đúng giờ, quán triệt học sinh không tiếp xúc với người lạ, không lên xe người lạ…

Sự cảnh giác của trường tiểu học Mũi Né 2 chưa bao giờ thừa. Bởi, năm 2023, các vụ bắt cóc trẻ em xảy ra táo tợn và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Hồi tháng 10/2023, đối tượng Nguyễn Thanh Sơn (SN 1989, Long An) đã bắt cóc bé gái 3 tuổi, đòi tiền chuộc 2 tỷ đồng. May mắn, bé gái được lực lượng chức năng giải cứu kịp thời.

Trước đó, tháng 9/2023, bé gái gần 2 tuổi ở huyện Gia Lâm, Hà Nội bị đối tượng Giáp Thị Huyền Trang (Bắc Giang) bắt cóc, đòi 1,5 tỷ đồng tiền chuộc. Bé gái vô tội bị Trang sát hại trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Sau đó, đối tượng tự sát. 

Tháng 8/2023, đối tượng Nguyễn Đức Trung (31 tuổi, cán bộ công an tỉnh Vĩnh Phúc) bắt cóc bé trai 7 tuổi ở quận Long Biên, Hà Nội. Trung yêu cầu gia đình bé trai đưa 15 tỷ đồng để chuộc con.

W-anh-5-bat-coc-tre-em-1.jpg
Phụ huynh cần cảnh giác và hướng dẫn con cách nhận diện tội phạm bắt cóc

Những vụ việc vừa kể trên từng gây xôn xao dư luận, làm dấy lên lo ngại về tình trạng gia tăng các vụ bắt cóc cả về số lượng lẫn hậu quả.

TS Đặng Văn Cường, UVBCH Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam khẳng định, bắt cóc trẻ em là hành vi đáng trách, đáng lên án và cần phải xử lý nghiêm. Trong đó, các đối tượng bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản đặc biệt nguy hiểm.

Các đối tượng nhận thức rất rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện, xâm phạm đến nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ.

TS Đặng Văn Cường phân tích: “Hiện nay, từ các nguyên nhân khác nhau, hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản ngày càng diễn ra nhiều hơn, cho thấy nguy cơ mất an toàn đối với trẻ em luôn hiện hữu. 

Đối tượng thực hiện hành vi bắt cóc trẻ em có thể là bất kỳ ai, kể cả người thân, người quen của cha mẹ nạn nhân. 

Đặc biệt, trong vụ bé trai 7 tuổi bị bắt cóc, đối tượng phạm tội đang công tác trong ngành công an, vốn được đào tạo, giáo dục để bảo vệ trẻ em, cộng đồng. 

Thế nhưng, sự suy đồi đạo đức, cờ bạc nợ nần khiến đối tượng bất chấp pháp luật để thực hiện hành vi phạm tội”.

Ngoài yếu tố đạo đức cá nhân, TS Đặng Văn Cường cho rằng, tác động của xã hội như: vấn nạn cờ bạc, những hoạt động lừa đảo trực tuyến… cũng đẩy nhiều người vào cảnh túng quẫn. Nếu không đủ bản lĩnh vượt qua khó khăn thì các đối tượng rất dễ làm liều, coi thường pháp luật.

Qua những vụ việc đã xảy ra, TS Đặng Văn Cường nhấn mạnh, phụ huynh, cơ sở giáo dục phải nâng cao cảnh giác trong việc giao con mình cho người khác đưa đón, quản lý. 

Đặc biệt, phụ huynh không chủ quan, thiếu sâu sát, giao con mình cho người lâm cảnh nợ nần, sống không lành mạnh, tâm lý bất ổn.

Bên cạnh đó, chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về cơ chế chính sách, pháp luật, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và phát hiện đấu tranh phòng ngừa tội phạm.

Các cấp cần tăng cường các giải pháp về giáo dục, đảm bảo tính hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân. 

Đồng thời, cơ quan chức năng liên quan cần tìm giải pháp loại bỏ các nguyên nhân thúc đẩy đối tượng phạm tội, như: hành vi đánh bạc trái phép, đòi nợ thuê…