{keywords}
Cậu bé Vị quyết định lên Hà Nội đánh giày kiếm sống từ năm 15 tuổi.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, gia đình Vị có 4 anh chị em. Vị là con thứ 3.

Cũng giống như nhiều đứa trẻ con nhà nghèo khác, cả năm may ra Vị mới được mặc một tấm áo mới, bữa cơm chỉ có đĩa rau là chuyện thường ngày, đi học nhiều khi không có tiền đóng.

Vài sào ruộng không đủ để nuôi 6 miệng ăn, bố Vị khi thì đi chạy xích lô ngoài Hà Nội, khi thì làm thợ xây, bôn ba khắp nơi. Cả năm, Vị chỉ gặp bố 2-3 lần. Mẹ thì bận việc đồng áng suốt ngày. Bà nuôi được vài con lợn, con gà cũng là để bán lấy tiền đóng học cho con, chứ không dám ăn.

Cuộc sống khó khăn, Vị cũng đâm ra chán việc học hành. Năm lớp 9, thấy anh trai và những đứa trẻ cùng lứa lên Hà Nội kiếm tiền, Vị quyết chí đi theo. 

“Bố mình không đồng ý, nhưng đợt ấy bố bị bệnh khớp, không đi làm xích lô ở Hà Nội được nữa, gia đình mất đi nguồn thu nhập” - Vị kể.

Nói là làm, Vị đi cùng một người bạn với 30 nghìn đồng tiền tiết kiệm trong túi. Lên đến Hà Nội, cậu mua bộ đồ đánh giày mất 18 nghìn đồng. Còn 12 nghìn cậu để trả tiền phòng trọ.

Căn phòng có giá 2 nghìn đồng/ngày bé xíu, tối om, chỉ có một chiếc bóng đèn tù mù giữa phòng và 2 chiếc quạt chỉ được bật theo giờ. Cả trẻ bán báo, đánh giày, 2 vợ chồng nhặt rác, 2 vợ chồng bán trứng vịt lộn đều ở trong đó, mỗi người ngủ riêng một góc.

“Không hiểu sao lúc ấy mình sống được trong đấy, nghĩ lại vẫn thấy sợ”.

Cậu bé đánh giày nơm nớp sợ hãi và tủi thân

Vị kiếm được 2 nghìn đồng cho mỗi đôi giày. Hôm nào ế khách thì 1 nghìn hay 1 nghìn rưỡi cũng nhận, còn hơn là chết đói. Mỗi ngày, cậu bé 15 tuổi có 20-30 nghìn đồng trong tay, vị chi mỗi tháng 500-600 trăm nghìn đồng. Đó là một khoản tiền rất to lúc ấy với người ở quê. Hầu như cậu gửi tiền về cho bố mẹ, chỉ giữ lại một chút để ăn và trọ.

Thời gian đầu, Vị rất ham. Nhưng chỉ vài tháng sau, cậu thấy nản. Cậu bé mới lớn phải chống chọi với quá nhiều mối nguy hiểm rình rập mỗi khi ra đường: bị đánh, bị cướp, bị trấn lột. Kinh nghiệm khiến cậu không bao giờ để cả tiền vào một chỗ, ra đường lúc nào cũng phải ngó trước ngó sau. Nhiều lần bị “ăn đòn” đã dạy cho cậu những kỹ năng sinh tồn trên đường phố Hà Nội.

Nhưng điều khiến cậu chán nản nhất có lẽ là cách người ta đối xử với một cậu bé đánh giày. “Nó không được tốt lắm” - Vị nhớ lại.

“Người ta sẽ nhìn mình rồi chép miệng ‘ôi giời, thằng bụi đời, thằng lang thang…’. Nhiều người mất giày có khi lại nghĩ mình lấy”.

Nhiều lần Vị đã muốn về quê, nhưng chưa khi nào cậu đủ can đảm. Cậu vẫn nhớ cảm xúc vào một ngày trời mưa cách đây 19 năm. Khi đó, trong túi không còn đồng nào, người lại đang ốm sốt. Ngồi trong nhà trọ nhìn bên ngoài trời mưa rả rích, vừa đói vừa mệt, nỗi nhớ nhà trào lên. Cậu thấy mình lạc lõng, bơ vơ, tủi thân ở nơi đất khách quê người.      

{keywords}
Một năm rưỡi lăn lộn trên những con phố Hà Nội là những ngày tháng cay đắng, tủi thân, sợ hãi của cậu bé mới lớn.  

Lại một ngày khác sau khi đã gia nhập “đội quân” đánh giày được 7-8 tháng, trời nắng chang chang, Vị đi lang thang gần một ngôi trường với chiếc túi rỗng. Giờ tan học, những đứa trẻ bằng tuổi cậu ùa ra cổng. Khuôn mặt vui vẻ, hạnh phúc của chúng vội tìm bố mẹ lẫn trong đám đông. Nhìn lại mình, Vị chỉ thấy một cậu bé lấm lem, mồ hôi lấm tấm, bụng đói, rỗng túi, tương lai mờ mịt. Bức tranh đối lập ấy khiến cậu không thể nén lại suy nghĩ: “Sao cuộc đời mình lại khốn nạn thế!”.

Bế tắc là cảm xúc duy nhất lúc ấy. Vị bắt đầu nghĩ rằng: “Không, mình không thể chấp nhận cuộc sống như thế này mãi được!”. Nhưng ngay lúc đó, cậu không có sự lựa chọn nào cả. Cậu bé 15 tuổi không biết phải làm gì khi không có tiền, không có ai thân quen. Mãi đến khi gặp Rồng Xanh, cậu mới thầm nghĩ rằng đây chính xác là cái mà mình đang cần.

'Mình sẽ đánh giày cho Tây'

Lần đầu tiên gặp Michael Brosowski - người sáng lập Rồng Xanh, cậu bé Vị gầy nhẳng và đen nhẻm đang đi kiếm ăn ở khu vực đường Vạn Kiếp. Như một câu nói cửa miệng của cậu bé đánh giày, Vị mời Michael bằng thứ tiếng Anh “bồi”: “Hello, shoes shine?”.

Ngày ấy, Michael - một chàng trai người Úc - mới sang Việt Nam và đang là giảng viên của Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Lúc này, Rồng Xanh cũng chưa thành hình. Michael và bạn anh mới chỉ có một câu lạc bộ tiếng Anh và câu lạc bộ bóng đá dành cho trẻ em đường phố.

“Michael hỏi quê mình ở đâu, cho mình một cái bánh rồi hỏi có muốn học tiếng Anh không. Nếu muốn đến học thì Chủ nhật đến chỗ này, cũng có các bạn trẻ lang thang đến học chung”.

Suy nghĩ đầu tiên loé lên trong đầu Vị lúc ấy là “mình có thể đánh giày cho Tây, sẽ kiếm được nhiều tiền hơn”. Rồi anh mới bắt đầu nghĩ đến chuyện “biết đâu nó sẽ giúp mình làm cái gì đấy”. Vị chưa biết chính xác nó là cái gì nhưng rất có thể là con đường giúp cậu thay đổi cuộc sống.

{keywords}
Đỗ Duy Vị khi đã trưởng thành, quay về làm việc cho Rồng Xanh được 1-2 năm. Bên phải là Michael Brosowski - người sáng lập tổ chức.

Ngày đầu tiên đến với câu lạc bộ tiếng Anh của Rồng Xanh, Vị vẫn còn cảm giác sợ hãi và phòng vệ, nhất là khi thấy nhiều đứa trẻ đánh giày khác cũng đang ở đó. Nhưng dần dần, cậu được trò chuyện, được chơi game, được đưa đi ăn phở, được đối xử đàng hoàng. Vị dần thích nơi này và cảm thấy an toàn khi ở đây.

Học được một thời gian thì Michael hỏi Vị có muốn bỏ đánh giày để đi học không. Sáu tháng sau, Rồng Xanh thuê cho cậu và các bạn một căn nhà trọ để đi học. Vị không học văn hoá như các bạn, mà chọn học nghề nhà hàng - khách sạn, học tiếng Anh, lập trình web…

Học xong, cậu đi thực tập, sau đó đi làm pha chế ở một nhà hàng có tiếng nhất nhì Hà Nội khi đó. Khi đã có công việc và thu nhập ổn định, những đứa trẻ như Vị sẽ rời khỏi tổ chức để tự lập.

Mức lương ngày ấy của cậu rất tốt. Năm 20 tuổi, cậu đã là giám sát của một khách sạn 5 sao – một vị trí mà ở tuổi đó chưa có ai được đảm nhiệm. Trong những năm tháng thăng hoa nhất của sự nghiệp, thi thoảng Vị vẫn về Rồng Xanh để làm tình nguyện.

Đến năm 2009, khủng hoảng tài chính khiến khách sạn Vị làm bị ảnh hưởng nặng. Nhân dịp này, Vị xin nghỉ, coi như một khoảng thời gian nghỉ ngơi cho mình.

“Lúc đó, mình cũng nghĩ đến việc về Rồng Xanh bởi vì một trong những mong muốn của mình là quay trở lại trả cái ơn mà mọi người đã giúp mình ngày xưa”.

Cuối cùng, anh quyết định về nơi đã giúp mình trưởng thành nhưng giao hẹn chỉ làm trong 6 tháng.

Thế nhưng, anh đã gắn bó với nơi đây cho đến tận bây giờ.

Trưởng thành và trả ơn

{keywords}
Anh có 10 năm kinh nghiệm tìm kiếm và hỗ trợ trẻ em đường phố. 

“Trẻ lang thang ở thời điểm đó rất nhiều, các vấn đề của trẻ ở thời điểm đấy cũng rất khác so với mình ngày xưa. Ngày xưa, nhiều trẻ đánh giày, bán báo vì nghèo. Nhưng thời điểm mình gặp, bọn trẻ bỏ nhà đi là chính, bởi vì gia đình chúng có rất nhiều vấn đề. Chúng bị xâm hại tình dục, có liên quan đến các tệ nạn như ma tuý...

Những đứa trẻ ấy không phải ai cũng làm việc được. Cũng từng là một đứa trẻ đường phố, có lẽ mình dễ dàng kết nối với chúng hơn người khác. Mình không biết nếu mình nghỉ thì chúng sẽ như thế nào, ai sẽ là người đêm hôm đi tìm chúng. Khi đó Rồng Xanh không có nhiều nhân viên và nhân viên cũng không có nhiều kỹ năng tốt như bây giờ. Chỉ có duy nhất một mình mình đi làm trên đường phố thôi. Và cả Hà Nội lúc ấy cũng chỉ có mỗi Rồng Xanh là tổ chức hỗ trợ đối tượng trẻ em ấy”.

Nhìn vào bọn trẻ là anh nhìn thấy bản thân mình - một cậu bé khao khát mong chờ được ai đó dang tay giúp đỡ. Anh thấy mình có trách nhiệm phải cho những đứa trẻ ấy cơ hội giống như mình ngày xưa.

{keywords}
Đỗ Duy Vị được bổ nhiệm vị trí đồng Giám đốc điều hành tổ chức Rồng Xanh cách đây vài tuần.

Chia sẻ với phóng viên chỉ sau khi được bổ nhiệm vị trí đồng Giám đốc điều hành Rồng Xanh vài tuần, người đàn ông sinh năm 1987 nói rằng, còn rất nhiều công việc đang đợi anh phía trước. Trẻ em đường phố cũng chỉ là một trong số các đối tượng mà tổ chức này đã hỗ trợ suốt 20 năm nay.

Hiện tổ chức có khoảng 100 nhân viên toàn thời gian. Tính đến nay Rồng Xanh đã giải cứu được hơn 1.000 nạn nhân của mua bán người và lao động trẻ em; hơn 5.200 trẻ em được hỗ trợ đi học và học nghề; hỗ trợ pháp lý cho 120 nạn nhân của mua bán người, lạm dụng tại các phiên toà; 1.100 trẻ em có nơi tạm trú an toàn và 110 ngôi nhà được xây sửa; 2.200 trẻ em và thanh niên được đoàn tụ với gia đình.

Trong 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, số trẻ mới mà tổ chức tiếp nhận mỗi năm tăng lên đáng kể - từ khoảng 120 trẻ/năm lên 180 trẻ/năm. Đây cũng là một thách thức đáng kể với Rồng Xanh cả về mặt nhân lực cũng như nguồn viện trợ. 

Phần 2: 18 năm là 'cứu tinh' của trẻ em đường phố 

Nguyễn Thảo

Ảnh: NVCC

Cuộc sống hiện tại của cô gái ăn xin trở thành người mẫu

Cuộc sống hiện tại của cô gái ăn xin trở thành người mẫu

Rita Gaviola, một cô bé ăn xin ở thị trấn Lucban của Philippines đã không thể ngờ rằng mình sẽ nổi tiếng chỉ sau một bức ảnh được chụp vô tình.