Cuối phiên 11/4, cổ phiếu NVL của Novaland quay đầu tăng kịch trần lên 14.200 đồng/cp, sau khi giảm về mức 12.650 đồng/cp trong phiên sáng.
Nhóm cổ phiếu bất động sản quay đầu tăng mạnh sau khi giới đầu tư đón nhận thông tin Chính phủ yêu cầu lập tổ công tác giải quyết vướng mắc tại các dự án của Tập đoàn Novaland.
Ngày 11/4, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải quyết vướng mắc các dự án của Tập đoàn Novaland tại tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận.
Theo đó, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường thành lập Tổ công tác làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Bình Thuận để giải quyết vướng mắc tại các dự án của Novaland theo đúng quy định pháp luật và báo cáo Phó thủ tướng trước ngày 15/4.
Trước đó, Tập đoàn Novaland và UBND tỉnh Đồng Nai đã có các công văn kiến nghị giải quyết các vướng mắc liên quan đến các dự án của Novaland.
Novaland cũng đề xuất giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và cho rằng nếu các pháp lý của dự án được tháo gỡ sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm.
Novaland xin cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên các nhóm nợ cho các dự án bất động sản trong 2 - 3 năm; chỉ đạo tháo gỡ pháp lý tận gốc cho các dự án trên địa bàn cả nước.
Một số thông tin về doanh nghiệp niêm yết
* SHB: Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) Ngân hàng SHB thông qua mục tiêu lợi nhuận vượt 10.000 tỷ đồng trong năm 2023 và chia cổ tức 18%. SHB do ông Đỗ Quang Hiển làm chủ tịch tiếp tục kế hoạch bán vốn cho nước ngoài.
* PVC: Tổng Công ty Hoá chất và Dịch vụ Dầu khí (PVC) dự kiến trình ĐHĐCĐ thông qua phương án phát hành 10 triệu cổ phiếu tăng vốn từ nguồn Quỹ đầu tư phát triển và chào bán 40 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp. Vốn điều lệ sẽ tăng gấp đôi từ 500 tỷ lên 1.000 tỷ đồng.
* PGB: Cổ phiếu PGB của Ngân hàng PGBank ngày 11/4 tăng trần 15% phiên thứ 2 liên tiếp lên 32.200 đồng/cp sau khi Petrolimex thoái vốn thành công 120 triệu cổ phiếu PGB (40%) ở mức giá 21.400 đồng/cp. Đây là phiên tăng thứ 12 liên tiếp của cổ phiếu này.
* BAF: CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam trong tháng 3 phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 600 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm, lãi suất phát hành 5,25%/năm. Trái phiếu thuộc loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản bảo đảm.
* PVT: Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans) hướng tới lợi nhuận nghìn tỷ đồng trong năm 2023. Lãnh đạo PVT khẳng định thị trường vận tải rất nhạy với các thông tin như chiến tranh, Fed tăng lãi suất. Vận tải dầu sản phẩm, hoá chất, vận tải LNG là thị trường rất lớn, nhưng hiện đang khó khăn vì chiến tranh Nga-Ukraine. Giá vận tải đang rất cao, khiến nền kinh tế không chịu nổi.
* SDI Corp: Tổng tài sản của CTCP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp) đạt hơn 97.000 tỷ đồng, chỉ thua kém Vinhomes và Novaland. Vốn chủ sở hữu chưa tới 750 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lên tới 128,7 lần.
* HBC: Cổ phiếu HBC của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình sẽ bị đưa vào diện kiểm soát từ 17/4 vì chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2 năm liên tiếp.
* BIC: Doanh thu phí bảo hiểm quý I của Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) thực hiện được 25% kế hoạch 2023.
Giao dịch trên thị trường
* VN-Index: Kết thúc phiên giao dịch 11/4, nhóm cổ phiếu bất động sản và ngân hàng bất ngờ quay đầu tăng giá, qua đó kéo chỉ số VN-Index từ giảm chuyển đổi trạng thái sang tăng vào cuối phiên.
Chỉ số VN-Index chốt phiên 11/4 tăng 4,11 điểm lên 1.069,46 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 0,33 điểm lên 212,34 điểm. Upcom-Index tăng 0,82 điểm lên 78,81 điểm.
* Thanh khoản: Thanh khoản trên 3 sàn vẫn quanh mức thấp so với trung bình vài năm qua nhưng thị trường không còn ảm đạm như hồi cuối tháng 3. Thanh khoản ngày 11/4 đạt 13.700 tỷ đồng, trong đó có 11.591 tỷ đồng trên sàn HOSE.
* Khối ngoại: Các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 571 tỷ đồng trên HOSE, cao nhất kể từ cuối tháng 2, xả mạnh Sacombank (STB), Hòa Phát (HPG), VPBank (VPB), Chứng khoán SSI (SSI). Trong khi đó, mua ròng HDB, PNJ, Vinhomes (VHM)…
Sự kiện trong nước và quốc tế tác động tới TTCK
* Giá xăng tăng mạnh hơn 1.100 đồng/lít, RON 95 vượt 24.200 đồng/lít.
* Trong tháng 3, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là gần 14.300 tỷ đồng, tăng tới 137% so với tháng trước và tăng mạnh 64% so với cùng kỳ năm ngoái.
* Trong tháng 4, áp lực trái phiếu đáo hạn còn lớn, với khoảng 14.540 tỷ đồng. Bất động sản và ngân hàng tiếp tục là 2 nhóm ngành có giá trị đến hạn lớn nhất, tổng cộng gần 10.000 tỷ đồng.
* Tân Hiệp Phát có Tổng Giám đốc mới người Anh, đồng thời khẳng định sự việc liên quan tới ông Trần Quí Thanh và bà Trần Uyên Phương chắc chắn ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
* Tăng trưởng GDP quý I ở mức thấp, 3,3%. Lạm phát được dự báo chịu áp lực lớn khi dự kiến tăng giá điện. Việt Nam đối mặt với một năm khó khăn.
* Quảng Ninh giữ vị trí quán quân 6 năm liên tiếp trong trong bảng năng lực cạnh tranh 63 tỉnh thành. Bắc Giang nhảy vọt 29 bậc vượt Hải Phòng trở thành á quân.
* SSI Research dự báo, chỉ số VN-Index khó bứt phá trong ngắn hạn. Nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức, mặt bằng lãi suất hiện vẫn còn ở mức cao. Một số ngành trên có kết quả kinh doanh kém tích cực trong quý I/2023 do nền so sánh cùng kỳ ở mức cao.