Thông thường, những cốc cà phê sẽ có mức giá dao động từ vài chục nghìn đồng đến hơn 100.000 đồng. Tuy nhiên, tại một quán đồ uống ở Hàng Châu (Trung Quốc), để thưởng thức một ly cà phê, khách hàng phải trả 942 USD (22,9 triệu đồng).

Lý giải về sự đắt đỏ này, quán cà phê Pumpli House cho biết, họ sử dụng những hạt cà phê Geisha - được mệnh danh là hạt cà phê tốt nhất đất nước Panama, có mức giá lên tới 10.000 USD/kg (243 triệu đồng/kg).

Cốc cà phê đắt đỏ, có giá gần 23 triệu đồng gây tranh cãi - 1
Cốc cà phê 942 USD được làm từ loại hạt hiếm, mang hương vị trái cây nhiệt đới, vị đào và cam bergamot (Ảnh: Xiaohongshu).

Theo Tasting Table - một công ty truyền thông kỹ thuật số về thực phẩm và đồ uống của Mỹ, hạt Geisha của Panama được trồng với "quy mô nhỏ và sự chăm sóc cực kỳ cẩn thận trong từng bước của quy trình thu hoạch".

Bên cạnh sự hiếm có, loại hạt này còn mang hương vị độc đáo. Đó là sự kết hợp của 3 loại hương vị: Hương trái cây nhiệt đới, đào và cam bergamot.

Để cho ra một cốc cà phê trị giá 942 USD, Pumpli House phải sử dụng 15g hạt cà phê Geisha đắt đỏ. Tuy nhiên, trên mạng xã hội Trung Quốc, nhiều dân mạng đưa ra ý kiến trái chiều về món đồ uống có mức giá cao này.

Một số người cho rằng, chỉ cần có giá cả minh bạch, mỗi cá nhân có quyền tự quyết định liệu họ có muốn bỏ ra số tiền lớn mua món đồ uống đắt đỏ hay không. Dẫu vậy, số khác lại cho biết, 942 USD là mức giá quá cao cho một cốc cà phê.

Một blogger (người đăng tải các bài viết về một chủ đề hoặc lĩnh vực nào đó) có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội Trung Quốc đã cảm thấy thất vọng sau khi thưởng thức ly cà phê của quán Pumpli House.

Anh cho rằng, cốc cà phê có vị chua của "thức ăn thừa đã hỏng" và không có sự đặc biệt so với những món đồ uống làm từ cà phê thông thường.

Cốc cà phê đắt đỏ, có giá gần 23 triệu đồng gây tranh cãi - 2
Nam blogger cảm thấy thất vọng khi thử cốc cà phê trị giá 942 USD (Ảnh: Weibo).

Theo China Daily, cơ quan giám sát thị trường địa phương tại Trung Quốc đã phản hồi rằng, miễn là các thành phần là chính hãng và có xuất xứ minh bạch, các doanh nghiệp có quyền tự định giá.

Người tiêu dùng có thể báo cáo nếu có bất kỳ lo ngại về giá cả của sản phẩm. Khi đó, nhân viên giám sát sẽ được điều động để xác minh tình hình.

Theo Dân trí