- Phó đoàn ĐBQH Thanh Hóa, ông Lê Nam đặt vấn đề về tính công khai của các khoản chi ngân sách: Với cơ chế mở, thế giới phẳng như hiện nay, ta chi gì thì cả thế giới đều biết, thậm chí thế giới biết trước QH, đại biểu QH.

Thảo luận dự thảo luật Ngân sách nhà nước sửa đổi hôm nay (17/4), các ĐB chuyên trách nhấn mạnh vào việc công khai thu chi ngân sách và vai trò của QH trong việc quyết định ngân sách.

Ông Lê Nam nói: Ngân sách là vấn đề khó không phải ĐB nào cũng hiểu hết được. Nhưng có một nguyên tắc tất cả các khoản chi thì phải được QH phê duyệt. Trên thực tế, có nhiều khoản chi lớn mà QH không phê duyệt.

{keywords}
Ông Lê Nam: Ngay cả chi cho quốc phòng an ninh, hiện nay chúng ta cũng không giấu được. Ảnh: Minh Thăng

"Đã gọi khoản chi của quốc gia thì phải do QH quyết. Với cơ chế mở, với một thế giới phẳng như hiện nay, ta chi gì thì cả thế giới đều biết. thậm chí thế giới biết trước QH, ĐBQH. Vi vậy, chúng ta không nên duy trì cơ chế này. Người dân, cử tri yêu cầu phải công khai".

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) thì nhận định luật chưa theo kịp thực tiễn đối với nhiều khoản chi trong thực tế: "Những khoản như công tác phí, tiền ở, nếu cứ làm đúng theo quy tắc của Bộ Tài chính thì không được việc, không đủ chi phí đi công tác, thành ra cứ phải biến báo cho đúng".

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng nhấn mạnh: "Ngân sách là cái cần minh bạch nhất". Chính vì thế, các ĐB không hài lòng khi các vấn đề ngân sách khi ra đến QH lại là chuyện đã rồi.

Phó đoàn ĐBQH Quảng Nam, ông Ngô Văn Minh chỉ ra: "Đúng là khó vì đa số ĐBQH là kiêm nhiệm, QH một năm chỉ họp 2 lần, nhưng có thực tế khi QH đưa ra thảo luận ngân sách hàng năm, thì mọi việc đã đâu vào đấy cả. Các địa phương lục tục kéo về gặp các Bộ Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư để bảo vệ kế hoạch của mình".

Ông Minh yêu cầu chuyển sớm số liệu và ý kiến thẩm tra cho ĐBQH để họ nghiên cứu trước khi ra thảo luận ở QH, hoặc có hội nghị ĐBQH chuyên trách trước kỳ họp chỉ bàn về ngân sách, có vậy việc QH quyết ngân sách mới thực chất.

Ông Trần Du Lịch chia sẻ ý kiến này: Ngân sách rất quan trọng. Một năm chúng ta dành bình quân 60 ngày làm việc cho 2 kỳ họp, liệu chúng ta có dành 10 - 15% quỹ thời gian đó để bàn ngân sách không?

"Kỳ họp giữa năm chúng ta bàn nhiệm vụ chi và kỳ họp sau cũng không cần họp tổ mà họp hội trường 3-4 ngày để quyết cái khung mà chúng ta làm. Bởi vì tôi thấy cái gì đưa ra QH thảo luận minh bạch thì mọi thứ tốt, còn cái gì mà cứ dấm dúi thì không tốt chút nào cả", ĐB TP.HCM nói.

Chung Hoàng