Sắc đỏ bao trùm toàn thị trường chứng khoán 2 tháng qua. Vn-Index xuống vùng 1.170 điểm, giảm 23% so với đỉnh lịch sử 1.524,7 điểm vào phiên ngày 4/4. Nhiều cổ phiếu chưa thể trở lại thời hoàng kim của mình. Làn sóng nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu vẫn tiếp tục diễn ra, bất chấp tài khoản âm nặng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, thị trường ghi nhận một số mã cổ phiếu có những cú tăng giá khủng, lên hàng chục lần, trong khi xuất phát chỉ tương đương giá trị bằng một cốc trà đá.

Nhìn lại hơn 10 năm cổ phiếu VLA của CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang cho thấy, cổ phiếu này dường như miễn nhiễm với biến động của thị trường.  

Kể từ ngày lên sàn HNX năm 2011 đến tháng 7/2021, VLA luôn dao động từ 2.000-6.000 đồng/cp, đôi khi leo lên vùng giá niêm yết, nhưng cũng nhanh chóng trở về giá cũ. Nhưng tới tháng 7/2021, cổ phiếu VLA có những bước tăng nhảy vọt, được ghi nhận trong suốt một năm qua khi liên tiếp thiết lập vùng đỉnh mới.

Tính đến nay, kết thúc phiên ngày 22/6/2022, cổ phiếu VLA tăng lên mức 61.000 đồng/cp, thậm chí có thời điểm ghi nhận mức đỉnh 66.400 đồng/cp.

Quá trình tăng tốc của VLA cũng phản ánh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này trong quý I/2022 khi doanh thu đạt 15,297 tỷ đồng, còn cùng kỳ năm ngoài chỉ đạt 250 triệu đồng. Giải thích về mức tăng đột biến này, VLA cho rằng, mức tăng 6.100% là do có thêm mảng đào tạo online, chiếm tới 98% tổng doanh thu. Về lợi nhuận, trong quý I/2022, VLA đạt 5,32 tỷ đồng, tăng 8,018 tỷ đồng so với cùng kỳ 2 năm trước đó (quý I/2020 lỗ 2,697 tỷ đồng).

CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang được thành lập theo Quyết định số 1338/QĐ-TCNS ngày 15/11/2007 của Nhà xuất bản Giáo dục. Ngành nghề kinh doanh của Công nghệ Văn Lang là sản xuất phần mềm quản lý trong các lĩnh vực: kế toán, quản lý sản xuất, quản lý nhân sự...và một số dịch vụ khác.

Tương tự, thị trường chứng khoán từng chứng kiến cổ phiếu của Công ty Cổ phần Xuân Mai - Đạo Tú (XMD) có cú bứt phá ngoạn mục chưa từng có. 27 phiên liên tiếp tím sàn đã đưa cổ phiếu này tăng 31 lần, từ 1.900 đồng/cp lên mức 59.200 đồng/cp.

Trước đó nhiều tháng, cổ phiếu XMD không hề có bất kỳ giao dịch nào, nhưng đến ngày 11/2 đột nhiên tăng liên tiếp, đạt đỉnh vào ngày 17/3 với mức giá 52.000 đồng/cp. Kể từ đó đến nay, XMD không giữ được đà tăng và liên tục lao dốc. Hiện tại, cổ phiếu này quay trở về mức giá dưới 10.000 đồng/cp. 

Trong báo cáo tài chính năm 2021, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của XMD đạt mức 96 tỷ đồng, tăng 35% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế âm 5,9 tỷ đồng, lỗ thêm hơn 1 tỷ đồng so với năm 2020.

Năm 2021, cổ phiếu TGG của Công ty Cổ phần Louis Capital tạo ấn tượng với nhà đầu tư khi tăng liên tiếp từ mức 6.000 đồng/cp lên mức đỉnh gần 70.000 đồng/cp chỉ trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên, sau khi lập đỉnh, cổ phiếu này liên tục rớt giá, hiện nằm sàn ở mức 5.000 đồng/cp.

Louis Capital vừa phải giải trình về giá cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp từ ngày 10-16/6, từ 6.850 đồng/cổ phiếu xuống chỉ còn 4.790 đồng/cổ phiếu, tương đương giảm 43%.

Lý giải về nguyên nhân cổ phiếu nhiều phiên liên tiếp giảm sàn, TGG cho rằng, do tác động từ thông tin người đứng đầu Louis Holdings ị bắt, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động của các đơn vị thành viên và giá cổ phiếu của công ty.

Hiện tại, chứng khoán ghi nhận hàng loạt cổ phiếu rơi về mức trà đá do thị trường đang trải qua thời gian dài giảm sâu. Đơn cử, ACM 1.500 đồng/cp, LCS 2.200 đồng/cp, BII 2.700 đồng/cp…

Ngọc Cương

Cổ phiếu kỳ lạ: Đóng băng giá 200 đồng, chia nhau tiền lãi 6.000%

Thị giá cổ phiếu thường là thước đo giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, thị giá thấp, tỷ lệ chi trả cổ tức cao sẽ được nhiều nhà đầu tư quan tâm.