Giảm bớt tiêu thụ điện trong giờ cao điểm
Trước những đợt nắng nóng kỷ lục, tiêu thụ điện liên tục lập đỉnh chưa từng có trong những ngày qua. Cụ thể, công suất tiêu thụ điện toàn quốc lần đầu tiên vượt 42.000 MW, và thiết lập mức đỉnh kỷ lục mới với con số là 42.146 MW ghi nhận vào trưa ngày 21/6. Trong đó, công suất tiêu thụ điện của riêng khu vực miền Bắc và riêng TP.Hà Nội cũng đã lập mức đỉnh kỷ lục mới, với công suất đỉnh mới của miền Bắc là 18.700 MW và của TP.Hà Nội là 4.700 MW.
Nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao là tất yếu, nhất là vào giờ cao điểm, nhà nhà, người người đều tiêu thụ lượng điện năng vượt hơn mức bình thường. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên hạn chế tiêu thụ điện trong giờ cao điểm.
Chuyên gia khuyến cáo cách sử dụng điện tối ưu |
Bởi vào giờ cao điểm, nhu cầu sử dụng điện nhiều, hệ thống phải huy động hết hoặc gần hết công suất để đáp ứng. Ngành điện lực phải huy động nguồn từ nhiều nhà máy điện, thậm chí huy động cả nguồn điện chạy bằng dầu mức chi phí cao.
Hơn nữa, vào giờ cao điểm, giá bán điện có sự chênh lệch rất lớn so với giá bán điện giờ thấp điểm. Ví dụ, tại biểu giá bán lẻ điện kinh doanh, với mức điện áp dưới 6kV, giá bán điện vào giờ thấp điểm là 1.622 đồng/kWh thì giá cao điểm là 4.587 đồng/kWh. Như vậy, chi phí điện năng vào giờ cao điểm gấp 2,8 lần so với giá điện thấp điểm. Chính vì thế, các hộ kinh doanh, sản xuất nên hạn chế tiêu thụ điện năng vào giờ cao điểm để vừa tiết kiệm chi phí điện, vừa không gây lãng phí nguồn điện năng.
Cũng theo Quy định tại Điều 5, Thông tư 16/2014/TT-BCT về thực hiện giá bán điện do Bộ Công Thương ban hành, giờ cao điểm mà chúng ta nên lưu ý hạn chế sử dụng điện năng gồm: Từ 9h30 - 11h30 và 17h - 20h các ngày từ thứ 2 đến thứ 7. Đây là khung giờ mà lượng điện được tiêu thụ nhiều nhất. Nếu chúng ta sử dụng điện năng lãng phí, dùng quá nhiều thiết bị điện cùng lúc thì sẽ dẫn đến tình trạng quá tải điện.
Bên cạnh đó, nếu chúng ta sử dụng các thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng cùng lúc vào giờ cao điểm còn có thể làm hỏng các linh kiện bên trong thiết bị đó. Bởi khi dòng điện suy yếu cũng đồng nghĩa điện áp cung cấp không đủ để thiết bị hoạt động, chẳng hạn như tủ lạnh cần điện áp 220V mà giờ cao điểm điện áp chỉ còn 180V, như vậy sẻ khiến tủ không đông đá…
Do đó, hạn chế sử dụng điện trong giờ cao điểm không chỉ giúp nguồn điện năng duy trì trạng thái ổn định, nâng cao chất lượng điện mà còn tăng hiệu suất kinh doanh, sản xuất đảm bảo sự sinh hoạt của người dân.
Cách sử dụng điện tiết kiệm
Khi thời tiết nắng nóng, hầu hết các gia đình đều sử dụng các thiết bị làm mát như quạt điện, điều hoà… với thời gian tăng lên rất nhiều so với các ngày bình thường. Hầu như gia đình nào cũng sử dụng điều hòa nhiệt độ - “thủ phạm” chính làm cho hóa đơn tiền điện tăng cao. Nghiên cứu cho thấy, vào mùa nắng nóng, do sử dụng điều hòa liên tục, lượng điện năng tiêu thụ sẽ tăng trung bình khoảng 50% - 60%.
Qua các nghiên cứu và thực nghiệm đã cho thấy, khi nhiệt độ ngoài trời tăng 1 độ C thì tiêu thụ điện của điều hòa tăng 2 - 3%. Thói quen khi trời càng nóng, các gia đình thường để nhiệt độ trong phòng càng thấp đã vô tình làm điều hoà hoạt động liên tục nên tiêu thụ điện sẽ tăng lên. Nếu nhiệt độ cài đặt của điều hòa trong phòng để thấp xuống 1 độ, tiêu thụ điện năng của điều hòa cũng tăng lên 1,5 - 3%. Mặt khác, chênh lệch nhiệt độ trong phòng chạy điều hoà và ngoài trời những ngày nắng nóng tăng cao (khoảng 10 độ), trong phòng nhiệt độ thường để mức 26 - 27 độ, trong khi nhiệt độ ngoài trời thông thường 36 - 39 độ đã làm cho điều hoà phải làm việc liên tục nên tiêu thụ điện nhiều hơn những ngày thời tiết mát mẻ.
Để giúp giảm chi phí và góp phần vận hành ổn định lưới điện, Tổng công ty Điện lực miền Bắc khuyến cáo khách hàng sử dụng điện cần để mức nhiệt độ tốt nhất là từ 26 đến 28 độ C. Việc để nhiệt độ thấp sẽ làm cho điều hòa chạy liên tục và gây tốn điện và không bảo đảm sức khỏe. Trong trường hợp chưa đủ mát, người dùng có thể bật thêm quạt gió kết hợp, sẽ giúp tiết kiệm điện khoảng 2 đến 3% điện năng so việc bật điều hòa ở mức nhiệt thấp hơn.
Ngoài ra, việc không thường xuyên vệ sinh điều hòa cũng là nguyên nhân gây lãng phí điện năng. Sau một thời gian sử dụng, các lưới lọc gió và hốc đẩy gió lạnh thường bị bẩn, thậm chí rêu mốc khiến máy lạnh hoạt động kém hiệu quả, tốn điện gây hại sức khỏe. Điều hòa sau thời gian dài sử dụng, cả giàn nóng và giàn lạnh đều có các lá tản nhiệt bị mềm, trong khi gas lạnh có thể bị hao hụt, dầu máy bị bẩn cũng như các chi tiết cơ khí bị mài mòn. Hiệu quả làm lạnh có thể bị giảm tới 10 đến 15%. Việc bảo trì vệ sinh đúng cách sẽ giúp kéo dài tuổi thọ điều hòa.
Không chỉ sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ, EVNNPC còn hướng dẫn khách hàng sử dụng các thiết bị điện gia dụng khác, cụ thể đối với bình đun nước siêu tốc, EVNNPC khuyến cáo người dân không để lại nước quá lâu bên trong bình khiến bình dễ bị bám cặn, không đổ cạn nước ra khỏi bình sau khi đun sôi sẽ làm cho mâm nhiệt rất nhanh hỏng; đậy kín nắp bình khi đun và đun lượng nước đúng quy định.
Đối với máy giặt, EVNNPC khuyên người dân không nên cho quá nhiều quần áo vào máy giặt, không đặt các vật nặng lên trên máy giặt khi đang hoạt động; nhớ bỏ các vật dụng như thẻ từ, chìa khóa, bật lửa… trước khi cho quần áo vào máy giặt; sử dụng bột giặt, nước xả dành riêng cho máy giặt và lấy quần áo ra khỏi máy ngay sau khi đã giặt xong.
Đối với tủ lạnh thì không đặt thức ăn nóng vào tủ lạnh, thường xuyên vệ sinh làm sạch phía sau tủ và đặc biệt không cắm điện tủ lạnh ngay sau khi vừa di chuyển tủ, có thể gây rò rỉ dầu máy.
Ngoài việc sử dụng hợp lý các thiết bị điện, EVNNPC khuyến cáo người dân không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn (bếp điện, máy giặt, bình nóng lạnh…) trong giờ cao điểm (bao gồm khung giờ từ 11h đến 14h và từ 18h đến 23h hằng ngày).
Cùng với việc thay đổi thói quen sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm, hiệu quả, Tổng công ty Điện lực TP.Hà Nội (EVNHANOI) cũng khuyến nghị khách hàng nên sử dụng các sản phẩm năng lượng xanh, đặc biệt là sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà, góp sức vì một xã hội sử dụng năng lượng sạch, giảm bớt gánh nặng cho các nhà máy điện khi mà các nguồn tài nguyên như than đá, thủy điện đang dần cạn kiệt.
Thanh Tùng