Theo các diễn giả tại Hội thảo “Ngành công nghiệp nhựa, đóng gói Việt Nam: Cơ hội lớn từ cách mạng công nghiệp 4.0” mới diễn ra gần đây, ngành nhựa Việt Nam đã có nhiều cơ hội phát triển.

Tổ chức nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence Research cho hay, dự báo, thị trường nhựa Việt Nam  đạt tỷ lệ tăng trưởng luỹ kế hàng năm (CAGR) vào khoảng 6,63% trong giai đoạn 2018-2023, các sản phẩm từ công nghệ ép phun chiếm tỉ lệ cao nhất. Công nghệ này được sử dụng để sản xuất các bộ phận nhựa có thành mỏng như thiết bị gia dụng, điện tử gia dụng, bảng điều khiển ô tô… Điều này cũng có nghĩa, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, sản xuất các linh kiện, chi tiết nhựa có cơ hội phát triển mạnh.

Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) cho biết, trong 10 năm qua, ngành nhựa luôn duy trì tăng trưởng trung bình ở mức hai con số về khối lượng nhập khẩu nguyên liệu cũng như xuất khẩu sản phẩm nhựa. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhựa liên tục tăng mạnh những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng trung bình từ 14% - 15%/năm.

Các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ nhựa gặp nhiều thuận lợi nhờ các Hiệp định FTA mà Việt Nam tham gia đã có hiệu lực. Cụ thể, thuế xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu (EU)... được hưởng nhiều ưu đãi. Do vậy, nhiều khách hàng lớn đang chuyển dần đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng chi phí sản xuất rẻ, thuế ưu đãi này. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu sản phẩm nhựa tại thị trường EU, Nhật tăng cao và các sản phẩm từ nhựa của Việt Nam được các thị trường này ưa chuộng.

Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Việt Nam cũng đang có nhiều lợi thế với sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp máy móc, thiết bị, nguyên liệu cho ngành nhựa, bao bì và in ấn. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với sản xuất trong nước đòi hỏi chính các doanh nghiệp phải chủ động trong chiến lược phát triển và cạnh tranh của mình.

TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, Việt Nam có thể phải đứng trước áp lực giảm giá thành và giảm phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập, do đó, ngành công nghiệp nhựa – in ấn – đóng gói cần nhanh chóng đa dạng hóa thị trường, tăng cường năng lực nghiên cứu, bản lĩnh và phản ứng thị trường; chủ động tái cơ cấu đầu tư, phát triển liên kết cộng đồng và giảm bớt phụ thuộc nguyên liệu nước ngoài.

Hội thảo trên diễn ra trong khuôn khổ triển lãm quốc tế ngành công nghiệp nhựa, in ấn và đóng gói bao bì Hà Nội (Hanoi Plas Print Pack) kéo dài từ ngày 24 đến 27/4/2019.

Thu Ngân