Nghĩa trang "Đường về cõi tịnh"
Là giám đốc một công ty xăng dầu với nhiều điểm kinh doanh trải khắp tỉnh Thừa Thiên Huế, anh Nguyễn Xuân Hiệp (SN 1979, trú phường An Đông, TP Huế) vẫn luôn cho rằng, cuộc đời của mình chưa bao giờ là “đủ”.
Tiếp xúc nhiều với anh, chúng tôi mới hiểu hết được “sự thiếu thốn” của con người này.
Khuôn viên nghĩa trang thai nhi “Đường về cõi tịnh”. |
Nguyễn Xuân Hiệp không phải là cái tên xa lạ với người dân xứ Huế. Hiệp “Bồ Tát” là biệt danh trân trọng của họ khi nói về anh, người đã sử dụng mạng xã hội để kêu gọi hàng tỷ đồng mỗi năm, giúp người nghèo mua quan tài, lo chi phí mai táng.
“Làm thiện nguyện là phát tâm để giúp đỡ những hoàn cảnh khốn khó. Nó có thể là hành động để nâng đỡ những người còn sống nhưng cũng là tấm lòng để tưởng nhớ những người đã khuất.
Làm tốt điều này, tôi mới cho đó là “đủ”. Chỉ thiếu một trong hai thôi cũng khiến con người mình có cảm giác thiếu thốn”, anh Hiệp tâm sự.
Nghĩa trang "Đường về cõi tịnh" được xây dựng từ tâm nguyện của anh Hiệp. |
Anh Hiệp kể, khoảng 3 năm về trước, anh và nhóm thiện nguyện “Những tấm lòng hảo tâm Facebook” được biết nhiều trường hợp thai nhi với nhiều lý do khác nhau, khi chưa kịp chào đời đã mất và không có nơi chôn cất đàng hoàng.
Những hoàn cảnh này khiến anh Hiệp đau đáu trong lòng, anh quyết định phải xây dựng một “ngôi nhà chung” cho các bào thai bất hạnh.
“Tôi đem tâm nguyện của mình bàn với gia đình và các bạn trong nhóm thiện nguyện, ai cũng đồng lòng, ủng hộ”, anh Hiệp chia sẻ.
Mỗi tháng 2 lần, anh Hiệp và các nhà hảo tâm lại lên nghĩa trang thắp hương. |
Để biến tâm nguyện thành hiện thực, anh bỏ hơn 100 triệu đồng, cùng với sự góp sức của các nhà hảo tâm, nhóm thiện nguyện do anh Hiệp khởi xướng mua mảnh đất rộng hơn 300m2 trên đường Võ Văn Kiệt (phường An Tây, TP Huế) và bắt tay vào xây dựng nghĩa trang thai nhi.
Giữa năm 2018, sau nhiều tháng xây dựng, nghĩa trang “Đường về cõi tịnh” được hoàn thành, đưa vào sử dụng với tổng kính phí hơn 700 triệu đồng.
Góc khuất nhói lòng
Mới đưa vào sử dụng gần 3 năm, nghĩa trang đã quy tập hơn 500 mộ phần của các thai nhi xấu số. Trong đó, hơn một nửa số thai nhi do chính tay anh Hiệp cùng những người bạn từ thiện trực tiếp chôn cất.
Khu nghĩa trang được chăm sóc chu đáo. |
Khác với hình ảnh sôi nổi thường thấy của một vị giám đốc trẻ khi hoạt động thiện nguyện, nét mặt Hiệp “Bồ Tát” có chút trầm lắng khi thổ lộ về những hoạt động của anh và nhóm bạn tại nghĩa trang thai nhi.
Theo anh Hiệp, việc xây dựng nghĩa trang miễn phí để đón nhận hài nhi bất hạnh xuất phát từ tâm nguyện giúp cho các sinh linh có mái nhà chung ấm cúng, người thân của họ an tâm nhưng xen lẫn trong đó, anh cũng cảm thấy có những nỗi xót xa.
Mỗi lần tiếp nhận thai nhi tử vong, anh Hiệp cùng nhóm thiện nguyện tự mua đồ làm lễ an táng. |
“Tôi đã từng chứng kiến hàng chục thai nhi bị lưu (tử vong trước khi chào đời - PV) được đưa đến nghĩa trang “Đường về cõi tịnh” để chôn cất. Những trường hợp có người thân đưa đến thì không nói, nhưng có nhiều trường hợp, họ để các cháu trước cổng nghĩa trang rồi bỏ đi, nhìn rất tội nghiệp. Khi phát hiện sự việc và tự tay chôn cất các cháu, chúng tôi cảm thấy rất đau xót”, anh Hiệp chia sẻ.
Theo thống kê của người đàn ông này, trong số hơn 500 mộ phần tại nghĩa trang, có khoảng 200 ngôi mộ là thân nhân của những người có hoàn cảnh nghèo hoặc một số phụ nữ trẻ, chưa có gia đình, gặp chuyện bất hạnh.
Mỗi lần tiếp nhận các thai nhi xấu số, anh Hiệp và nhóm bạn thiện nguyện tự bỏ tiền túi, mua dụng cụ và đồ lễ rồi tự an táng cho các cháu cẩn thận. Hàng tháng, vào dịp giữa và đầu tháng (âm lịch), anh Hiệp thường cùng các nhà hảo tâm khác tổ chức dọn dẹp, vệ sinh cũng như cúng bái theo tập tục địa phương cho các mộ phần.
Quang Thành
Vị doanh nhân của những cảnh đời ‘chết không có quan tài’
Mỗi lần nhận thông tin có người nghèo tử vong, anh Hiệp cùng nhóm bạn lại kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền để mua quan tài và giúp họ lo chi phí mai táng.
Những đứa trẻ bị bỏ rơi, làm con nuôi ở trời Tây khao khát tìm mẹ
Bị bỏ rơi khi còn nhỏ và được các cặp vợ chồng phương Tây nhận nuôi, những người phụ nữ này đang đi tìm câu trả lời cho nguồn gốc của mình ở Hồng Kông.