Năm 2017 vừa mới đến và sẽ là một dấu mốc quan trọng, đi vào lịch sử ngoại giao, hợp tác kinh tế quốc tế của Việt Nam khi chúng ta mang một trọng trách thật vinh dự: nước chủ nhà của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á- Thái Bình Dương- APEC lần thứ 25.
Đây cũng là lần thứ 2 kể từ năm 2006, Việt Nam đăng cai tổ chức hội nghị cấp cao APEC.
Trong 27 năm qua kể từ khi thành lập, trải qua những đợt thăng trầm của nền kinh tế thế giới, APEC đã chứng tỏ được sức sống mãnh liệt, một khu vực năng động nhất của nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam, một trong 3 thành viên gia nhập cuối cùng nhưng với 18 năm tham gia cũng đã chứng tỏ được vai trò của mình- một nước Đông Nam Á luôn nỗ lực đổi mới, chủ động hội nhập và đề ra nhiều sáng kiến tích cực tham gia thúc đẩy các mục tiêu chung.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày hôm nay, với nhiều diễn biến mới, nền kinh tế thế giới vẫn đang phục hồi chậm chạp, APEC nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng vẫn đang gặp nhiều thách thức lớn.
Với chủ đề "Tạo động lực mới, vun đắp tương lai", chúng ta sẽ kỳ vọng như thế nào về năm APEC 2017?
Để trả lời cho câu hỏi này, Tuần Việt Nam/Báo VietnamNet tổ chức bàn tròn: "Năm APEC 2017, cơ hội và thách thức nào cho Việt Nam".
Xin giới thiệu hai vị khách mời, ông Nguyễn Minh Vũ, Vụ trưởng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017 và Ts Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.
Mời quý vị xem bàn tròn tại đây
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa các ông, nếu năm 2006 khi chúng ta lần đầu tiên đăng cai APEC thì Việt Nam còn chưa gia nhập WTO, nhưng 10 năm qua có rất nhiều FTA đã được ký kết và đã ký hiệp định đa phương, song phương trong bối cảnh diễn biến chính trị, ngoại giao thế giới thay đổi rất nhiều. Cục diện như vậy sẽ mang lại thách thức và cơ hội gì cho Việt Nam đăng cai APEC 2017?
Ông Nguyễn Minh Vũ: Nước ta đăng cai APEC 2017 trong bối cảnh cục diện khu vực và thế giới thay đổi sâu sắc và tính bất ổn khó lường gia tăng hơn trước, đó là sự chuyển dịch quyền lực từ Tây sang Đông, thách thức gay gắt của các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đang tác động trực tiếp tới mọi mặt của đời sống.
Cục diện đó đã tạo ra những thách thức và những cơ hội đối với Việt Nam trong đăng cai APEC. Cơ hội đầu tiên, đó là mặc dù khu vực châu Á- Thái Bình Dương có sự tăng trưởng chậm nhưng đây vẫn là khu vực động lực của sự tăng trưởng và liên kết toàn cầu. Việc Việt Nam đăng cai APEC 2017 là cơ hội để chúng ta thể hiện vai trò dẫn dắt khu vực châu Á- Thái Bình Dương tiếp tục thúc đẩy tự do hóa thương mại.
Cơ hội thứ hai, chúng ta đang nhận được sự cam kết hợp tác rất lớn của các nền kinh tế lớn trong khu vực, họ muốn hợp tác với Việt Nam để cùng duy trì vai trò và động lực của APEC như tôi nói là động lực của tăng trưởng, liên kết toàn cầu và không chỉ tham gia vào các hoạt động đa phương của APEC, mà qua đó chúng ta còn có cơ hội để đưa quan hệ của chúng ta với các nước, các nền kinh tế trong APEC đi vào chiều sâu hơn nữa.
Ông Nguyễn Minh Vũ. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Đây cũng là dịp quan trọng để các địa phương thể hiện tiềm năng và thế mạnh hợp tác trong việc chắp nối kinh doanh và sau đó là quảng bá hình ảnh đất nước con người của Việt Nam.
Chúng ta cũng gặp thách thức đó là sự phục hồi kinh tế của khu vực chậm và những sức ép về xử lý vấn đề về thách thức đan xen với các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống. Ví dụ như vấn đề biến đổi khí hậu an ninh lương thực, vấn đề bệnh dịch hay là khủng bố đang đặt ra rất là lớn đối với tiến trình hợp tác APEC nói chung và đối với Việt Nam với tư cách là nước đăng cai APEC năm 2017.
TS. Võ Trí Thành: APEC trong bất kỳ tình huống nào thì vẫn phải là APEC, tự do hóa thương mại đầu tư và đằng sau đó là câu chuyện phát triển và lợi ích được chia sẻ cho tất cả các thành viên của APEC.
Thách thức đầu tiên là xu hướng tự do hóa thương mại, đầu tư biệt lập, chủ nghĩa bảo hộ.
Thứ nữa, APEC diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực, các thành viên APEC đang phải vật lộn với quá trình phục hồi kinh tế, giảm thiểu rủi ro đang ngày càng lớn mà phải nỗ lực đi vào cái cải cách để tạo động lực mới cho phát triển.
Với bối cảnh mới như vậy, một bên là tự do hóa thương mại truyền thống liên quan đến cắt giảm thuế quan, hàng rào phi thuế quan thì bây giờ thách thức mới là sửa đổi những rào cản, đáp ứng tiêu chuẩn mới để APEC tạo động lực nhưng vẫn thích ứng với bối cảnh mới.
Việt Nam có thể đóng góp tiếng nói quan trọng để tạo sự năng động cho APEC, Việt Nam có thể là nơi quy tụ của các thành viên APEC.
TS Võ Trí Thành. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Nhà báo Phạm Huyền: Xin được hỏi ông Võ Trí Thành, dưới góc nhìn của ông thì Việt Nam kể từ khi tham gia APEC năm 1998, sau khi đăng cai tổ chức APEC 2006 đã gặt hái được những thành tựu quan trọng gì? Và ngược lại chúng ta đã gặp những trở ngại gì?
TS. Võ Trí Thành: Quá trình phát triển Việt Nam là sự tương tác giữa hội nhập và cải cách bên trong.
Tôi kể câu chuyện khi tôi học ở Úc cách đây 15 năm, lúc bấy giờ mới thành lập APEC, Việt Nam cũng mới bắt đầu mở cửa cải cách. Lúc ấy tôi có gặp một ông giáo sư ở Úc, ông nói với tôi rằng Việt Nam phải tham gia APEC, Việt Nam phải biết đến APEC.
Quan trọng là Việt Nam đã hội nhập gắn với cải cách và khi tham gia APEC lại là cái nôi của rất nhiều sáng kiến. Bước đầu còn bỡ ngỡ nhưng dần dần Việt Nam đã tham gia một cách tích cực và chủ động hơn vào APEC.
Ý nghĩa đầu tiên là khi ta hội nhập thì cần phải lắng nghe và chủ động tham gia đóng góp tích cực. Thứ nữa, APEC là diễn đàn thương mại và đầu tư, đây là sân chơi để chúng ta có cơ hội học hỏi rất nhiều. Thứ ba, APEC giúp Việt Nam tham gia vào các quá trình đàm phán, hiệp định dù là song phương hay là FTA, WTO.
Ông Nguyễn Minh Vũ: Tôi hoàn toàn chia sẻ với ý kiến của TS. Võ Trí Thành, có thể chúng ta nhìn lợi ích của việc tham gia APEC từ góc độ trực tiếp, gián tiếp, từ góc độ tĩnh và động.
Việc tham gia APEC của Việt Nam đã tác động tốt đối với tiến trình cải cách của Việt Nam cũng như là hội nhập. Đây là một bước đệm rất quan trọng để chúng ta có thể tham gia vào các cơ chế hội nhập sâu rộng hơn ở tầm toàn cầu.
Việt Nam tham gia APEC năm 1998 và đăng cai đầu tiên vào năm 2006 qua đó chúng ta có thể thúc đẩy thực hiện mục tiêu Bogor, đàm phán gia nhập WTO. Tác động trực tiếp của APEC thể hiện qua con số.
Nhìn vào giai đoạn 2010-2015, 2005-2015 có thể thấy rất rõ đó là năm 2005, 2006 chúng ta có 3 đối tác FTA thì bây giờ APEC hàng năm chúng ta có 13 trên tổng số 16 FTA từ khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Năm 2006 ta chỉ có 2 đối tác chiến lược đến nay chúng ta đã có 13 đối tác chiến lược toàn diện là thành viên của APEC.
Nhìn vào các con số về thu hút đầu tư, về thương mại về du lịch thì đều tăng. Năm 2005 chúng ta có 66% đầu tư từ APEC trong tổng đầu tư, hiện nay con số tăng lên 78%, thương mại xuất khẩu cũng tăng từ 65% lên hơn 78% xuất khẩu từ khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Du lịch, giáo dục cũng tăng. Tôi cho rằng lợi ích trực tiếp đối với Việt Nam rất lớn.
Tôi xin nhấn mạnh lợi ích động cực kỳ quan trọng, đó là chúng ta tham gia vào khuôn khổ hợp tác với nền kinh tế phát triển ở trình độ cao hơn, tham gia bình đẳng vào các hoạt động trao đổi chính sách, trao đổi kinh nghiệm về cải cách, qua đó chúng ta cũng nâng tầm nâng trình độ, năng lực về hoạch định chính sách và hội nhập.
Các doanh nghiệp Việt tham gia và sân chơi châu Á- Thái Bình Dương cũng có điều kiện tiếp cận các tập đoàn hàng đầu khu vực, từ đó giúp doanh nghiệp Việt có thể nâng cao tầm nhìn cũng như năng lực hợp tác với các doanh nghiệp trình độ cao hơn.
Tất cả những điều đó sẽ tác động tích cực và lan tỏa đối với tiến trình cải cách của Việt Nam ở trong nước cũng như phát triển quan hệ bên ngoài ở tầm sâu rộng hơn.
Còn nữa
Tuần Việt Nam/Báo VietnamNet
Nhóm quay phim: Xuân Quý, Huy Phúc
Dựng phim: Bạt Tuấn
Chụp ảnh: Lê Anh Dũng