Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với 4 xã vùng biên giới triển khai hỗ trợ giống dê bách thảo và dê cỏ sinh sản cho gần 100 hộ nghèo, cận nghèo thuộc 5 bản, gồm: Ón (Thượng Hóa), Lương Năng (Hóa Sơn), Tà Leng (Dân Hóa), Ra Mai, Ka OÓc (Trọng Hóa), có tổng trị giá gần 1,2 tỷ đồng.

Gia đình anh Cao Xuân Văn và Hồ Thị Thiết, đồng bào Rục, trú tại bản Ón, xã Thượng Hóa là một trong những hộ được hỗ trợ dê.

Vừa thêm thức ăn vào chuồng cho dê, anh Văn tâm sự, vợ chồng anh có 2 đứa con đang trong độ tuổi đi học. Từ nhỏ, anh chị ít được học hành do đó không có nghề nghiệp ổn định, ai thuê gì làm nấy nên đói nghèo mãi.

Cuối năm 2023, cấp trên về tận bản Ón tìm hiểu, tuyên truyền và hứa sẽ hỗ trợ sinh kế cho những hộ gia đình đang trong độ tuổi lao động có ý chí vươn lên thoát nghèo. Đối tượng được ưu tiên trước hết là hộ nghèo, cận nghèo. Gia đình anh Văn là một trong nhiều hộ dân ở bản Ón đã đăng ký tham gia và may mắn lọt vào danh sách 20 hộ trong bản được hỗ trợ dịp này.

Ảnh 1: Những đàn dê giúp bà con ĐBDTTS huyện Minh Hoá thoát nghèo.
Những đàn dê giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số huyện Minh Hoá thoát nghèo. Ảnh: Hải Sâm.

“Có 20 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại bản Ón đã được hỗ trợ 60 con dê bách thảo sinh sản để tạo sinh kế. Trước khi bắt tay vào thực hiện mô hình nuôi dê, những hộ dân ở đây được tham gia tập huấn về cách thức nuôi dưỡng, chăm sóc, bố trí chuồng trại, cam kết hoàn trả vốn đối ứng và nộp lại để quay vòng”, ông Trần Xuân Tư, Trưởng bản Ón, xã Thượng Hóa cho biết.

Theo đó, sau khi hoàn thành khóa tập huấn, toàn bộ các hộ được hỗ trợ giống dê bách thảo đều thống nhất bước đầu sẽ giữ lại để nuôi chung và luân phiên nhau chăm sóc đàn dê tại khu chuồng trại của gia đình trưởng bản. Các thành viên cam kết tự làm chuồng trại riêng và bảo đảm tuân thủ đúng quy trình chăm sóc sẽ được những thành viên khác xem xét, đồng ý cho nhận về nuôi (mỗi hộ 3 con dê).

Với cách làm này, vốn kiến thức về chăn nuôi dê đàn trong các thành viên được tăng lên đáng kể nhờ vào hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, nắm bắt đặc tính sinh trưởng của vật nuôi. Đến nay, toàn bản Ón đã có 7 thành viên đủ điều kiện nhận dê về để nuôi riêng tại gia đình.

“Nếu việc chăn nuôi đàn dê diễn ra thuận lợi, vợ chồng tôi cam kết cuối năm 2024 sẽ tự nguyện xin thoát nghèo”, anh Văn cho biết.

Theo ông Hồ Phin, Chủ tịch UBND xã Trọng Hoá, với mỗi hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã được hỗ trợ 3 con dê cỏ sinh sản, sau khoảng 1 năm nuôi dưỡng, dự kiến số dê này sẽ sinh sản thêm để nhân đàn. Lúc đó, mỗi hộ chỉ cần nộp lại 1 con dê để thực hiện vốn quay vòng là đã hoàn tất việc đối ứng theo đúng cam kết. Số lượng đàn dê phát triển, sinh sản thêm tại địa phương cũng chính là cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, từng bước kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo và giúp bà con vươn lên trong cuộc sống.

Ngoài nuôi dê bách thảo, những năm gần đây, huyện Minh Hóa đã có nhiều chương trình, dự án, mô hình thiết thực như: Hỗ trợ bò lai chất lượng cao, nuôi lợn thịt thương phẩm, trồng bưởi da xanh, nuôi ong lấy mật... Các mô hình sinh kế này đã góp phần tích cực trong việc kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở các vùng biên của huyện Minh Hóa.

“Thực tế là hầu hết các hộ nghèo, cận nghèo tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Minh Hoá đều gặp khó khăn về nguồn vốn, thiếu kinh ngiệm ttong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt nên khi thực hiện hỗ trợ các mô hình tạo sinh kế cho bà con, huyện luôn chú trọng đến việc bồi dưỡng, tập huấn kiến thức để bà con tự tin hơn khi thực hiện. Hiệu quả của các mô hình cùng từ đó được nâng cao”, ông Hoàng Thanh Bình, Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Minh Hóa nói.

Hải Sâm