Để trở thành cô đỡ thôn bản, mỗi học viên phải trải qua quá trình học tập kéo dài ít nhất 6 tháng theo chương trình và nội dung đào tạo của Bộ Y tế. Với kiến thức, kỹ năng được đào tạo và thực hành tại các bệnh viện, cô đỡ thôn bản có thể chăm sóc bà mẹ khi có thai và sinh con, đỡ đẻ an toàn, phát hiện các tai biến ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, thực hiện các kỹ năng cứu sống cơ bản và chuyển tuyến kịp thời.
Kể từ khi những cô đỡ đầu tiên được đào tạo cách đây hơn 30 năm, đến nay, cả nước đã có 3.077 cô đỡ thôn bản được đào tạo. Đội ngũ này đã góp phần rút ngắn khoảng cách trong việc chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh dân tộc thiểu số ở những nơi xa xôi nhất của đất nước.
Cô đỡ thôn bản: Vai trò đã được cộng đồng ghi nhận
Nhận định về vai trò và tầm quan trọng của đội ngũ này, GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết cô đỡ thôn bản chính là cánh tay nối dài không thể thiếu của Trạm Y tế xã ở các vùng khó khăn, đặc biệt là trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Đội ngũ này đang ngày đêm vượt mọi khó khăn, gian khổ, đến từng hộ gia đình tuyên truyền vận động người dân xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu; tích cực tham gia quản lý thai, tư vấn giáo dục sức khỏe, vận động sản phụ đi khám thai và sinh con tại trạm y tế xã, phát hiện thai nghén có nguy cơ để chuyển tuyến kịp thời... Vai trò của cô đã được ngành y tế cũng như cộng đồng địa phương ghi nhận.
Thực tế cho thấy Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc giảm sự chênh lệch đáng kể về tình trạng sức khỏe, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, các nhóm dân tộc.
Ở miền núi, tỷ lệ tử vong mẹ, trẻ em vẫn cao gấp 3-4 lần so với khu vực đồng bằng và đặc biệt, ở một số đồng bào dân tộc thiểu số có thể cao gấp 7 lần ở người Kinh.
Trước tình hình này, cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số tại các vùng khó khăn là giải pháp tạm thời nhưng rất hiệu quả trong giai đoạn hiện nay, nhằm giúp gỡ bỏ những rào cản về địa lý, văn hóa và kinh tế khiến cho phụ nữ người dân tộc thiểu số không thể tiếp cận được tới các dịch vụ khám thai, đỡ đẻ an toàn và chăm sóc sau sinh.
Vai trò của cô đỡ thôn bản trong việc cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản, chăm sóc hỗ trợ cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số và đóng góp trong việc giảm tử vong mẹ ở Việt Nam là không thể phủ nhận.
Ví dụ, chỉ trong năm 2019, cô đỡ thôn bản đã trực tiếp khám thai cho khoảng 42.400 sản phụ và vận động thành công hơn 5.000 sản phụ sinh con tại các cơ sở y tế.
Những khó khăn cần sớm khắc phục
Số liệu điều tra thống kê thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 cho thấy 23,8% phụ nữ dân tộc thiểu số sinh con thứ 3 trở lên, bình quân 1 phụ nữ sinh 2,35 con, cao hơn mức bình quân của cả nước là 2,09 con.
Cá biệt, 5 dân tộc thiểu số có mức sinh cao nhất là Mảng (4,97 con/phụ nữ), Chứt (3,82 con/phụ nữ), Cơ lao (3,71 con/phụ nữ), La Hủ (3,68 con/phụ nữ), Mông (3,57 con/phụ nữ).
Khoảng 12% phụ nữ mang thai không đến các cơ sở y tế khám thai lần thứ nhất; tỷ lệ này rất cao ở dân tộc La Hủ 54,7%, La ha 36,5%, Mảng 34,1%. Khoảng 13,6% phụ nữ dân tộc thiểu số không sinh con tại cơ sở y tế, 3,9% sinh con tại nhà có cán bộ chuyên môn đỡ, 9,5% sinh con tại nhà không có cán bộ chuyên môn đỡ; một số dân tộc như Mảng, Mông, Cống và La Hủ có tỷ lệ sinh con tại nhà không có cán bộ chuyên môn đỡ rất cao, lần lượt là 50,6%, 38,8%, 37% và 36,5%.
Đáng buồn, tỷ suất chết trẻ em dân tộc thiểu số dưới 1 tuổi là 2,2% (cá biệt dân tộc La Hủ 6,6%, dân tộc Lự 5,9%, dân tộc Si La 5,1%...). Vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn 16,5% trạm y tế chưa đạt chuẩn quốc gia; gần 1/5 trạm y tế chưa có bác sĩ, số nhân viên nữ hộ sinh chỉ chiếm 15,1%; 16,5% thôn chưa có nhân viên y tế thôn bản.
Trong khi đó, dù đã đạt được những thành tích ấn tượng, nhưng nguồn nhân lực cô đỡ thôn bản lại đang dần bị thu hẹp. Đến nay, hơn 1.500 cô đỡ thôn bản đã được đào tạo nhưng ngừng hoạt động. Chỉ 911 trong số các cô đỡ đang làm việc được nhận phụ cấp hàng tháng.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, một số nguyên nhân đẫn dến tình trạng này là không được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên, không được gia đình ủng hộ, không được đảm bảo đầy đủ trang bị đầy đủ thiết bị, vật tư y tế để thực hiện công việc.
Do đó, UB Dân tộc đã đề nghị Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với UB Dân tộc và các bộ ngành trung ương kiểm tra, rà soát, nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách đối với đội ngũ cô đỡ thôn bản.
Đồng thời, cơ quan này cũng đề nghị cấp uỷ, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở các cấp vùng dân tộc thiểu số và miền núi xác định rõ vai trò, vị trí của cô đỡ thôn bản; quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là thực hiện đúng, đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với đội ngũ này.