Hàng trăm người dân ở một số tỉnh như Sơn La, Quảng Nam đã đổ xô đi mua xăng dự trữ sau khi giá mặt hàng này xuống mức dưới 12.000 đồng/lít, thấp nhất trong vòng 11 năm qua. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu xăng cục bộ ở một số điểm bán.

Bộ Công Thương cho rằng việc mua tích trữ xăng dầu tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn phòng cháy, chữa cháy, đe dọa tính mạng, tài sản của chính người tích trữ và cộng đồng dân cư.

Đồng thời, tập trung đông người có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm, lây lan dịch bệnh và không tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng về phòng chống Covid-19.

Hiểm họa khi tích trữ xăng dầu tại nhà

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở TP.HCM cho biết khi tính toán được giá xăng giảm mạnh, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu sẽ giảm nhập, đưa tồn kho về mức tối thiểu để hạn chế lỗ.

Chính điều này dẫn đến hiện tượng thiếu hàng cục bộ ở một số cây xăng tại thời điểm chuyển giá. Từ đó, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng rằng mặt hàng xăng đang khan hiếm.

Vị chuyên gia cũng cho rằng việc tích trữ xăng dầu một phần xuất phát từ tâm lý đám đông. “Khi thấy người ta ùn ùn mang can đi mua xăng, người tiêu dùng khác có xu hướng chuyển sang mua tích trữ”, vị này nói.

{keywords}
Sáng sớm 31/3, người dân đổ về cây xăng tại trung tâm xã Sốp Cộp (tỉnh Sơn La) để mua xăng lượng lớn. Ảnh: H.Q.

Về việc chứa nhiều xăng dầu tại hộ gia đình, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), cho rằng tiềm ẩn nhiều nguy cơ và có thể xảy ra cháy, nổ, gây thiệt hại về người và tài sản.

Cụ thể, nếu tích trữ xăng dầu trong can nhựa hoặc thiết bị chứa không phù hợp, có thể dẫn đến rò rỉ xăng dầu ra ngoài. Từ đó, tạo thành môi trường tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao, đặc biệt trong không gian kín, hẹp.

Tại các hộ gia đình, việc bảo quản xăng dầu thường đặt chung với các vật dụng khác (có thể ngoài hoặc cùng khu vực ở). Các khu vực này thường không được ngăn cách độc lập với xung quanh và không có thiết bị điện chuyên dụng đảm bảo an toàn chống cháy, nổ.

Nhiều người dân cũng chưa ý thức được hết những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra của việc tích trữ xăng dầu tại nhà, dẫn đến có tình trạng sử dụng nguồn nhiệt, lửa gần khu vực tồn chứa.

“Bảo quản xăng dầu không an toàn có thể dẫn đến sự cố cháy, nổ. Đám cháy lan rất nhanh (vận tốc cháy lan theo bề mặt có thể đạt đến trên 40 m/phút), tỏa ra nhiều khói, chất độc gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Đồng thời, gây khó khăn cho công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ”, Cục cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, việc tích trữ xăng dầu cho biết.

{keywords}
 

“Xăng dầu không thiếu và có thể còn rẻ hơn nữa”

Trước việc người dân tập trung mua xăng dầu tích trữ do giá bán lẻ giảm mạnh theo diễn biến giá xăng dầu thế giới và bối cảnh dịch Covid-19, Bộ Công Thương khẳng định nguồn cung xăng dầu trong nước luôn đáp ứng đủ để phục vụ doanh nghiệp và người dân.

Các chuyên gia cũng cho rằng người dân không nên tích trữ xăng dầu. Bên cạnh nguy cơ dẫn đến cháy, nổ, giá xăng có thể còn giảm nữa.

Kết thúc phiên giao dịch 3/4, giá dầu WTI (Mỹ) giảm 1,18 USD, tương đương 4,7%, xuống còn 24,14 USD/thùng. Trong khi đó, hợp đồng tương lai của dầu Brent (Anh) giảm 4,5%, về mức 28,55 USD/thùng.

Theo khảo sát của CNBC, cả dầu Brent và WTI đều vừa trải qua quý tồi tệ nhất trong lịch sử. Giá dầu Brent lao dốc hơn 65% trong quý đầu tiên, trong khi WTI bay hơi hơn 66%.

Các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho rằng dịch Covid-19 thậm chí có thể đẩy giá dầu được sản xuất trên đất liền xuống mức âm.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở TP.HCM cho biết giá xăng thế giới tiếp tục giảm. Vị này dự báo tại kỳ điều chỉnh ngày 13/4 tới, giá xăng trong nước sẽ giảm theo xu hướng giá thế giới.

Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 có thể giảm 900-1.400 đồng/lít, trong khi các mặt hàng dầu cũng được dự đoán giảm 300-900 đồng một lít/kg tùy loại. Nếu đúng như dự báo, giá xăng sẽ có lần thứ 7 giảm liên tiếp.

“Xăng dầu không thiếu và có thể còn rẻ nữa”, vị chuyên gia xăng dầu nói.

(Theo Zing)