Cuối ngày 14/3 vừa qua, chị Bình nhận được thông báo từ hiệu trưởng về việc chị là một trong số những giáo viên hợp đồng phải tham gia vào kỳ thi tuyển viên chức của thành phố. Chị tức tốc báo tin này cho đồng nghiệp – cô giáo Vân – cũng là người có thâm niên 21 năm công tác tại Trường THCS Thanh Xuân, mà không kìm được nước mắt...

Gia đình chị Nguyễn Thanh Bình nhiều đời sống tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Học hết lớp 12, chị chọn thi vào ba trường sư phạm. Vốn là người sáng dạ, chị thi đỗ cả ba. Rồi chị quyết định chọn học tại khoa Ngữ Văn, Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội. Biết cảnh gia đình nghèo khó, cô sinh viên quyết tâm phải dành học bổng nhiều kỳ.

Tốt nghiệp ra trường, mang trong mình niềm phơi phới tin yêu, chị Bình chọn trở về để cống hiến trên mảnh đất quê hương, mặc cho nhiều bạn bè khuyên nên ở lại thành phố làm việc.

Tháng 9/1998, cô gái trẻ được UBND huyện Sóc Sơn nhận ký hợp đồng lao động và phân công về giảng dạy tại Trường THCS Thanh Xuân. Tính đến nay, cô giáo Bình đã có 21 năm gắn bó với ngành giáo dục huyện nhà.

“Nếu thi không đỗ hoặc không thi tuyển viên chức thì sẽ cắt hợp đồng. Chúng tôi nhận sai vì trước đây đã không cắt hợp đồng với các đồng chí”, ông Lê Hữu Mạnh – Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn nói như vậy với 256 giáo viên hợp đồng trong toàn huyện vào ngày 22/3.

Niềm hi vọng để bấu víu của chị Bình và nhiều thầy cô giáo khác cuối cùng cũng bị sụp đổ.

{keywords}
Chiều 26/3, hơn 100 thầy cô giáo tại huyện Sóc Sơn ngồi cạnh nhau tại căn nhà của cô giáo Đào Thu Hằng, giáo viên trường THCS Minh Phú. Nhiều ngày nay, các thầy cô không còn tâm trạng dạy vì quyết định phải tham gia thi tuyển vào công chức nếu muốn trụ với nghề.

Những ngày gần đây, chị Bình không còn động lực để đứng lớp nữa. Nghĩ đến học trò, nước mắt chị lại không ngừng rơi. 256 thầy cô không ai có ý định nộp đơn thi tuyển.

“Kỳ thi này có thể là tin vui với các cháu sinh viên mới ra trường nhưng lại là một “thảm kịch” với chúng tôi. Những năm 90, thế hệ chúng tôi chỉ được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, còn ngoại ngữ lại không được dạy trong trường THPT. Sau này học đại học, chúng tôi được đào tạo tiếng Nga – Pháp chứ không phải tiếng Anh.

Bởi vậy, nếu chúng tôi thi viên chức cùng các cháu sinh viên mới tốt nghiệp ra trường sẽ là một cuộc chạy đua không cân sức giữa hai thế hệ. Cái chúng tôi có là sự say mê, tâm huyết, kinh nghiệm nhưng lại không thể mang ra để hoàn thành yêu cầu của cuộc thi”, cô giáo Lê Thị Thu Nguyệt, giáo viên Trường THCS Minh Phú giải thích.

{keywords}
Kỳ thi tuyển viên chức sắp tới được các cô cho là cuộc đua không cân sức với lứa sinh viên mới ra trường

Cả cô Bình, cô Nguyệt và hơn 250 thầy cô giáo khác từng rất “yên phận” cống hiến vì họ tin rằng, những thành tích đạt được sẽ là điểm số chứng thực năng lực bản thân thay vì bài thi sát hạch kéo dài 3 tiếng đồng hồ.

Nhiều đơn “kêu cứu” đã được gửi tới các cơ quan chức năng nhưng chưa được xem xét. UBND huyện cũng khẳng định đã nỗ lực có văn bản đề xuất gửi UBND thành phố về việc xét tuyển đặc cách đối với giáo viên dạy hợp đồng từ 5 năm trở lên.

Nhưng đến ngày 14/3, văn bản số 667/TB-UBND thông báo, các giáo viên hợp đồng vẫn phải đăng ký để dự thi tuyển viên chức. Điều đó có nghĩa, nhiều giáo viên trên dưới tuổi 50, thậm chí chỉ còn 2 năm nữa nghỉ hưu, cũng sẽ phải bước vào cuộc thi đầy khốc liệt này.

{keywords}
Nhiều cô giáo đã bật khóc, có người lặng lẽ lau nước mắt

Cũng trong thời gian này, cô giáo Dương Thị Minh Thanh đang phải đối mặt với căn bệnh tim tái phát. Căn bệnh này khiến cô luôn cảm thấy đau tức mỗi khi xúc động. Là giáo viên công tác tại Trường THCS Hiền Ninh đã 24 năm, nhưng cô không được hưởng phụ cấp thâm niên như nhiều đồng nghiệp khác.

Để duy trì việc sinh hoạt và chăm lo cho hai đứa con đang tuổi đi học, cô chấp nhận làm thêm nhiều nghề sau mỗi giờ dạy.

“Ký hợp đồng từ năm 1995, tôi chưa một lần vi phạm điều gì cả. Điều này khiến chúng tôi không thể không chạnh lòng, không thể không tủi thân”, cô nghẹn lời.

{keywords}
Nhiều đơn “kêu cứu” đã được gửi tới các cơ quan chức năng

Vốn là con lai Campuchia, cô Thanh quyết ở lại mảnh đất Sóc Sơn gắn bó với nghề giáo. Cô cho biết, trong 24 năm giảng dạy, chỉ có duy nhất một lần huyện có đợt thi tuyển công chức. Tuy nhiên đợt đó do chưa kịp đổi quốc tịch, cô đã bị bỏ lỡ.

Từ đó đến nay, ở huyện chưa tổ chức thêm đợt thi tuyển công chức nào ở bộ môn Ngữ văn. Mặt khác, do được ký hợp đồng và nâng lương thường xuyên nên cô không để ý.

Chữ ký của cô hiện cũng có trong danh sách 228 chữ ký tại lá đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng. Cô cho rằng bản thân chịu khổ cũng được, nhưng còn hai đứa trẻ cần phải được đi học.

“Ở cái tuổi đầu hai thứ tóc không còn biết bấu víu vào đâu, chúng tôi cũng không còn cơ hội để làm lại cuộc đời nữa”.

{keywords}
Cô giáo 53 tuổi bật khóc khi được hỏi. Ở tuổi ngoài 50, nếu không thi đỗ, cô lo sẽ không có nơi nào nhận cô nữa.

Cô Lê Thị Thu Nguyệt, giáo viên môn Ngữ văn Trường THCS Minh Phú cho biết, sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, cô đi theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước về cống hiến sức trẻ và tuổi thanh xuân của mình cho nền giáo dục huyện Sóc Sơn.Nhiều cô giáo đều khẳng định, trong suốt thời gian qua, không có bất kỳ một kỳ thi tuyển công chức nào cho giáo viên Ngữ văn. Do vậy, dù rất muốn nhưng giáo viên không có cơ hội nào khác.

“Những năm 2000, Minh Phú là một xã nghèo của huyên với tỉ lệ học sinh thất học chiếm nhiều nhất trên địa bàn huyện. Vì vậy các đồng chí lãnh đạo địa phương chào đón chúng tôi như “những người hùng”, động viên chúng tôi gắn bó công tác lâu dài với những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cấp đất cho giáo viên ngoại tỉnh để chúng tôi gắn bó với sự nghiệp giáo dục huyện.

Kể từ đó đến nay đã 26 năm, tôi chưa một lần được thi viên chức vì trước kia, có một lần tổ chức, điều kiện là phải có hộ khẩu Hà Nội. Bởi vậy, sau 26 năm, tôi vẫn “treo giò” với cái tên Hợp đồng huyện” – cô Nguyệt tâm tư.

{keywords}
Nhận được quyết định thi viên chức của huyện với 256 giáo viên là một “thảm kịch”

Nhận được quyết định thi viên chức của huyện năm nay, theo cô Nguyệt, với 256 giáo viên trong đó có cô, là một “thảm kịch”.

“Chúng tôi vô cùng hoang mang và lo lắng. Nếu còn trẻ, chúng tôi sẽ sẵn sàng dự thi. Nhưng giờ chúng tôi đã ở độ tuổi 40, 50, như vậy sẽ rất thiệt thòi. Chúng tôi chỉ mong một điều duy nhất là các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện xét đặc cách cho chúng tôi vào viên chức giáo dục thay vì thi tuyển như giáo viên tự do”, các giáo viên bày tỏ nguyện vọng.

Thúy Nga – Thanh Hùng

 

Vụ hơn 250 giáo viên kêu cứu: "Yêu cầu tiếng Anh, tin học của thi viên chức còn thấp hơn thi nâng ngạch"

Vụ hơn 250 giáo viên kêu cứu: "Yêu cầu tiếng Anh, tin học của thi viên chức còn thấp hơn thi nâng ngạch"

Đại diện Nội vụ Sóc Sơn cho biết đã có đề xuất phương án nếu giáo viên hợp đồng trượt viên chức, nhưng chưa thể tiết lộ giải pháp.

Có cả "quyển bằng khen", cô giáo vẫn thất thần lo mất việc

Có cả "quyển bằng khen", cô giáo vẫn thất thần lo mất việc

Hơn 250 giáo viên hợp đồng cấp tiểu học và THCS ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội), trong đó có người đã cống hiến trong ngành nhiều năm, được rất nhiều bằng khen đã viết đơn kiến nghị các cơ quan chức năng trước nguy cơ sắp bị mất việc.