- Vì sao giai đoạn gần đây, chuyện quan chức vun vén, bổ nhiệm con cái, người thân vào những cái ghế, được nhìn nhận là vị trí màu mỡ, béo bở, lại xảy ra khá phổ biến đến thế?
“Con quan thì lại làm quan”?
Không chỉ diễn ra ở cấp xã, cấp huyện, mà cả cấp tỉnh, thành phố, cả cấp bộ, ngành, Trung ương. Tình trạng cả nhà làm quan, cả họ làm quan không còn là chuyện hi hữu.
Ảnh minh hoạ: cafeF. |
Không chỉ vun vén, bổ nhiệm con, em, mà còn sắp đặt, nâng đỡ người thân, người cùng quê. Có dạo, ở một vài cơ quan, đơn vị, người ta kháo nhau, không cần biết tiếng Anh, thạo tiếng Pháp, mà chỉ cần biết nói tiếng quê sếp(?) Vì có chuyện, người đứng đầu quê ở đâu, thì sau một thời gian, bỗng dưng cán bộ, nhân viên quê đó lột xác, phát đường quan lộ. Có trường hợp không phải con em, cũng không phải đồng hương, nhưng là “quan hệ đặc biệt”, nhiều tầng nấc, cũng được nâng đỡ theo lối đặc biệt, tựa như “nâng đỡ không trong sáng”, “thần tốc”và “siêu tốc”.
Không phải lĩnh vực nào cũng nảy nở tình trạng “con quan thì lại làm quan”, hay tình trạng “con cháu các cụ”. Những vị trí trong bộ máy công quyền, những doanh nghiệp nhà nước hưởng nhiều lợi thế...mới là nơi được các bậc “phụ huynh” hướng tới, dọn đường cho các bậc, mà người dân gọi là “thái tử”, “quý tử”, “hậu duệ”, bước vào bệ phóng. Cái ghế mà các ông bố, bà chị, ông anh sắp đặt cho người thân của mình đều ở vị trí có quyền lực, nguồn lợi thấy rõ và có cơ hội tiến thân. Đó, thường là các lĩnh vực liên quan nhiều đến chức năng xây dựng chính sách, ban hành cơ chế, ban phát quyền lực, lợi lộc. Đó, còn là các lĩnh vực liên quan đến sử dụng nguồn tài nguyên đất đai, khoáng sản, khai thác rừng vàng, biển bạc...
Vì sao tình trạng “con quan làm quan”, “con cháu các cụ” đang trở nên khá phổ biến trong giai đoạn gần đây?
Có nhiều nguyên nhân.
Tư tưởng thời phong kiến “một người làm quan cả họ được nhờ”, bao năm qua, dưới ánh sáng thời đại mới, tưởng đã phai nhạt, đi vào dĩ vãng. Nào ngờ, thứ tư tưởng lạc hậu ấy vẫn “ám khói”đậm đặc trong đầu óc một bộ phận quan chức, khiến họ mê lạc vào thứ gia đình chủ nghĩa, cục bộ địa phương, dòng họ, có cơ hội là tìm mọi cách thỏa giấc mộng quyền lực, vun vén, ban phát quyền lực.
Nhìn vào mặt trái bức tranh công tác nhân sự, tổ chức cán bộ, nhiều người ngộ nhận: quan chức, công chức thời nay là thứ nghề béo bở, có “đầu tư” là có “thu hoạch”, đầu tư càng nhiều, thu lợi càng lớn. Nhìn vào thực tế, hiếm có trường hợp cá nhân cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu một huyện nghèo, tỉnh nghèo trên đất nước này lại không giàu? Hiếm có quan chức lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước nào nghèo đi khi tập đoàn, công ty của họ lâm vào cảnh thất thoát, thua lỗ ? Những thực tế oái oăm này càng kích thích người ta đắm say quan trường, mê say quan chức và tìm cách dọn dẹp, vun vén, nâng đỡ con em, người thân của mình.
Một nguyên nhân khác, không khó nhận ra, là sự nhạt phai lý tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Thế hệ tiền bối đi theo cách mạng, làm cán bộ để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, đặt lợi ích dân tộc, lợi ích của Đảng trên lợi ích cá nhân, gia đình, thậm chí sẵn sàng dẹp bỏ lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình vì lý trưởng cao cả. Họ thấm nhuần đạo đức “chí công vô tư”, “lo trước cái lo thiên hạ, vui sau cái vui thiên hạ”. Trong khi đó, thời bây giờ, không ít người sa vào chủ nghĩa thực dụng, cốt sao cho vinh thân phì gia, đời mình giàu sang, còn cố lo cho đời con, đời cháu. Ngày xưa vua chúa truyền ngôi, ngày nay những ông “quan cách mạng” lo “chạy ghế” và “truyền ghế”. Lại thêm tư duy nhiệm kỳ khiến họ càng đẩy nhanh tốc độ, sử dụng những chiếc “lồng ấp” siêu nhiệt để ép hạt-giống-con-em chín nhanh một cách bất thường.
Thêm một nguyên nhân nữa, đá là xuất phát từ hiện tượng một vài cán bộ cấp cao dùng ảnh hưởng vị trí quyền lực của mình để đưa con em chưa đủ độ chín vào vị trí lãnh đạo mà không bị tổ chức kịp thời phê bình, nhắc nhở, đã tạo nên tiền lệ xấu. Nhiều cán bộ cấp dưới, không xem đó là việc làm không hay, ảnh hưởng đến thanh danh của Đảng, cần phải tránh, ngược lại, họ a dua, “cấp trên thế nào, ta thế ấy”. Và từ đó thành hội chứng “cả nhà làm quan”xảy ra nhiều nơi, nhiều cấp.
Cơ hội cho “con sãi ở chùa”...
Có lần, trong không khí thân tình, tôi kể với một vị lãnh đạo ngành tổ chức cán bộ, câu chuyện một ông bố là sếp ở một cơ quan trực thuộc Trung ương, tìm mọi cách đưa người con khi ấy còn quá non trẻ vào vị trí lãnh đạo cơ quan. Tôi nghĩ sẽ nhận được sự đồng cảm tích cực, thì bất ngờ, nhận được câu trả lời, đại ý, đó là chuyện bình thường, bậc làm bố không lo cho con thì lo cho ai (!?)
Nếu đó là chuyện bình thường, thì “con sãi ở chùa” sẽ mãi phận “quét lá đa”sao?
Một lần về làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, quê hương của Tổng Bí thư Trường Chinh, tôi nghe câu chuyện thú vị. Làng Hành Thiện vốn có truyền thống học hành, khoa bảng. Làng có ngôi chùa Keo lịch sử lâu đời. Đời trước, có gia đình họ Vũ làm nghề chài lưới từ nơi xa đến, được làng cho mượn đất gần chùa dựng nhà, đổi lại, gia đình đó hàng ngày lo việc quét dọn, hương khói tam bảo. Gia đình họ Vũ có người con sáng dạ, ham học, nhưng thời đó, luật vua phép nước, con cái nhà vãi không thể học hành, thi cử. Có gia đình họ Đặng thuộc hàng giàu có, tốt bụng, nhận làm con nuôi, cho mang họ Đặng-Đặng Vũ và nuôi ăn học, cho thi cử, quả nhiên đỗ đạt, thành danh.
Vậy là, một thứ luật lệ phân biệt đối xử kiểu phép vua lệ làng thời phong kiến, có thể làm thui chột những tài năng trong lớp thường dân.
Và, một môi trường tốt, có thể làm thay đổi số phận con người.
Nạn “truyền ghế”, “cả nhà làm quan”, “nâng đỡ không trong sáng”...nảy sinh biết bao hệ lụy, khiến rầu lòng Đảng, nản lòng dân.
Những cải cách, đổi mới mang tính đột phá trong công tác thi tuyển cán bộ gần đây; những vụ kiểm tra, phát hiện, xử lý cán bộ liên quan đến tệ vun vén, “tham nhũng quyền lực”, “truyền ghế”, “nâng đỡ không trong sáng”..., chính là tạo môi trường thanh lành cho những ai có tài năng thực sự thi thố, cống hiến và nhận sự đãi ngộ xứng đáng, bất kể nguồn gốc xuất thân.
Uông Ngọc Dậu