Cả người phản biện lẫn chuyên gia độc lập đều cho rằng, luận án tiến sĩ về nghệ thuật viết chữ trên bìa sách vẫn còn nhiều sạn, từ nhận định khoa học tới vấn đề phương pháp nghiên cứu.
Luận án ở mức đủ điều kiện
Trao đổi về chất lượng luận án tiến sĩ của NCS Bùi Quang Tiến, PGS. TS Lê Văn Tạo, một trong 3 phản biện luận án cho rằng, luận án của ông Tiến chỉ ở mức độ đảm bảo điều kiện để công nhận tiến sĩ chứ không phải là mức khá.
"Đây là luận án mà chúng tôi đánh giá là phải góp ý nhiều. Một số đánh giá, nhận định về khoa học cần phải xem lại" - ông Tạo nói.
"Đề tài này nghiên cứu về nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách giai 2005-2015. Do đó, câu chuyện đặt ra là vì sao lại chọn giai đoạn này và liệu tác giả có làm nổi bật được những đặc trưng của giai đoạn này hay không?"
Các thành viên hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ của NCS Bùi Quang Tiến. Ảnh: VICAS. |
Theo ông Tạo, tác giả của luận án cho rằng đây là giai đoạn Việt Nam hội nhập sâu sắc hơn, yếu tố công nghệ của nước ngoài thâm nhập vào Việt Nam mạnh mẽ hơn nhờ thế thành tựu trong thiết kế bìa sách có nhiều cái mới. Thậm chí tác giả còn nhận xét là đảm bảo đặc trưng của Việt Nam và yếu tố mỹ thuật làm sách của người Việt.
"Vấn đề cần nghiên cứu là khi công nghệ tác động thì việc thiết kế bìa sách của Việt Nam có gì mới. Tác giả cho rằng, trước kia không có công nghệ nên việc thiết kế bìa sách của Việt Nam yếu, không xứng tầm thế giới, không khẳng định bản sắc Việt Nam. Đây là nhận định chưa khách quan. Trước kia khi chưa có công nghệ chúng ta vẫn có bản sắc. Quan trọng là khi có công nghệ giúp khả năng biểu đạt tốt hơn nhưng cái hồn của dân tộc Việt vẫn còn. Đây là câu hỏi đối với luận án này".
Cũng theo ông Tạo, đây là một đề tài hay và nếu người làm tốt thì nghiên cứu này sẽ có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao hơn.
Nhiều vấn đề trong phương pháp nghiên cứu
Trong khi đó, TS Lê Hải Ninh, ĐH Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia MISiS- Moscow sau khi đọc toàn bộ nội dung luận án của NCS Bùi Quang Tiến thì nhận định tác giả đã rất chịu khó nghiên cứu, tìm tòi, đọc nhiều, đưa ra nhiều thông tin có giá trị, đã tổng quát được một số vấn đề rời rạc, tập trung được một số lượng tài liệu tham khảo trọng tâm, đưa ra được một số nhận xét có tính khách quan.
Tuy nhiên, điểm hạn chế nhất của tác giả cũng như các nghiên cứu dạng này đó là phương pháp nghiên cứu. Đối với NCKH, phương pháp (thực ra là phương pháp luận) là linh hồn và định hướng, quyết định thành công cũng như độ tin cậy của kết quả.
Phương pháp nghiên cứu của những người làm "nghệ thuật" thường là rất chung chung, mặc dù ở đây NCS có đưa ra 2 phương pháp: 1. Phương pháp tiếp cận liên ngành; 2. Phương pháp nghiên cứu trường hợp và từ đó đưa ra 3 thao tác nghiên cứu: Thu thập, tổng hợp, phân tích, phân loại, thông tin; Phỏng vấn, điều tra xã hội học; Phân tích, so sánh tác phẩm nhưng trong cả luận án, không hề có sự rạch ròi giữa đối tượng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu và đánh giá (kết quả) nghiên cứu một cách khoa học.
Tất cả chúng bị pha trộn vào nhau, đôi khi làm cho người đọc có cảm giác tác giả đưa ra hàng loạt ví dụ, mỗi ví dụ phân tích "tràng giang đại hải" (dĩ nhiên là có chỗ phân tích độc đáo, chi tiết, có chính kiến) rồi sau đó cố gắng đưa ra kết luận một cách định tính, cảm tính hoặc thậm chí kết luận rất chung chung, tính quy luật rất mờ nhạt, chỉ nêu ra thông tin rồi để đó mà không thể hiện được quy luật rõ ràng nào trong khi đáng ra mục đích của luận án này là cần quy luật hóa được các hiện tượng tưởng như rời rạc đó.
Ông Ninh phân tích, hạn chế nêu trên là do tác giả không có phương pháp nào để đo đếm được thông tin mình đưa ra, tác giả đã không đưa ra được (đề xuất được) các tham số điển hình để lượng hóa và tiến hành so sánh, ít nhất là dùng để bổ trợ, làm luận chứng.
"Nhìn chung luận án này hoàn toàn có thể xem xét ứng dụng toán thống kê, hoặc ít nhất cũng là một số thống kê đơn giản để rút ra một loạt các kết luận thú vị nhưng cả người hướng dẫn lẫn nghiên cứu sinh đã không làm điều đó".
Với cách tiếp cận liên ngành, tác giả cũng mới chỉ nói (mà không thực hiện được) hay chưa dẫn được các nguyên lý (lý thuyết, tiêu chuẩn) của các lĩnh vực khác để đánh giá vấn đề mình đang nghiên cứu. Chẳng hạn như sử dụng lý thuyết tâm lý học để đánh giá xu thế của độc giả, quan điểm tôn giáo để xem xét, văn hóa vùng miền ảnh hưởng thế nào....
Do không có cách nào lượng hóa được thông tin, không gom chúng lại được và không đưa được chúng thành các quy luật ngắn gọn hơn... cho nên tất yếu, kết luận của luận án được trình bày dàn trải và chung chung, kể lể dài dòng và buộc phải nêu đi nêu lại những "đặc điểm" được coi là quan trọng mà tác giả phát hiện ra trong quá trình khảo cứu, và chỉ đơn giản như thế.
Tuy nhiên, ông Ninh cũng khẳng định, có thể chất lượng của luận án này còn có chỗ phải bàn lại hoặc cần chỉnh sửa nhưng phải khẳng định rằng vấn đề nghiên cứu là rất cần thiết, có tính thời sự, tính thực tiễn chứ không phải "vớ vẩn".
Trước đó, thông tin về luận án tiến sĩ của NCS Bùi Quang Tiến trong một bức anh lan truyền trên mạng đã gây ra cuộc tranh cãi trái chiều trên các trang mạng xã hội. Nhiều người cho rằng, tên đề tài cho thấy luận án này không đủ tầm của một luận án tiến sĩ. Trong khi đó, một số người cho rằng đây là vấn đề đáng quan tâm và chất lượng luận án không nằm ở tên đề tài.
Trên trang thông tin chính thức của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, nơi ông Tiến bảo vệ luận án tiến sĩ, thì việc ông Tiến lựa chọn đề tài này là do thực tế sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, kỹ thuật in ấn và sự lấn át của các ngôn ngữ, chữ viết quốc tế khác nhau trong thị trường xuất bản Việt Nam cũng như việc đòi hỏi phải nâng cao năng lực cạnh tranh để trước mắt tránh hậu quả mất thị phần ngay ở sân chơi trong nước; hướng tới xuất khẩu sách nhằm giới thiệu quảng bá nền văn hóa, văn học cùng các giá trị thẩm mỹ đặc sắc của Việt Nam ra thế giới là một vấn đề cấp thiết. Mục đích nghiên cứu của luận án nhằm làm rõ đặc điểm nhận diện của nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách giai đoạn 2005 – 2015 ở Việt Nam; phân tích, so sánh những biến đổi nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách giai đoạn này dưới tác động của kỹ thuật công nghệ so với các thời kỳ trước. Luận án đã vận dụng phương pháp nghệ thuật học có tính liên ngành. Trong đó các phương pháp tiếp cận như: văn hóa, lịch sử, mỹ thuật, nghiên cứu trường hợp,…là những phương pháp mới giúp cho vấn đề nghiên cứu có cái nhìn toàn diện và tổng hợp, khác với các hướng nghiên cứu trước đây đa phần chỉ tiếp cận vấn đề dưới góc độ mỹ thuật. Luận án đã chứng minh và đưa ra được đặc điểm nhận diện của nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách giai đoạn 2005 – 2015 nói chung và các tác phẩm đoạt giải Sách đẹp, Bìa đẹp nói riêng. So với giai đoạn trước, tác động của kỹ thuật công nghệ và phần mềm thiết kế đồ họa được thể hiện rõ trong phong cách và hình thức diễn đạt thẩm mỹ. Bên cạnh đó, luận án đã chỉ ra và chứng minh ảnh hưởng của các yếu tố xã hội mới nảy sinh như: sự góp mặt của các ấn phẩm đến từ nước ngoài vào thị trường xuất bản Việt Nam; phân hóa trong thưởng thức thẩm mỹ của xã hội; việc gia nhập lĩnh vực thiết kế minh họa sách của lực lượng lao động không qua đào tạo bài bản, sức ép của dư luận; sự xã hội hóa văn hóa liên quan đến lĩnh vực xuất bản…có tác động mạnh mẽ đến diện mạo, xu hướng, chất lượng của nghệ thuật chữ trên thiết kế bìa sách cũng như các đơn vị xuất bản, họa sỹ thiết kế trong thời kỳ “mở cửa”. Việc tìm ra các yếu tố xã hội mới nảy sinh và tác động của nó sẽ giúp các đề xuất của tác giả tăng tính khả thi, góp phần nâng cao chất lượng nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của luận án có giá trị gợi ý, làm cơ sở so sánh cho những nghiên cứu tương tự về chữ ở các thể loại đồ họa khác; làm phong phú thêm nguồn thông tin tư liệu dùng để tham khảo, phục vụ cho việc nghiên cứu, biên soạn giáo án, bài giảng, chuyên đề của các cơ sở đào tạo có ngành thiết kế minh họa sách. Ngoài phần Mở đầu (15 trang), Kết luận (05 trang), Tài liệu tham khảo (10 trang), Phụ lục và hình ảnh minh họa (75 trang), nội dung luận án gồm 3 chương: Chương 1: Cơ sở lý luận và những vấn đề chung của Nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách (32 trang) Chương 2: Nhận diện Nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách giai đoạn 2005 – 2015 (39 trang) Chương 3: Những bàn luận rút ra từ kết quả nghiên cứu (32 trang) |
Nói về việc đánh giá một luận án trong lĩnh vực KHXH và Nhân văn, lãnh đạo một viên cứu đào tạo về văn hóa, nghệ thuật cho rằng một luận án có giá trị phải có tính lý thuyết, đó có thể là một quan điểm, một hệ thống lý luận mà nhà khoa học tiếp được từ thành tựu lý luận trước hoặc tự xây dựng hệ thống lý luận riêng nhưng nó khác với bài báo bình thường và càng không phải báo cáo công tác. Bên cạnh đó, một luận án phải đảm bảo các điểm nghiên cứu phải mới. Có thể mới trong đề tài và cũng có thể mới trong phương pháp nghiên cứu. Bên cạnh đó, tác giả cũng cần phải có tư liệu mới thông qua khảo sát, điền dã của chính tác giả. Một luận án không thể cóp nhặt từ 5 cuốn sách để trở thành cuốn sách thứ 6 được. Từ lý thuyết và tư liệu mới thì tác giả phải nêu được những kết quả về mặt lý thuyết và thực tiễn là gì. Tuy nhiên, vị này cho rằng, để đánh giá một luận án tiến sĩ có giá trị khoa học hay ý nghĩa thực tiễn hay không thì cần những hội đồng chuyên môn đánh giá. Chính vì vậy, người ta mới cần những người có chuyên môn trong hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ. Hội đồng dởm, không đúng chuyên ngành sẽ không thể đánh giá chính xác được. Còn tiến sĩ Nguyễn Kiều Dung cho rằng, Khoa học nhân văn thì có nghĩa là rất khác với khoa học xã hội, và càng khác với khoa học tự nhiên. Ngoài giá trị về mặt học thuật, thì luận văn khoa học xã hội nhân văn còn có ý nghĩa với đại chúng nữa. Người ta hoàn toàn có thể trích dẫn vài đoạn trong đó ra cho công chúng đọc để nâng cao hiểu biết hoặc có tính giải trí. "Lấy ví dụ trong các luận văn thế này thường có phần tổng quan về nghệ thuật chữ trên bìa sách trong lịch sử. Đấy là phần mà cắt ra vài đoạn đăng báo phổ thông thì có vô số công chúng say mê đọc" - bà Dung nói. |
Lê Văn