Theo dữ liệu của CoinMarketCap hôm 26/5 (theo giờ Việt Nam), giá dầu West Texas Intermediate (WTI) - được khai thác từ các mỏ dầu tại Mỹ - tăng gần 1% so với 24 giờ trước đó lên 111 USD/thùng.

Trong khi đó, dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu được giao dịch ở mức 115 USD/thùng, tăng 0,82 USD/thùng (0,72%) so với một ngày trước đó.

Nói với Zing, các chuyên gia quốc tế chỉ ra nhiều lý do khiến giá dầu vẫn ở đà tăng, bao gồm thị trường Mỹ bị thắt chặt và nhu cầu dầu tại Trung Quốc có dấu hiệu sẽ đi lên.

Xang dau anh 1

Giá dầu Brent đi lên trong một tuần qua. Ảnh: CoinMarketCap.

Nguồn cung eo hẹp, nhu cầu đi lên

"Cả giá dầu thô Brent và WTI đều tiếp tục đi lên. Với các thương lái, mối lo ngại về việc kinh tế Trung Quốc suy thoái đang giảm dần. Cùng với đó là niềm tin rằng thị trường dầu diesel của Mỹ vẫn ngày càng thắt chặt", ông Jeffrey Halley - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Asia Pacific OANDA (có trụ sở ở Singapore) - nhận định với Zing.

Cùng với đó, theo ông Halley, việc Washington không loại trừ khả năng đưa ra các biện pháp hạn chế xuất khẩu dầu cũng khiến các thị trường quốc tế lo ngại.

Cụ thể, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không loại trừ việc sử dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu để hạ nhiệt giá nhiên liệu trong nước, vốn đã tăng mạnh.

Giá nhiên liệu tăng cao làm gia tăng sức ép lạm phát tại Mỹ - trở ngại lớn đối với đà phục hồi của kinh tế nước này.

"Nhu cầu đối với dầu thô vẫn chưa bị phá hủy ngay cả khi giá xăng tăng cao lên mức kỷ lục. Mùa lái xe cao điểm tại Mỹ đã bắt đầu, nhu cầu đi lại bị dồn nén tới mức người Mỹ sẵn sàng di chuyển với bất cứ giá nào", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại The Americas OANDA (có trụ sở ở Mỹ) - giải thích với Zing.

Xang dau anh 2

Mỹ bước vào mùa lái xe cao điểm, trong khi dự trữ xăng dầu đều lao dốc. Ảnh: Reuters.

"Thị trường dầu thô vẫn bị thắt chặt và giá dầu sẽ vẫn còn tăng cao", ông nói thêm, chỉ ra dự trữ dầu thô của Mỹ đang ở mức thấp.

Dữ liệu từ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô của nước này đã giảm tới 1 triệu thùng trong tuần trước. Dự trữ xăng cũng giảm nhẹ. Dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến bởi xuất khẩu tăng vọt. Điều này giúp thúc đẩy thị trường.

Tuy nhiên, theo ông Moya, đà tăng giá của dầu không quá mạnh bởi các nhà máy lọc dầu của Mỹ đã tăng tốc độ xử lý. Công suất sử dụng được nâng lên 93,2%, mức cao nhất kể từ tháng 12/2019.

Ngoài ra, việc Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới - bắt đầu nới lỏng các lệnh phong tỏa cũng góp phần thúc đẩy thị trường dầu. "Thượng Hải đang chuẩn bị mở cửa trở lại sau 2 tháng phong tỏa", bà Sugandha Sachdeva - Phó chủ tịch nghiên cứu hàng hóa tại Tonare Broking - bình luận.

"Cùng với việc Mỹ bắt đầu mùa lái xe cao điểm, điều này có thể đẩy nhu cầu dầu lên cao", bà nói thêm. Theo bà, tất cả biến số đều chỉ ra rằng giá dầu sẽ tiếp tục đi lên.

Lệnh cấm từ EU

Đà tăng của giá dầu tiếp tục do nguồn cung có dấu hiệu bị thắt chặt hơn nữa. Liên minh châu Âu (EU) tranh cãi với Hungary về kế hoạch cấm nhập khẩu dầu từ Nga - nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 thế giới - sau khi Moscow đổ quân vào Ukraine.

Theo giới quan sát, nguồn cung eo hẹp kết hợp với khả năng EU cấm vận dầu mỏ Nga nhằm trừng phạt Moscow đã đẩy giá dầu thế giới lên cao hơn.

"Các nhà giao dịch dầu dồn sự chú ý vào hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào tuần tới", ông Stephen Innes - quản lý tại SPI Asset Management - bình luận.

Hôm 25/5, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel cho biết ông tin tưởng rằng khối này có thể đạt được thỏa thuận trước cuộc họp tiếp theo diễn ra vào ngày 30/5.

Tuy nhiên, Hungary vẫn là một trở ngại đối với kế hoạch cấm vận của EU. Nước này yêu cầu khoảng 750 triệu EUR (tương đương 800 triệu USD) cho việc nâng cấp các nhà máy lọc dầu và mở rộng đường ống dẫn dầu từ Croatia để có thể giảm phụ thuộc vào dầu Nga.

Ngay cả khi lệnh cấm chính thức chưa được ban hành, lượng dầu của Nga được mua bán trên thị trường vẫn sụt giảm mạnh. Bởi người mua và các thương lái tránh giao dịch với những hãng cung cấp nhiên liệu và dầu thô Nga.

Những lệnh cấm đối với các tổ chức tài chính Nga đã tạo ra một lệnh cấm ngầm dành cho ngành công nghiệp năng lượng của đất nước.

Theo các nhà phân tích của ANZ, hàng hóa từ các cảng Baltic sẽ phải đi quãng đường dài hơn để tới những nhà máy lọc dầu ở châu Á. Trong khi đó, các chuyến hàng tới Hà Lan và Pháp đã bị tạm dừng.

"Giá dầu vẫn sẽ duy trì ở ngưỡng cao trong phần còn lại của tuần. Nếu giá dầu Brent vượt ngưỡng 116 USD/thùng, mức kháng cự tiếp theo có thể là 120 USD/thùng. Việc giá dầu Brent tăng mạnh cũng có khả năng kéo giá dầu WTI lên vùng 115-116 USD/thùng", chuyên gia tài chính Halley dự báo.

(Theo Zing)

Giá dầu trên đỉnh, nguy cơ tăng tiếpGiá dầu giằng co quanh ngưỡng 110 USD/thùng. Nhu cầu tăng và nguồn cung vẫn eo hẹp nhưng giá dầu không tăng mạnh do triển vọng phục hồi không mấy khả quan của kinh tế Trung Quốc và nguy cơ rơi vào suy thoái của kinh tế Mỹ.