Theo số liệu cập nhật mới nhất của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), tính đến 3/6, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xảy ra tại 52 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là hơn 2,2 triệu con với trọng lượng gần 130 nghìn tấn.
Theo đó, số tiền thiệt hại do bệnh dịch này gây ra ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng, bao gồm chi phí hỗ trợ lợn tiêu hủy, chi phí mua hóa chất sát trùng, chi phí hỗ trợ tiêu hủy...
Tại cuộc họp với đại diện 35 tỉnh, thành phố, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ để thống nhất cách thức và mức hỗ trợ người dân, doanh nghiệp một cách hợp lý, chính xác khi lợn bị bệnh DTLCP, ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đưa ra hai phương án hỗ trợ.
Con số thiệt hại ước tính lên tới 3.600 tỷ đồng sau hơn 4 tháng dịch tả lợn châu Phi hoành hành |
Phương án 1 (đang thực hiện theo Nghị quyết 16) hỗ trợ phân theo đối tượng lợn con, lợn thịt các loại; lợn nái, lợn đực đang khai thác các loại hỗ trợ bằng 80% giá thị trường và hỗ trợ bằng cân. Bên cạnh đó, ông Dương cũng nêu đề xuất phương án hỗ trợ đối với các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh tối thiểu bằng 30% giá thị trường.
Phương án 2 hỗ trợ theo nhóm lợn phân ra 5 nhóm lợn: lợn đang theo mẹ, mức hỗ trợ là 250.000 đồng/con; lợn con cai sữa dưới 2 tháng tuổi mức hỗ trợ 500.000 đồng/con; lợn thịt từ 2 đến 4 tháng tuổi (từ 30-80kg) hỗ trợ 1,5 triệu đồng/con; lợn thịt từ 4 tháng tuổi trở lên 2,5 đồng/con; lợn nái đang khai thác 3,5-4 triệu đồng/con.
Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, với cách tính bằng cân “là công bằng, chính xác nhất”. Song, với số lượng lợn ít thì dễ thực hiện, còn khi trang trại có 1.000 con phải tiêu hủy, ai đi cân hết được 1.000 con lợn trong điều kiện nắng mưa, nhọc nhằn?
Trong khi đó, cách hỗ trợ theo nhóm lợn (phương án 2) đang được Đồng Nai và một số tỉnh đang áp dụng. Tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) cũng đang áp dụng theo phương án này.
Bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định, cho biết, tỉnh này đã tiêu hủy hơn 178.000 con lợn, chiếm khoảng 30% tổng số đàn. Theo đó, tính đến nay số tiền hỗ trợ của tỉnh vào khoảng 450 tỷ đồng, trong khi quỹ dự phòng của tỉnh là 100 tỷ đồng.
“Lãnh đạo tỉnh phải phát sốt lên, bởi trong đời quản lý tài chính chưa bao giờ nhìn thấy thiệt hại như vậy kể cả bão gió, thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh”, bà Nga chia sẻ.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Hà Nội, nói rằng, khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, thành phố áp dụng hỗ trợ theo chính sách của Chính phủ - không dưới 38.000 đồng/kg. Khi giá lợn xuống thấp, Sở đã trình UBND thành phố mức hỗ trợ bằng 80% mức giá do Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam công bố nhằm tránh xảy ra tình trạng trục lợi hỗ trợ do giá hỗ trợ cao hơn giá thị trường và thành phố lấy nguồn từ Quỹ dự phòng thiên tai để chi trả.
Tại cuộc họp, hầu hết các đại biểu đều thống nhất với phương án đưa ra tại Nghị quyết số 16 của Chính phủ, đó là hỗ trợ bằng cân với tối thiểu 80% giá thị trường. Các địa phương căn cứ vào giá thực tế tại địa phương vào thời điểm hỗ trợ để xác nhận mức hỗ trợ cụ thể.
Ngoài hỗ trợ cho người chăn nuôi, các đại biểu cũng đề xuất nâng mức hỗ trợ cho lực lượng tham gia tiêu hủy lợn bị bệnh bằng với mức thuê nhân công ở địa phương, dao động từ 300.000-500.000 đồng/ngày.
B.Phương