Lần đầu tiên đến nhận việc, Quỳnh Trang được đưa tới một căn phòng mà các em nhỏ đang tụ tập vui chơi. Chúng là những đứa trẻ đường phố nhưng sinh hoạt ở Rồng Xanh đã lâu, đã khá thân với các nhân viên ở đây.

Tưởng rằng những đứa trẻ này sẽ không phải là một thách thức lớn, Trang lại gần một cậu bé khoảng 11 tuổi để bắt chuyện. Nhưng ngay lập tức, cậu bé hét lên. Trang bị sốc, không hiểu mình đã làm sai điều gì. Về sau, cô mới biết rằng đó là một hành động “thử thách” của những đứa trẻ ở đây.

“Nếu như trẻ em ngoài đường phố có mức độ cảnh giác, phòng vệ cao thì những đứa trẻ khi đã về với tổ chức được một thời gian lại có xu hướng khác. Đó là thử thách người lạ xem người đó có ý định tốt với mình không, có thực sự quan tâm tới mình hay không. Đó là lý do trẻ có những phản ứng ‘gây hấn’ với người lạ”.

Cậu bé mà Trang bắt chuyện trong lần đầu tiên đó, theo quan sát của cô, vẫn hoà đồng, vui vẻ với những đứa trẻ khác và với nhân viên của tổ chức. Dần dần khi hiểu hơn về hoàn cảnh, kết nối với cậu bé qua các trò chơi, hoạt động, Trang đã từng bước khiến cậu bé chấp nhận mình. Thậm chí, bây giờ, cô còn khá thân với cậu bé đó nữa.

“Về sau, tôi cũng có hỏi là tại sao em lại làm vậy thì em bảo ‘chỉ muốn trêu chị thôi’. Cũng nhân dịp đó, tôi nói với em cảm xúc của mình khi bị phản ứng như thế để sau này bạn ấy có những ứng xử phù hợp hơn”.

{keywords}
Quỳnh Trang (trái) làm việc vào một ngày mùa đông năm nay. 

24 tuổi, tốt nghiệp ngành Công tác xã hội (Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn), Quỳnh Trang làm việc cho Rồng Xanh đã được 1 năm nay. Đây cũng là thời gian khó khăn với trẻ em đường phố khi dịch bệnh Covid-19 ập đến. Các em không được đến trường, kinh tế, việc làm khó khăn, khiến số lượng trẻ bị đẩy ra đường phố nhiều hơn.

Trước khi nhận việc ở đây, cô gái sinh năm 1998 đã đọc kỹ bản mô tả công việc. Trang cảm thấy khá tự tin vì nó không xa lạ với những gì cô đã được học. Nhưng chỉ sau một tháng thử việc, cô bị “sốc” vì thực tế công việc rất khó và khác với những gì cô đã nghĩ. “Tôi còn quá trẻ, chưa có nhiều trải nghiệm. Tôi đã không nghĩ vấn đề khó đến như vậy, và có nhiều đứa trẻ bị tổn thương đến như vậy”.

Từ khi được chuyển sang đội tìm kiếm, Trang cảm thấy mình được phát huy hết khả năng, được trải nghiệm, được trưởng thành và bị cuốn theo số phận của những đứa trẻ. Nhiệm vụ của cô là kết nối để làm bạn với bọn trẻ. Khi đã tạo được lòng tin, Trang sẽ tìm hiểu lý do khiến đứa trẻ phải lao ra đường. Những đứa trẻ này thường lăn lộn kiếm ăn trên phố bằng những công việc như ăn xin, bán kẹo, đánh giày, thậm chí là trộm cắp, là nạn nhân của những kẻ lạm dụng tình dục, sử dụng hay buôn bán ma tuý.

Mục đích cuối cùng là đưa trẻ trở về với gia đình, với trường học, hoặc định hướng cho trẻ đi theo những con đường đúng đắn như học nghề, học kỹ năng để tìm kiếm công việc ổn định.

Là một thành viên trong đội tìm kiếm, mỗi tuần, Trang được phân công 2-3 ca ra đường để tìm kiếm và kết nối với trẻ em đường phố. Nơi làm việc của cô là công viên, ghế đá, bến xe, gầm cầu… - bất cứ nơi nào mà trẻ đường phố chọn làm nơi trú ẩn cho mình.

Kể về một trường hợp có thể tạm gọi là thành công, Trang nói, những trường hợp như em T. là động lực giúp cô muốn tiếp tục gắn bó với công việc này.

Khi Trang gặp T., cậu bé đang là trẻ ăn xin trên đường cùng với đám bạn. T. sống cùng bà ngoại. Mẹ cậu đi tù, đến khi nào được ra thì bà ngoại cũng không biết. Bố đi lấy vợ khác, nhà nội không chấp nhận T. nên không đoái hoài gì đến.

Bà rất quan tâm và thương cháu nhưng bà đã già, không thể kiểm soát nổi một cậu bé đang tuổi ăn tuổi lớn, lại phải chịu quá nhiều tổn thương đến như vậy. T. không có nhiều bạn bè nên khi có người sẵn sàng chơi với mình, cậu mặc định nghe theo mọi lời rủ rê của chúng. Đám bạn suốt ngày lang thang trên phố. Chúng cần tiền ăn uống, chơi game nên rủ nhau đi ăn xin.

Thời gian đầu, cứ mỗi lần thấy Trang tới là T. chạy biến, không muốn tiếp xúc. Nhưng sau một thời gian kiên trì, đến tận nhà gặp và nói chuyện với cả bà ngoại T. để hiểu hoàn cảnh, Trang bắt đầu được T. chấp nhận. “Tôi chỉ rủ con đến tổ chức để chơi, không hỏi nhiều, không phán xét. Dần dần, con cảm nhận được sự chân thành nên đã mở lòng nói chuyện. Quá trình đó mất khoảng 3 tháng. Đến giờ, T. không còn ra đường ăn xin nữa, cũng không đi theo nhóm bạn xấu nữa. Con tham gia các hoạt động của tổ chức nhiều hơn và đang cố gắng trong việc học tập”.

“Một hôm, khi tôi đưa con đi đá bóng về, con hỏi ‘cô có biết ngày xưa nếu không gặp cô thì giờ con đang ở đâu không?’. Tôi nói là cô không biết, thì bạn ấy đáp: ‘Con đang đi ăn xin ở ngoài hồ ấy’”.

Nghe câu nói ấy, Trang biết là những việc mình làm đang có những tác động tích cực tới cậu bé này. Trong đợt dịch, thỉnh thoảng, Trang vẫn gọi điện cho T. để hỏi thăm tình hình. Cậu bảo “những lúc chán thì con giúp bà làm việc nhà, chứ không đi ra ngoài như ngày xưa nữa”. Lúc tức giận với bà, T. cũng không vùng vằng bỏ đi nữa, mà sẽ gọi điện cho cô Trang để bình tĩnh lại.

Một hôm, khi được hỏi về ước mơ, cậu bé 11 tuổi đã nói rằng: “Con ước được làm ông tiên để ban phép màu cho nhiều người, giống như cô Trang đi giúp đỡ mọi người vậy”. T. cũng ước sớm được gặp lại mẹ - người mà em đã mất liên lạc từ khi mẹ phải ngồi tù. 

{keywords}
Những đứa trẻ sống trên đường phố có ý thức cảnh giác cao trước người lạ. 

Nếu như T. là một trường hợp có thể tạm gọi là thành công thì H. lại là một sự bất lực với Trang.

H. là bạn cùng nhóm đi ăn xin với T. Cô gặp cả hai cùng thời điểm. H. cũng là một đứa trẻ nhiều tổn thương khi nhiều thế hệ trong gia đình em có tiền sử sử dụng chất ma tuý. Mẹ em có vấn đề về sức khoẻ tâm thần vì sử dụng thuốc quá nhiều. Bố em bỏ đi, không có liên lạc gì. Hai mẹ con đang sống tạm bợ trong một túp lều ở ngoại thành Hà Nội.

Trang cảm nhận được tình mẫu tử ở người phụ nữ này. Nhưng chính chị còn đang loay hoay với cuộc đời mình. Chị không có kiến thức, không đủ tỉnh táo và uy tín để dạy được H. Việc duy nhất mà chị có thể làm là chửi mắng con và đi theo xem nó có làm gì nguy hiểm không.

Sống trong môi trường như thế, H. cảm thấy bị bế tắc. Cậu còn quá nhỏ để có thể thoát ra. Càng ngày H. càng có những biểu hiện xấu đi, mặc dù vẫn vui vẻ khi gặp Trang.

“Tôi cảm thấy buồn và vô cùng trăn trở, hình như mình làm chưa đủ hoặc chưa đúng cách”.

Đó là những cảm xúc mà đội ngũ của tổ chức thường xuyên phải đối mặt.

Trang cho rằng, tổn thương của những đứa trẻ đó sẽ không bao giờ mất đi. Nó chỉ chìm xuống khi trẻ đến độ tuổi có thể kiểm soát được cảm xúc hoặc khi nhận thức của chúng đã phát triển. Nhưng nó có thể quay trở lại mỗi khi có sang chấn. Vì thế, việc những đứa trẻ đã có thay đổi tích cực, nhưng sau một thời gian lại quay trở lại tình trạng cũ hoặc trầm trọng hơn là chuyện bình thường.

Đó là thách thức trong công việc của 100 nhân viên ở Rồng Xanh – những người đang nỗ lực mỗi ngày để giải cứu cuộc đời những đứa trẻ không được lựa chọn nơi mình sinh ra.

Nguyễn Thảo

Ảnh: NVCC