70 năm trôi qua, những nhân chứng đã ngoài 90 cùng nhau nhớ lại trận đánh Mường Láp thành công vang dội, là một trong những viên gạch đầu tiên xây nhịp cầu tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt-Lào.

Nhận thức được tầm quan trọng vị trí chiến lược của Miền Tây và mưu đồ “Chiếm miền cao khống chế miền xuôi, chia rẽ dân tộc để dễ bề thống trị dân ta” ngay sau ngày 02/9/1945, Trung ương và Bác Hồ đã cử các đơn vị quân đội tiên lên miền Tây Bắc sát cánh cùng cán bộ nhân dân địa phương dành và giữ chính quyền, sẵn sàng chặn địch từ Trung Quốc tràn xuống và từ Lào sang. Một trong những đoàn quân đó là đơn vị “Võ trang trinh sát miền Tây” (tiền thân của trung đoàn 52-Tây Tiến) do đồng chí Lê Hiến Mai đại diện chính phủ và đội trưởng Anh Đệ, đội phó Tuấn Sơn, chính trị viên Lam Ngọc hành quân từ Hà Nội lên Mộc Châu vượt cửa khẩu Pa Háng tiến về Sầm Nưa thủ phủ tỉnh Hủa Phăn-Lào. Ở đây quân đội Nhân dân Việt nam được sự giúp đỡ của lực lượng yêu nước Lào đã tập kích quân Pháp tại Mường Láp, trận đánh Mường Láp thành công vang dội, như một dấu son ghi trong lịch sử quân sự hai nước Lào Việt, là một trong những viên gạch đầu tiên xây nhịp cầu tình hữu nghị đặc biệt mà hai Đảng, hai nhà nước dày công vun đắp.

{keywords}

 

70 năm đã trôi qua, những người tham gia trận đánh đều đã hơn 90 tuổi sức khỏe có phần suy giảm nhưng trí nhớ vẫn còn minh mẫn. Tôi có may mắn gặp những nhân chứng tham gia sự kiện này.

Đó là hai cụ việt kiều Nguyễn Văn Khuông 94 tuổi và cụ Nguyễn Văn Uyển 92 tuổi.

Cụ Khuông kể: “Hai chúng tôi cùng quê ở huyện Ý Yên, Nam Định từ nhỏ đã theo gia đình sang Sầm Nưa kiếm sống. Cuối tháng 8/1945 thực dân Pháp từ Lai Châu, Sơn La kéo về tái chiếm Sầm Nưa số quân 60 tên lính lê dương do một tên đội người Pháp, một tên cai người Việt và mấy lính người Lào. Để tiếp tế cho đơn vị này ngày nào cũng có máy bay quân Pháp đến thả dù tiếp tế quân trang quân dụng ở bãi đầu bản Na Viềng. Sầm Nưa có khoảng gần hai trăm người Việt, trăm Hoa Kiều và dân Lào sinh sống. Ông Nguyễn Hữu Hanh là giáo viên và ông Bùi Ngọc Tuệ làm ký nhà thương Sầm Nưa giác ngộ cách mạng cho người Việt, lập hội Ái hữu bảo vệ quyền lợi Việt Kiều, và đội thanh niên Hướng đạo tập hợp thanh thiếu niên Việt kiều luyện tập thể thao, đá bóng, tập bắn súng và được nghe nói chuyện về đánh Tây đuổi Nhật, thanh niên chúng tôi rất thích.

Mấy ngày trung tuần tháng 9/1945 thấy trong đồn Pháp có hiện tượng quân Pháp rục rịch chuẩn bi di chuyển, chúng huy động dân bản và ngựa thồ để thồ hàng chuẩn bị rút chạy, hóa ra quân Pháp nghe tin “Có một đoàn quân Việt Minh đang hành quân sang Sầm Nưa, quân đông vũ khí mạnh ai cũng đeo khẩu súng to bằng bắp chân” (Sau này gặp bộ độ ta mới biết “súng” to là ống nứa đựng muối!) . Ngày 17/10 ông Hanh bàn với ông Tuệ cử tôi và anh Trần Văn Kính đạp xe đón bộ đội. Đường xá cheo leo, dốc núi cao, vực sâu nhưng chúng tôi hồi đó mới hơn hai mươi tuổi không ngại gian khó, có chỗ vác xe lên vai trèo lên dốc cao mà đi hăng hái lắm. Hai anh em đến Mường Pua cách Sầm Nưa khoảng 40 km thì gặp bộ đội ta, liền được Thượng Cấp tiếp, tôi đưa thư và bản đồ Sầm Nưa. Thủ trưởng Lê Hiến Mai, đặc phái viên của Chính phủ đọc thư, xem bản đồ phấn khởi lắm, ông bắt tay và ôm chặt hai chúng tôi và nói “Tôi thay mặt đơn vị biểu dương hai đồng chí, các đồng chí đi đã mệt, hãy đi nghỉ”.

Chúng tôi rất xúc động vì lần đầu tiên được gọi bằng hai từ ”đồng chí” tuy chưa biết ý nghĩa ra sao nhưng thấy rất thiêng liêng, bao nhiêu mệt mỏi tan biến. Thế là chúng tôi dẫn đơn vị hành quân lội suối dầm sương đến Sầm Nưa lúc 4 giờ sáng ngày 18/10/1945. Quân Pháp đã bỏ chạy khỏi Sầm Nưa về phía Xiêng Khoảng từ hôm trước. Lực lượng thanh niên Việt kiều biết trước nên huy động nhà nhà mở tung cửa, thắp đèn sáng khắp phố. Thấy bộ đội rét quá bà con tức tốc mang củi đến đốt lên sưởi. Bà Vũ Thị Răn, một thương gia giầu có ở Sầm Nưa đã mang cả kiện chăn màn, kiện quần áo cho bộ đội thay tạm. Các mẹ các chị tập trung nấu ăn.

Hôm sau được tin báo quân Pháp rút chạy đang tập kết ở Mường Láp (thuộc châu Hủa Mường) cách Sầm Nưa hơn 40km, bộ chỉ huy đã phân công đồng chí Tuấn Sơn và đồng chí Tâm cấp tốc dẫn đơn vị truy kích địch, ông Nguyễn Hữu Hanh đã vận động ông Dương Công Cầu - một người trước đây nấu ăn cho quan ba Pháp, nói được tiếng Pháp và thông thạo đường đi lối lại địa bàn tỉnh tình nguyện dẫn đường cho bộ đội”.

Cụ Nguyễn Văn Uyển “Tôi thành thạo tiếng Lào, tiếng Mèo (H’Mông, tiếng Khạ (Kh’Mú) nên được giao làm phiên dịch cho đồng chí Tuấn Sơn. Được tham gia trận đánh đầu tiên trong đời tôi rất hồi hộp, là phiên dịch tôi luôn chạy sát cạnh anh Tuấn Sơn. Đơn vị hành quân cấp tốc đến khoảng 7 giờ tối ngày 20/10/1945 tới bản Mường Láp. Hôm ấy là ngày rằm tháng chín nhưng trời tối vì sương mù. Bản không rộng lắm, hai bên là đồi dốc, dân thưa thớt nhưng số người phu và ngựa thồ khá đông, Một ngôi nhà sàn gỗ rất to, xung quanh có cổng rào, trên nhà có quân Pháp tập trung con gái của bản múa Xòe và ăn uống nhậu nhẹt hò hát ầm ĩ trong ánh lửa bập bùng. Quân ta lặng lẽ áp sát, bộ phận xung kích ném một quả lựu đạn (Nhưng lựu đạn không nổ!) tên lính Pháp gác ở chân cầu thang hoảng quá nổ một phát súng, quân ta bắn tiêu diệt ngay, và đồng loạt hô “Xung phong” rất to bằng cả tiếng dân tộc Mèo, Thái, Khạ, tiếng Việt và tiếng Pháp. Bọn Pháp trong nhà sàn bất ngờ quáng quàng mạnh ai nấy lao vào rừng rồi cắm cổ chạy về phía Hủa Mường. Trong nhà sàn mấy cô gái Thái múa xòe run như dẽ tay vái lia lịa. Anh Tuấn Sơn hô to “Đốt đuốc lên, tìm ngoài rừng” tôi nghe một anh lính ngăn “Ta đốt đuốc để làm bia cho nó bắn à. Nó ở bóng tối cơ mà” .

Thế là quân ta cứ truy kích trong bóng đêm vài cây số thấy bọn địch đã cao chạy xa bay. Quân ta và nhân dân tuyệt đối an toàn, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng điện đài thuốc men, tài liệu, lương thực. Các anh bộ đội thấy vũ khí thu được cứ vui như tết, đặc biệt có khẩu Bren-no “đầu bạc” rất hiện đại quân Pháp vừa thả dù xuống Sầm Nưa. Chiến lợi phẩm là một kho báu trang bị cho lực lượng cách mạng Lào và đơn vị bộ đội ngày ấy.

Sau trận đánh, bộ đội đốt lửa đi thăm hỏi bà con người Lào bị bắt làm phu thồ hàng cho Pháp, thấy có hai anh Vứ A Sủa và Vứ A Dính bị sốt, anh Tuấn Sơn báo y tá đến khám rồi tiêm và cho thuốc. Tập hợp bà con lại anh Tuấn Sơn phát biểu, tôi phiên dịch đại ý “Bọn Pháp đã trở lại đàn áp, bóc lột bà con. Nay bộ đội Việt Minh cùng Lực lượng cách mạng Lào lên đây giải phóng, từ nay bà con không bị áp bức nữa, bà con cứ nghỉ ngơi, sáng mai ai muốn về gia đình thì về, ai có sức khỏe thì cùng bộ đội thồ số chiến lợi phẩm này về Sầm Nưa phục vụ cách mạng”. Bà con nhất trí cùng bộ đội thồ chiến lợi phẩm về Sầm Nưa”.

Ngày 23/10/1945 đoàn binh chiến thắng cùng dân công và hơn trăm ngựa thồ chiến lợi phẩm kéo dài cả hàng km tiến về thị xã Sầm Nưa. Nhân dân Sầm Nưa đã xếp hàng chào đón đoàn quân chiến thắng trở về. Mỗi người dân đi thồ hàng trở về bản với món quà là cân muối – một món quà rất quý ở Sầm Nưa. Uy tín của bộ đội Việt Minh vang lừng cả tỉnh Hủa Phăn”.

Cụ Khuông trầm tư kể “Tôi ở nhà làm phiên dịch cho cố vấn Lê Hiến Mai cùng ông Hanh làm việc với phó tỉnh trưởng Khăm Phăn Bun Lỏm và các vị trong tỉnh Hủa Phăn chuẩn bị nhân sự cho chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh. Cuộc họp được hai bên nhất trí cao. 10 giờ ngày 24/10/1945 toàn thể nhân dân Lào, Việt Kiều, Hoa kiều cà nghìn người dự mít-tinh chào mừng chiến thắng và công bố Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Hủa Phăn do ông Khăm Phăn Bun Lỏm phó tỉnh trưởng làm chủ tịch.

{keywords}

Cụ Khuông (bên trái) và cụ Uyển với chiếc nồi đồng gia bảo

 

Cụ Uyển kể về kỷ vật “Cái nồi đồng cỡ 20 vào loại to nhất Sầm Nưa thời đó, nó được mẹ tôi dùng làm bún, tráng bánh cuốn góp phần nuôi sống cả nhà. Những ngày tháng đơn vị “Võ trang trinh sát miền Tây” (tiền thân của trung đoàn 52-Tây Tiến) hoạt động ở Sầm Nưa được mẹ tôi dùng nấu ăn phục vụ bộ đội. Nó là của “gia bảo” của gia đình tôi”.

Nguyễn Phú Cương

 

Phú Cương