- Cất giữ 375 kg vàng trong kho 2 nhà máy Bồng Miêu và Phước Sơn thuộc Tập đoàn Besra Việt Nam, song, đại gia khai thác vàng lớn nhất nước này vẫn chây ì không chịu nộp 400 tỷ tiền thuế, phí các loại.

Suốt gần 3 năm qua, chính quyền tỉnh Quảng Nam và các cơ quan chức năng đau đầu chuyện 2 công ty khai thác vàng lớn nhất nước là Bồng Miêu và Phước Sơn chây ì không chịu nộp các khoản phí và thuế, mặc dù chính quyền địa phương và cơ quan chức năng Quảng Nam đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định.

Bất lực trước sự chây ì này, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều văn bản gửi cơ quan chức năng kiến nghị xử lý.

Kết quả kiểm tra Bộ Tài chính cho thấy, từ tháng 5/2012 đến nay, hai công ty khai thác vàng Bồng Miêu và Phước Sơn kê khai nhưng không nộp đầy đủ số thuế đã kê khai, dẫn đến số tiền thuế, phí chậm nộp kéo dài đến nay là 400 tỷ đồng.

{keywords}

{keywords}

Luyện vàng thành phẩm tại nhà máy khai thác vàng Bồng Miêu

Trong một báo cáo gửi các cơ quan chức năng Quảng Nam, 2 nhà máy đã khai thác và xuất khẩu ra nước ngoài hơn 7 tấn vàng thành phẩm, trong vòng 10 năm.

Chính ông Ngô Bốn, Cục trưởng Cục thuế Quảng Nam, trong một lần trao đổi với PV. VietNamNet, thừa nhận, từ thời ông còn làm Phó giám đốc Sở tài chính rồi chuyển sang lĩnh vực thuế đã không thể giám sát được lượng vàng mà 2 công ty Bông Miêu và Phước Sơn đào được.

Để tính thuế, Cục thuế Quảng Nam chỉ căn cứ trên hóa đơn xuất khẩu vàng ra nước ngoài. Điều đáng nói, công ty vàng Bồng Miêu còn được phép tiêu thụ vàng trong nước.

Chính vì vậy, mới đây, cơ quan thuế và công an tỉnh đã phát hiện Công ty vàng Bồng Miêu bán khống lượng vàng có giá trị hơn 110 tỷ đồng cho Công ty vàng Nghĩa Tín tại TP. Tam Kỳ. Vụ việc được cơ quan công an Quảng Nam thụ lý điều tra, hơn 5 tháng vẫn chưa có kết quả.

Nợ thuế kéo dài, Cục thuế Quảng Nam tiến hành cưỡng chế theo luật định. Tháng 10/2014, sau một thời gian đóng cửa, Nhà máy vàng Bồng Miêu hoạt động trở lại.

{keywords}

Một thỏi vàng thành phẩm tại mỏ vàng Phước Sơn

Trong khi Cục thuế Quảng Nam đang đề xuất thu hồi giấy phép, kê biên để cưỡng chế tài sản thì mới đây, Ngân hàng Nhà nước lại đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho hai nhà vàng này xuất khẩu 375 kg vàng ra nước ngoài.

Trước đề nghị bất ngờ trên, Cục thuế Quảng Nam kiên quyết đòi nợ đến cùng và đã có văn bản chính thức gửi Ngân hàng Nhà nước.

Không chỉ nợ thuế, hai công ty khai thác vàng này còn nợ các doanh nghiệp địa phương và người dân cung ứng dịch vụ nhiều năm qua, với số tiền lên đến hơn 600 tỷ đồng.

Cục thuế Quảng Nam cho biết tài sản của 2 công ty khai thác vàng là thiết bị máy móc trị giá khoảng 30 triệu USD. Tuy nhiên, số tài sản này đã thế chấp ở Ngân hàng Việt Á để vay số tiền hơn 10 triệu USD.

UBND tỉnh Quảng Nam đang tiến hành các biện pháp cần thiết để thu hồi số tiền nợ thuế trên, đồng thời yêu cầu 2 công ty tái cơ cấu để tiếp tục hoạt động trở lại, giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Ngay việc kiến nghị thu hồi giấy phép đầu tư, trong một văn bản trả lời Cục thuế tỉnh, Giám đốc Sở KH-ĐT Quảng Nam Lê Phước Hoài Bảo cho rằng, hiện Công ty TNHH Vàng Phước Sơn hoạt động theo Luật Đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy đăng ký kinh doanh. Công ty này chưa thực hiện việc cấp tách giấy chứng nhận đầu tư theo quy định mới nên việc thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp là chưa thực hiện được.

Vì vậy, việc thu hồi giấy phép đầu tư của 2 đại gia khai vàng này không hề đơn giản, cần có thời gian và thủ tục phức tạp.

Vũ Trung