Một ngày cuối năm 2020, chúng tôi liên hệ một khách sạn 3 sao ở khu vực trung tâm quận 1, TP HCM, nơi đang cách ly khách nhập cảnh có trả phí (khoảng 90% khách nhập cảnh là người nước ngoài đến TP làm việc).

Những chuyện chưa từng làm

Bảo vệ khách sạn dẫn chúng tôi đi một "luồng sạch" - lối đi an toàn theo yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19, để gặp lãnh đạo khách sạn. Vì theo quy định, lãnh đạo khách sạn làm việc thường trực ở đây cũng phải tuân thủ quy định cách ly, không được đi ra ngoài trong quy trình 14 ngày.

Ông Võ Minh Trung - Tổng Quản lý khách sạn Riverside, Phó trưởng ban, Ban điều hành Khu cách ly y tế tập trung tại Khách sạn Riverside - cho biết những ngày này công suất tại khách sạn tăng đột biến do nhu cầu đón khách cách ly nhập cảnh tăng cao.

Thời điểm tiếp chúng tôi, khách sạn chuẩn bị đón một đoàn ngoại giao từ nước ngoài đến, cách ly đủ 14 ngày trước khi bắt đầu chuyến công tác, nên từ ban lãnh đạo đến nhân viên khách sạn đều tất bật.

{keywords}
Khu vực tiếp nhận khách tại sảnh khách sạn

Để làm điểm cách ly có trả phí cho người nhập cảnh, các khách sạn trên địa bàn TP HCM phải đáp ứng đầy đủ quy định về phòng chống dịch Covid-19, được UBND TP phê duyệt, dựa trên đề xuất và thẩm định của Sở Y tế, Sở Du lịch và các cơ quan liên quan.

Các khách sạn này sẽ phục vụ cán bộ ngoại giao, nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp (gọi tắt là chuyên gia) nhập cảnh Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất để làm việc tại TP có nguyện vọng cách ly tại điểm có trả phí.

"Chúng tôi có một danh sách những việc chưa từng làm, kể từ khi kinh doanh khách sạn. Một bộ quy trình dài 21 trang quy định chi tiết, tất cả từ việc đón, phục vụ, giám sát, theo dõi khách cách ly y tế có trả phí và quy trình vận hành phục vụ khách cách ly tại khách sạn, tránh tình huống xấu nhất là nhân viên khách sạn lây nhiễm từ khách và dương tính với virus SARS-CoV-2" - ông Võ Minh Trung kể.

Vốn là dịch vụ du lịch và phải phục vụ "thượng đế", nhưng với khách sạn đón người nhập cảnh có trả phí, vai trò này có sự thay đổi đáng kể. Nhằm đáp ứng yêu cầu cao nhất là phòng chống dịch Covid-19, toàn bộ khách sạn cách ly phải trang bị camera các tầng, khu vực cần quan sát như mặt tiền sảnh tiếp nhận, khu vực lấy mẫu, hành lang các tầng, lối đi về phòng cách ly, thang bộ, thang máy.

Mỗi ngày, khách sạn phải cử nhân viên theo dõi camera xem có gì bất thường từ các phòng cách ly, từ khách; ban lãnh đạo khách sạn cũng phải xem lại tất cả camera, kể cả khâu xử lý rác thải; theo dõi cả thời điểm khách dễ "nổi nóng, nhạy cảm" khi tâm lý khách thay đổi, muốn ra ngoài...

Ca dương tính và chuyện dở khóc dở cười

Bắt đầu đón khách từ đầu tháng 10-2020, công suất tại khách sạn Riverside tăng dần, đem lại doanh thu để duy trì, nhân viên không phải nghỉ việc, không bị giảm thu nhập...

Ông Võ Minh Trung nhớ lại, 2 vật dụng không bao giờ khách tới ở khách sạn đụng vào, nay phải tự phục vụ là chổi và đồ hốt rác, vì mọi thứ trong phòng của khách từ cửa trở vào là khách tự phục vụ.

Thời điểm căng thẳng nhất là giai đoạn chờ đợt kết quả xét nghiệm của khách sau khi vừa đáp xuống từ máy bay. Cụ thể, những chuyến bay giải cứu thường khách đông và không được xét nghiệm trước khi lên máy bay. Do đó, trong thời gian sau khi xuống sân bay, về khách sạn chờ lấy mẫu, có kết quả xét nghiệm là "căng" nhất.

{keywords}
Camera theo dõi khắp các khu vực trong khách sạn

"Tổng cộng có 11 quy trình làm khung để khách sạn xử lý trong trường hợp phát hiện ca dương tính. May mắn lớn nhất là dù khách sạn từng đón khách và phát hiện 4 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nhưng tất cả nhân viên đều an toàn, nhờ tuân thủ đúng quy trình phòng chống dịch" - anh Võ Minh Trung nói.

Kể về những trường hợp khách cách ly đáng nhớ nhất, Phó giám đốc khách sạn 3 sao này chia sẻ, một khách người Mỹ rất thích ăn đồ Việt, thường đặt mua trái cây, cam, xoài rồi cả thơm, dưa hấu, nhưng trái cây nguyên vỏ khách không biết gọt, muốn nhờ khách sạn gọt dùm. Nguyên tắc khách đã đụng vào thì phải bỏ, còn xịt khuẩn vào thì trái cây hư không ăn được. Vậy là khách sạn linh động đi mua cho khách trái cây khác rồi gọt giúp.

Hay có vị khách đang cách ly bỗng dưng đi ra hành lang, đòi tập golf, bảo vệ xem camera phát hiện liền mời vô phòng, rồi phải lấy xịt khuẩn xịt từng bước chân của khách...

"Đây chính là một trong 4 vị khách dương tính với dịch bệnh của khách sạn" – lãnh đạo khách sạn này kể.

Một vị khách khác là người Hàn Quốc, làm bác sỹ thẩm mỹ qua Việt Nam công tác, là chuyên gia nên theo quy định chỉ cần xin giấy phép đi làm việc, xét nghiệm ở nước sở tại rồi qua Việt Nam cách ly 6 ngày. Nhưng vị bác sỹ này lại đi nhầm trên chuyến bay giải cứu.

"Vậy là phải cách ly đủ 14 ngày. Trong thời gian đó, vợ bác sỹ này là người Việt, ngày nào cũng gọi đến khách sạn than phiền về việc tại sao chồng chị phải cách ly đủ 14 ngày. Làm sao để chồng chị được về sớm, rồi nói khách sạn bắt đền, bồi thường hợp đồng giữ chồng chị ở lâu hơn và chúng tôi phải cố gắng thuyết phục" - anh Võ Minh Trung bộc bạch.

Toàn TP.HCM có khoảng 32 khách sạn cách ly có thu phí đang hoạt động với công suất khoảng 2.500 phòng. Việc tham gia đón khách cách ly có trả phí đóng góp vào quá trình phòng chống dịch Covid-19 của TP.HCM nói riêng và cả nước, khi phục vụ những người có nhu cầu cách ly trả phí. Thời điểm đầu đã có những nghi ngại khi một số khách sạn nằm ở khu vực trung tâm, nguy cơ lây nhiễm cho nhà dân xung quanh.

Nhưng đến nay, giải pháp này lại được đánh giá góp phần giúp ngành y tế kiểm soát tốt dịch Covid-19, ở một phân khúc nhất định là đón khách nhập cảnh.

(Theo NLĐ)