Chuyến xe sum vầy

Đêm qua, ngồi trên giường tầng tại Ký túc xá ĐH Quốc gia TP. HCM, mở điện thoại xem ảnh gia đình Nhàn vui sướng nghĩ tới khoảnh khắc gặp lại mẹ cha sau nhiều tháng xa cách.

Một giờ sáng mới có thể chợp mắt, 4h30 Nhàn thức dậy, lục tục kéo va ly ra bến xe buýt ở TP Thủ Đức lên quận 1.

Đến Nhà văn hóa Thanh niên TP. HCM đúng 5h30 phút, trời còn tờ mờ, Nhàn đã thấy mọi người đã có mặt đông đủ. Đường về nhà của cô sinh viên năm hai gần thêm một chút.

Háo hức hành trình trở về trên “Chuyến xe mùa xuân – Tết sum vầy”. Ảnh: Gia Mỹ

Con gái một thân một mình từ Quảng Trị vào TP. HCM học tập, ba mẹ Nhàn lo lắm nhưng không dám vào thăm vì công việc đồng áng thu nhập chẳng được bao nhiêu, phải chắt chiu mới đủ.

Sau giờ học, Nhàn nhận vài lớp gia sư, kiếm tiền trang trải sinh hoạt phí, đỡ đần mẹ cha. Năm đầu tiên vào thành phố, biết tiền xe dịp tết sẽ cao, mấy tháng trước Nhàn đã nhận thêm lớp, tiết kiệm chi tiêu, dành tiền mua vé.

"Hay tin mình được nhận vé “0 đồng”, em vui lắm. Tiết kiệm được một khoản, ra năm em dành vào việc học. Mấy nay mẹ em dặn dò đủ thứ xem khi nào xe chạy, tầm mấy giờ về, có bạn đi cùng không… Mẹ cứ hỏi suốt làm em càng thấy nôn nao.

Ba mẹ em đang vào mùa gieo, bận lắm. Em mong về sớm phụ một tay cho xong rồi cả nhà cùng nhau dọn dẹp đón tết”, Nhàn chia sẻ, ánh mắt lấp lánh niềm vui.

Những gương mặt lấp lánh niềm vui. Ảnh: Gia Mỹ

Cầm trên tay tấm vé Chuyến xe mùa xuân chuẩn bị về Quảng Bình, Phạm Văn Hưng (sinh viên Trường ĐH Sài Gòn) thấy lòng rưng rưng.

Năm nay, Hưng được về nhà, được quây quần bên ba mẹ và hai đứa em chứ không còn thui thủi quay về phòng trọ sau giờ làm thêm xuyên tết.

Năm ngoái, thấy ba mẹ khó khăn quá, dịp tết, Hưng chủ động ở lại TP. HCM làm thêm kiếm tiền xoay xở tiền học, tiền trọ. Hưng kể lại: “Năm ngoái em làm thêm dịp tết tại một quán bún đậu mắm tôm, ngày được gần 300 ngàn đồng, cố gắng cũng kiếm thêm khoản đóng tiền học.

Đêm giao thừa nhớ nhà, nhớ giọng ba mẹ và các em, thấy tết Sài Gòn sao buồn quá. Năm nay ban đầu em cũng tính ở lại vì ba mẹ khó khăn quá, mở miệng xin tiền cũng xót. May mắn thấy thông tin chương trình trên mạng xã hội nên đăng ký và được tặng vé. Từ ngày biết tin, em háo hức, mất ngủ mấy đêm liền”.

Bước lên xe, nhìn tấm vé trên tay, Hưng hít một hơi thật sâu, nhắm mắt, nghĩ về mái nhà thân thương. Ba gọi hỏi “Xe sắp chạy chưa?”. Hưng vừa dạ, vừa gật đầu, bỗng thấy mắt cay cay.

Để xuân thêm ý nghĩa

Được về nhà đón tết, được quây quần bên mâm cơm ngày cuối năm, với những người con xa quê là niềm hạnh phúc đong đầy. Thế nhưng, đâu phải ai cũng đủ may mắn để năm nào cũng trở về.

Vừa nhắc đến tết, Như Linh, cô sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nghẹn ngào. Hai năm rồi, Linh đón xuân một mình tại TP. HCM vì gia đình quá khó khăn.

Tranh thủ trò chuyện trước giờ lên xe. Ảnh: Gia Mỹ

Em tận dụng thời gian đi làm thêm xoay xở tiền học, giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Nhiều lúc nhớ nhà nhưng em không dám gọi than, sợ ba mẹ lo.

Năm nay, nhận được tấm vé về quê miễn phí, Linh đã khóc. Nhưng lần này, nước mắt rơi chẳng phải vì tủi thân mà vì hạnh phúc.

Linh, Hưng và Nhàn là ba trong số hơn 2.000 sinh viên, người lao động khó khăn tại TP. HCM được về quê trên “Chuyến xe mùa xuân – Tết sum vầy 2023”. Xe sẽ đưa sinh viên từ thành phố về các tỉnh miền Trung.

Đặc biệt, chương trình năm nay có mở rộng hỗ trợ vé xe tết cho người lao động khó khăn chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19. “Chuyến xe mùa xuân” là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động chăm lo tết cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại các trường trên địa bàn thành phố.

Chương trình do Thành đoàn, Hội sinh viên, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên của TP. HCM cùng các đơn vị phối hợp tổ chức.

Theo ông Lê Xuân Dũng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP. HCM, thành viên ban tổ chức, năm 2022 và đầu năm 2023, mặc dù tình hình kinh tế rất khó khăn nhưng may mắn là nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân vẫn đồng hành để tạo nên những hành trình mùa xuân ấm áp, giúp sinh viên và người lao động có được cái tết sum vầy.

Gia Mỹ